Như đã trình bày, nếu xem xét các biện pháp trên không có hiệu quả thì bằng việc tham gia thị trường mua bán nợ, ngân hàng có thể xem xét bán các khoản nợ xấu cho các công ty mua bán nợ AMC của NHNo&PTNT Việt Nam hoặc các chủ thể kinh tế khác theo quy định hiện hành. Việc bán các khoản nợ xấu sẽ giúp ngân hàng nhanh chóng xử lý được nợ xấu, thu hồi nợ vay tối đa, tập trung cho công việc kinh doanh mới của mình, thực hiện các biện pháp phòng ngừa nợ xấu hiệu quả mà không chịu ảnh hưởng từ việc giải quyết nợ tồn đọng với khách hàng. Hơn nữa, các chủ thể tiến hành mua bán nợ trên thị trường hoạt động chuyên nghiệp và tận dụng được lợi thế về thông tin, quy mô, quyền hạn... và đặc biệt không chịu áp lực từ mối quan hệ với khách hàng như ngân hàng nên công việc xử lý nợ xấu sẽ hiệu quả hơn.
Biện pháp này được thực hiện rất thành công ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan, tuy nhiên ở hệ thống NHNo&PTNT Việt Nam chưa có công ty mua bán nợ, hiện nay mới chỉ có Công ty Mua bán tài sản xiết nợ trực thuộc Công ty
Dịch vụ Agribank, với quy chế hoạt động của Công ty Mua bán tài sản nợ hiện nay thì hoạt động mua bán các khoản nợ trong hệ thống cũng như việc khai thác các tài sản chưa thực sự hiệu quả. Trong thời gian tới NHNo&PTNT Việt Nam sẽ thành lập Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản NHNo&PTNT Việt Nam (AMC). Do đó, biện pháp bán nợ mới chỉ được thực hiện thí điểm, chưa trở thành một biện pháp chủ đạo trong công tác xử lý nợ xấu.
Để phát huy tối đa hiệu quả của biện pháp này, ngoài điều kiện khách quan là thị trường mua bán nợ phải phát triển thì trên cơ sở các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về việc mua bán nợ, Chi nhánh NHNo&PTNT Trung Yên cần linh hoạt, chủ động trong việc bán nợ, không chỉ thực hiện bán các khoản nợ ngoại bảng mà còn đẩy mạnh thực hiện bán các khoản nợ xấu nội bảng nhằm giảm tỷ lệ nợ xấu và không chỉ bán nợ cho DATC, VAMC, AMC của Agribank mà còn chủ động tìm kiếm các đối tác khác để bán nợ nhằm nâng cao tính cạnh tranh và nâng cao giá bán nợ.