Bên cạnh những kết quả đạt được, chiến lược kinh doanh của MobiFone vẫn còn một số hạn chế sau:
Trong chiến lược tổng quát của mình, MobiFone cũng xác định mục tiêu giữ chân khách hàng là quan trọng số một. Tuy nhiên, xu hướng phát triển công nghệ hiện đại ngày nay làm cho các loại dịch vụ không còn tồn tại một cách riêng lẻ mà được tích hợp, đồng bộ với nhau, ví dụ như điện thoại có thể điều khiển camera chống trộm, kết nối TV, có thể xem truyền hình trả tiền qua internet, hay sử dụng dịch vụ ngân hàng…. Việc tích hợp, đồng bộ thiết bị phần cứng với nội dung phần mềm, hay phát triển các dịch vụ nội dung số, bán lẻ đã được các nhà cung cấp Viettel, VinaPhone quan tâm và thực hiện trước. Do đó, việc chỉ tập trung vào phát triển các dịch vụ viễn thông di động đang làm cho MobiFone yếu thế so với các đối thủ khi đã bỏ qua một loạt các thị trường tiềm năng khác.
Chiến lược giá thấp của MobiFone vừa có ưu điểm song cũng có những nhược điểm riêng của nó, đó là hiện tại mức giá cước viễn thông đã chạm đáy, hơn nữa là các quy định pháp luật về mức giá cước dịch vụ viễn thông để đảm bảo tính cạnh tranh khiến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông về lâu dài không thể duy trì chiến lược giá thấp. Mặt khác, nếu không củng cố lòng trung thành của khách hàng thì doanh thu bình quân trên thuê bao sẽ giảm khiến công ty sẽ bị ảnh hưởng doanh thu.
Về chiến lược khác biệt hoá: có thể nói các gói cước của MobiFone có những sự khác biệt hoá tương đối so với các đối thủ, giúp doanh nghiệp phân loại được đối tượng khách hàng, và ngược lại, khách hàng có thể tìm thấy được các gói dịch vụ phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh công tác chăm sóc khách hàng cũng đòi hỏi MobiFone phải tăng cường khả năng đáp ứng, giải quyết khiếu nại nếu không sẽ bị xem là thất hứa đối với khách hàng. Bên cạnh đó, việc phân khúc đưa ra quá nhiều gói sản phẩm nếu không có được đội ngũ tư vấn vững về chuyên môn thì sẽ không thể giúp cho khách hàng chọn được gói dịch vụ phù hợp.
Về dịch vụ: MobiFone cam kết đưa đến cho khách hàng dịch vụ với chất lượng ngày càng cao, tuy vậy vẫn không thể loại bỏ những hạn chế nhất định như hiện tượng nghẽn mạng vào các dịp lễ tết, ngày nghỉ. Đôi khi khách hàng gặp phải sự không thuận tiện khi muốn đăng ký sử dụng dịch vụ di động của MobiFone, nhiều khi muốn thay đổi dịch vụ khách hàng không thể thực hiện qua tin nhắn mà phải đến tận của hàng của MobiFone để đăng ký. Điều này ít nhiều gây nên sự khó chịu đối với khách hàng.
Về kênh phân phối: Hệ thống kênh phân phối tuy rất rộng song vẫn còn một số đại lý bán hàng hoạt động chưa hiệu quả, thái độ phục vụ khách hàng còn yếu, một số nhân viên ở các đại lý chưa nắm rõ về các dịch vụ mà công ty cung cấp thành ra giải thích cho khách hàng còn ậm ờ, gây ra những lựa chọn không phù hợp của khách hàng.
Về chăm sóc khách hàng: mặc dù công ty đã có hệ thống cơ sở hạ tầng và con người cho hoạt động chăm sóc khách hàng vững mạnh, liên tục củng cố bổ sung, có các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng hiện đại, tuy nhiên số lượng khách hàng gọi đến không được trả lời vẫn còn cao hay thái độ phục vụ của nhân viên đôi khi còn không nhiệt tình, khả năng tiếp thu câu hỏi và trả lời của đội ngũ nhân viên vẫn còn hạn chế.
Sự phối hợp của bộ phận chăm sóc khách hàng với một số bộ phận khác đội khi còn hạn chế dẫn đến khách hàng phải chờ đợi lâu để được cung cấp dịch vụ.
Về chiến lược nguồn nhân lực: Đôi khi công ty chưa thực sự chú ý tới việc khai thác và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, vẫn còn tình trạng có nhân viên thì nhàn rỗi trong khi đó các nhân viên khác thì rất vất vả với hàng ngàn công việc. Do đó yêu cầu đặt ra là phải thực hiện phân công công việc hiệu quả đảm bảo cho các thành viên hoạt động nhịp nhàng và đạt hiệu quả tốt nhất.
Đồng thời công ty cũng chưa có được một cơ chế đặc biệt để thu hút đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực về làm việc cho mình.
CHƯƠNG 3: HOÀN THIỆN CHIẾN LƯỢC KINH DOANH CỦA TỔNG CÔNG TY VIỄN THÔNG MOBIFONE