Cơ hội tìm kiếm và tận dụng các nguồn lực, nguồn tài nguyên thiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội phát triển của tập đoàn viễn thông quân đội (viettel) tại thị trường mỹ latinh trong bối cảnh toàn cầu hoá (Trang 31 - 32)

8. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Cơ hội tìm kiếm và tận dụng các nguồn lực, nguồn tài nguyên thiên

nhiên mới

Đầu tư nước ngoài có thể mang lại cho các doanh nghiệp cơ hội tiếp cận và thu được những nguồn lực hoặc tài nguyên riêng biệt có chất lượng tốt hơn mà giá thành thì lại thấp hơn đáng kể so với việc khai thác những nguồn lực tương tự ở thị trường nội địa. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp đầu tư hoạt động có lãi và tính cạnh tranh cũng cao hơn ở các thị trường mà họ đang kinh doanh hoặc dự định sẽ kinh doanh.

Theo Dunning (2008), các nguồn lực mà doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận khi đầu tư ở thị trường nước ngoài được phân chia thành 3 loại hình chính như sau:

- Đầu tiên là các nguồn lực vật chất (physical resources). Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thì đầu tư nước ngoài là cơ hội giúp họ khai thác được nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào ở nước sở tại mà vẫn đáp ứng được mục tiêu giảm thiểu chi phí và đảm bảo được nguồn cung ứng. Các nguồn tài nguyên chính được đưa vào khai thác có thể kể đến như nhiên liệu khoáng sản và nhiên liệu hóa thạch (dầu khí, than đá và gas), khoáng sản công nghiệp, kim loại (đồng, thiếc, kẽm và kim cương), các loại sản phẩm nông nghiệp (cao su, thuốc lá, đường, chuối, dứa, dầu cọ, cà phê và trà). Trong khi đó, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ (như du lịch, giao thông, xây dựng, y tế hoặc giáo dục) lại có xu hướng đầu tư nước ngoài để khai thác các nguồn tài nguyên mang tính ràng buộc về vị trí của nước sở tại (location-bound resources).

- Nguồn lực thứ hai là lực lượng lao động không chuyên hoặc bán chuyên nhưng rẻ và nhiệt tình. Thông thường các doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội này khi chi phí nhân công nội địa quá cao, trong khi việc mở thêm chi nhánh ở nước ngoài

với nguồn lao động rẻ hơn hoàn toàn có ích cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thâm dụng lao động của họ. Đa số các hoạt động đầu tư với mục đích như vậy thường được tập trung ở các nước công nghiệp đang phát triển như Mexico, Đài Loan, Malaysia hoặc một số nước Đông Âu. Tuy nhiên, do chi phí nhân công ngày càng tăng, việc tìm kiếm nguồn lao động rẻ đang dần chuyển dịch sang các nước khác như Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ hay Ma-rốc.

- Nguồn lực thứ ba mà các doanh nghiệp có thể đạt được trong quá trình đầu tư nước ngoài là năng lực công nghệ, các kỹ năng quản lý, marketing và tổ chức chuyên nghiệp. Tuy nhiên, điều này thường phổ biến hơn đối với các doanh nghiệp khi đầu tư vào các thị trường phát triển hơn. Một số ví dụ có thể kể đến như các liên minh kinh doanh giữa công ty Hàn Quốc, Đài Loan với doanh nghiệp Mỹ hoặc Anh trong lĩnh vực công nghệ cao, hay việc thành lập các chi nhánh dành cho hoạt động nghiên cứu của một công ty dược phẩm Pháp tại Nhật đều có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên trong việc học hỏi và tiếp thu những kinh nghiệm của nhau. Hiện tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã mở các chi nhánh tại Mỹ và Pháp cũng với mục đích tiếp cận các nguồn lực công nghệ và quản lý từ các thị trường phát triển này.

Như vậy, giả thuyết thứ ba của bài nghiên cứu này là: Đầu tư vào khu vực Mỹ La tinh mang lại cho Viettel cơ hội tiếp cận và tận dụng nguồn lực có chất lượng tốt và giá thành cạnh tranh hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội phát triển của tập đoàn viễn thông quân đội (viettel) tại thị trường mỹ latinh trong bối cảnh toàn cầu hoá (Trang 31 - 32)