Bài học về tầm nhìn và chiến lược lựa chọn thị trường đầu tư trong bố

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội phát triển của tập đoàn viễn thông quân đội (viettel) tại thị trường mỹ latinh trong bối cảnh toàn cầu hoá (Trang 81 - 85)

8. Cấu trúc của luận văn

3.2.1. Bài học về tầm nhìn và chiến lược lựa chọn thị trường đầu tư trong bố

Nói đến những nguyên nhân dẫn đến thành công của Viettel tại thị trường Mỹ La tinh thì trước hết phải kể đến sự đúng đắn và chuẩn xác trong tầm nhìn và chiến lược lựa chọn thị trường đầu tư.

Tại thời điểm Viettel quyết định đầu tư ra nước ngoài, thị trường viễn thông trong nước lúc đó vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ, tuy nhiên chỉ một vài năm sau đó, đã có dấu hiệu bão hòa với tỷ lệ người dùng dịch vụ di động đã đạt đến 111% vào năm 2009 (World Bank). Cũng trong giai đoạn đó, nền kinh tế trong nước có những chuyển biến tích cực với sự kiện Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã khiến cho quá trình toàn cầu hóa có những tác động cũng như những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đầu tư nước ngoài trở nên dễ dàng hơn nhờ các biện pháp cắt giảm hoặc loại bỏ rào cản kinh tế giữa các quốc gia. Các nhà đầu tư có thể đầu tư vào bất cứ ngành nghề hay lĩnh vực nào và dòng vốn đầu tư có thể thuận lợi di chuyển đến bất cứ quốc gia nào.

Từ những kết quả đã đạt được trong hơn 10 năm qua, có thể nói Viettel là một trong những doanh nghiệp có tầm nhìn rất tốt khi có thể nghiên cứu và dự đoán trước những diễn biến của thị trường viễn thông trong nước, từ đó nắm bắt và tận dụng được ngay những cơ hội, những lợi thế về đầu tư nước ngoài mà quá trình toàn cầu hóa mang lại. Ở thời điểm Viettel đã có mặt tại 4-5 thị trường thì các doanh nghiệp viễn thông khác trong nước như Vinaphone hay Mobifone vẫn đang loay hoay với bài toán tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động và chưa sở hữu một mạng di động nào tại thị trường nước ngoài.

Không chỉ mang lại bài học về vấn đề nhận thức tầm quan trọng của chiến lược đầu tư ra nước ngoài, thành công của Viettel còn mang lại những bài học quý giá về kinh nghiệm lựa chọn thị trường đầu tư. Ngay từ lúc mới bắt đầu hướng đến thị trường nước ngoài, Viettel đã đánh giá và xác định thị trường viễn thông trên thế giới được chia làm 3 loại thông qua mật độ điện thoại và tốc độ tăng trưởng chung, gồm thị trường chưa phát triển với độ phủ dân số 20%, thị trường đang phát triển với độ phủ dân số trên 50% và thị trường đã bão hoà với độ phủ bám dân số gần như đạt tới 70-80%. Quan điểm của Viettel là đối với thị trường đã bão hoà (đa số là các nước phát triển), khả năng thâm nhập thị trường gần như bất khả xâm phạm vì

sự có mặt của các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới như Vodafone, Teléfonica, Singtel,....Trong khi đó, thị trường ở các nước chưa phát triển (như Cuba, Triều Tiên...) thì phạm vi thị trường không lớn và cũng không còn nhiều trên thế giới nên khả năng phát triển không cao và không bền vững. Vì vậy, thị trường đang phát triển cả về kinh tế và viễn thông với chỉ số Arpu còn thấp, mức độ cạnh tranh không quá cao sẽ là những thị trường tiềm năng, phù hợp với Viettel.

Khi lựa chọn đầu tư vào nhóm thị trường này, Viettel đã tự đánh giá năng lực của mình và tìm ra được điểm mạnh giúp họ phát triển được. Đó là kinh nghiệm kinh doanh ở những khu vực nghèo và khó khăn đã tích lũy được ở thị trường Việt Nam, đồng thời xuất phát từ quan điểm: tại bất kể thị trường nào, dịch vụ viễn thông cũng thiết yếu như cơm gạo. Thêm vào đó, điều kiện đầu tư cũng như khung pháp lý, quy định và luật lệ kinh doanh tại các thị trường đang phát triển thường sẽ dễ dàng hơn các thị trường đã bão hòa. Haiti là một ví dụ chứng minh tương đối rõ ràng cho chiến lược “đánh vào thị trường nghèo” của Viettel. Trên thực tế, trước đó Viettel đã lên kế hoạch đầu tư vào thị trường Cuba (nằm trong nhóm thị trường chưa phát triển hay thị trường non trẻ) nhưng phía Cuba chưa sẵn sàng mở cửa cho đầu tư viễn thông. Tuy nhiên, Cuba rất thân với các nước trong vùng Caribe nên đóng vai trò cầu nối trong việc dẫn Viettel tới Haiti. Tại thời điểm đó, ngoại trừ những thiệt hại do trận động đất gây ra, cộng với khó khăn ban đầu do lần đầu tiên hoạt động rất xa trụ sở chính thì những điều kiện còn lại của thị trường viễn thông Haiti tương đối thuận lợi với Viettel. Dân số cả nước vào khoảng 10 triệu người, toàn thị trường chỉ có 2 nhà mạng, trong đó 1 nhà mạng sắp bị mua lại. Và chỉ với hơn 6 năm kinh doanh, Natcom (thương hiệu của Viettel tại Haiti) đã chiếm gần 50% thị phần và đang trên đà trở thành nhà mạng số 1 tại thị trường này.

Trong những năm đầu tư tại các thị trường đang phát triển, Viettel đã bắt đầu nhận ra nếu cứ chỉ mãi hoạt động ở những nước nghèo, những thị trường nghèo thì vừa không thể nâng cao được năng lực cạnh tranh cũng như uy tín, vừa sẽ phải đối mặt với tình trạng quanh quẩn mãi cũng sẽ hết thị trường. Vì vậy, Viettel đã quyết định phải mở rộng sang những thị trường có mức phát triển cao hơn. Và Peru chính là phép thử đầu tiên mà Viettel lựa chọn để kiểm nghiệm năng lực của mình. Đầu tư

vào Peru, Viettel gặp phải các đối thủ lớn như nhà mạng Teléfonica, nhà mạng América Movil với kinh nghiệm quản lý tốt, tiềm lực tài chính mạnh, đã đi trước cả chục năm, môi trường cạnh tranh sòng phẳng và khốc liệt, để từ đó sẽ có kinh nghiệm để đầu tư vào những nơi có mức phát triển cao hơn như thị trường châu Âu, Bắc Mỹ.

Bổ sung cho những kinh nghiệm về lựa chọn thị trường là bài học về lựa chọn hình thức đầu tư. Không phải ngẫu nhiên mà Viettel áp dụng những hình thức đầu tư khác nhau tại các thị trường khác nhau. Đối với họ, hình thức đầu tư có ảnh hưởng rõ nét đến thành công của việc đầu tư ra thị trường nước ngoài. Tại Haiti, Viettel lựa chọn hình thức liên doanh với doanh nghiệp công Teleco để tận dụng những ưu đãi của Chính phủ Haiti dành cho các doanh nghiệp nhà nước. Hiện Viettel cũng áp dụng hình thức đầu tư này tại nhiều thị trường khác. Một ví dụ có thể kể đến là thương hiệu Unitel tại thị trường Lào (Viettel liên doanh với một công ty bản địa là Star Telecom). Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của Unitel được đánh giá là không cao bằng các thị trường khác cũng do chính hình thức đầu tư này. Vì sao lại có sự khác biệt như vậy? Tại Lào, Viettel chỉ nắm giữ 49% vốn góp nên không thể chủ động trong mọi quyết định quan trọng liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, lực lượng lao động tại đây, với đặc trưng thích sự nhàn hạ, hay tự ái nên không đáp ứng được yêu cầu làm việc với cường độ cao như Viettel mong muốn. Trong khi đó, tại Haiti, tỷ lệ vốn góp của Viettel trong liên doanh là 60%, do vậy được quyền quyết định nhiều hơn đối tác. Chất lượng lao động tại thị trường này cũng rất tốt với đặc trưng là nhiệt tình, năng động và chăm chỉ nên hoàn toàn phù hợp với văn hóa và tác phong làm việc của Viettel. Từ đó, có thể thấy rằng việc lựa chọn hình thức đầu tư là vô cùng quan trọng đối với kết quả hoạt động của doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài.

Vậy bài học cốt lõi rút ra ở đây là gì?

Thứ nhất, doanh nghiệp cần phải có tầm nhìn, cần dự đoán trước được nguy cơ và thời điểm thị trường trong nước bão hòa hoặc suy thoái để chuẩn bị kế hoạch mở rộng hoạt động ra các thị trường mới. Doanh nghiệp không thể mãi ngủ quên trên chiến thắng, đứng yên tận hưởng sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trong một

thời điểm nhất định mà phải luôn vận động, luôn dịch chuyển để tìm kiếm các cơ hội mới.

Thứ hai, cần xác định rõ mục tiêu hướng đến, kết hợp với đánh giá năng lực vốn có của bản thân để lựa chọn thị trường đầu tư. Đối với Viettel vài năm trước thì đó là mục tiêu trở thành nhà mạng hàng đầu, là kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tại nước nghèo, vì vậy đã lựa chọn thị trường đang phát triển để đầu tư. Đối với Viettel những năm gần đây thì đó là mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như uy tín nên một vài thị trường phát triển đã bão hòa lại là sự lựa chọn thích hợp.

Thứ ba, doanh nghiệp nên nghiên cứu, đánh giá các đặc điểm thị trường và chất lượng của nguồn nhân lực tại thị trường trước khi lựa chọn hình thức đầu tư nhằm đạt được hiệu quả hoạt động cao nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) cơ hội phát triển của tập đoàn viễn thông quân đội (viettel) tại thị trường mỹ latinh trong bối cảnh toàn cầu hoá (Trang 81 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)