Thứ nhất, NHNN cần hoàn thiện và cụ thể hóa các nội dung của luật ngân hàng, hướng dẫn các tổ chức thương mại và các tổ chức tín dụng thực hiện các quy định đó. Đồng thời phải kịp thời sửa đổi các điểm không phù hợp trong các văn bản cũ, tạo điều kiện cho các ngân hàng không gặp khó khăn trong việc thực thi các chính sách do nhà nước đề ra trong hoạt động ngân hàng.
Thứ hai, NHNN cần hoạch định chiến lược phát triển chung cho hệ thống NHTM. NHNN có vai trò quan trọng trong việc định hướng phát triển dịch vụ, đề ra các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển dịch vụ mới của các ngân hàng trong nền kinh tế. Sự định hướng chung của NHNN sẽ giúp các NHTM cập nhật những thông tin tài chính nhanh nhất, cùng kết hợp với nhau trong một số lĩnh vực, tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí. NHNN cần kiểm soát chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng
bán lẻ chung của các NHTM ở tầm vĩ mô, đảm bảo kiến trúc tổng thể hài hòa trong toàn ngành, nhưng vẫn đảm bảo mục đích chung về lợi nhuận cho mỗi ngân hàng.
Thứ ba, cần bổ sung, hoàn thiện các chính sách, cơ chế thúc đẩy ứng dụng và triển khai DVNH mới. Trên cơ sở các bộ luật của Nhà nước, NHNN cần nhanh chóng xây dựng, hoàn chỉnh, đồng bộ, đổi mới kịp thời hệ thống các văn bản dưới luật cho phù hợp với yêu cầu phát triển cũng như phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm hướng dẫn các NHTM thực hiện. Ban hành cơ chế về quản lý DVNH, tạo điều kiện phát triển hệ thống dịch vụ của các NHTM. Giao quyền cho các NHTM quyết định các loại dịch vụ cần thu phí theo nguyên tắc thương mại chứ NHNN không nên điều hành biểu phí dịch vụ làm mất tính cạnh tranh.
Thứ tư, NHNN cần tiếp tục giữ vững và ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và mặt bằng lãi suất. Ngay trong vài tháng đầu năm 2017, mặt bằng lãi suất (cả huy động và cho vay) tại các NHTM Việt Nam đã tăng lên từ 0,5% - 1% so với cuối năm 2016. Theo các chuyên gia dự báo, lãi suất cho vay có thể tăng từ 2% - 4% trong năm nay. Trong trường hợp NHNN có chính sách can thiệp, mức tăng có thể sẽ thấp hơn, chỉ tăng khoảng 1%-2%/năm. Các NHTM chỉ có thể hoạt động và phát triển dịch vụ tốt nhất trong một thị trường tiền tệ ổn định mà NHNN đóng vai trò quan trọng trong việc bình ổn đó, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư, các nhà sản xuất, khuyến khích tiêu dùng... tạo sự phát triển mạnh mẽ cho các NHTM.
Thứ năm, với dự án Hệ thống thông tin quản lý và hiện đại hóa ngân hàng do Ngân hàng Thế Giới và Chính phủ Nhật Bản tài trợ, NHNN cần đôn đốc, giám sát các đơn vị thực hiện hoàn thành Dự án đúng hạn, có hiệu quả (kết thúc vào 31/12/2017).Đối với ba đơn vị thụ hưởng chính của Dự án đó là NHNN, Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) thì Dự án này được coi là một dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông tin để hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ, nâng cấp chất lượng và hiệu quả hoạt động một cách đáng kể. Dự án sẽ giúp giảm thiểu chi phí cơ hội, tăng khả năng phản ứng chính sách đối với những biến động, thay đổi của các hoạt động kinh tế nói chung cũng như trong lĩnh vực
tiền tệ, tín dụng và ngân hàng nói riêng. Dự án được thực hiện thành công sẽ nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động của NHNN, CIC và DIV. Dự án được thực hiện sẽ tạo nên hạ tầng cơ sở khá cơ bản và đồng bộ, góp phần tích cực vào việc phát triển các hoạt động tài chính, tiền tệ của quốc gia, qua đó góp phần đáng kể vào ổn định vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng bền vững và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Thứ sáu, NHNN cần chú trọng hơn nữa đến công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các TCTD nhằm đảm bảo các TCTD hoạt động được an toàn, lành mạnh. Hoàn thiện quy định về an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế. Hiện nay, khi các ngân hàng trên thế giới đã đề cập tới việc áp dụng chuẩn mực Basel III thì các ngân hàng ở Việt Nam vẫn chưa chính thức đề cập tới việc áp dụng một chuẩn mực nào của Basel. Việc tiếp cận với các chuẩn mực của Basel đòi hỏi kỹ thuật phức tạp và chi phí khá cao. Đối với một nước có hệ thống ngân hàng mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu như Việt Nam, việc áp dụng các chuẩn mực của Basel gặp nhiều khó khăn, thách thức và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính - ngân hàng với nhiều loại hình dịch vụ ngân hàng mới, việc từng bước áp dụng các chuẩn mực Basel tại Việt Nam là yêu cầu cấp thiết nhằm tăng cường năng lực hoạt động, giảm thiểu rủi ro đối với các ngân hàng thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thị trường tài chính quốc tế. NHNN cần tiếp tục lộ trình áp dụng các chuẩn mực của Basel II và Basel III tại các NHTM được chỉ định trong thời gian tới.