3.1.1.1 Có chính sách tín dụng tích cực và linh hoạt đối với thị trường bất động sản
Trong năm 2017, thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng ổn định, thể hiện qua các chỉ số về giá cả, số lượng giao dịch. Theo số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, năm qua, lượng giao dịch tăng mạnh so với năm 2016, chỉ tính riêng tại Hà Nội và TP.HCM, có 64.263 giao dịch thành công (chưa kể đất nền dự án), chủ yếu là sản phẩm chung cư giá rẻ và trung cấp. Cùng với sự tăng trưởng của ngành BĐS lĩnh vực tín dụng với TTBĐS là vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay. Tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng trưởng trong giới hạn an toàn. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến hết quý III/2017, tổng dư nợ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản là gần 450 ngàn tỷ đồng; ước tính năm 2017, dư nợ cho vay chiếm tỷ trọng khoảng 6% tổng dư nợ nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản khoảng 8,5%. Với bức tranh TTBĐS như trên, có thể thấy TTBĐS đang được quản lý - vận hành đúng hướng, an toàn và ổn định, chưa có dấu hiệu “bong bóng bất động sản” như một số ý kiến lo ngại gần đây. Thậm chí, dư nợ tín dụng hiện nay đang diễn biến trái ngược với những năm trước đây: thông thường tốc độ tăng trưởng cho vay bất động sản gấp 1,5 - 2 lần tốc độ
tăng trưởng chung (tốc độ tăng trưởng chung 10 - 12% thì lĩnh vực bất động sản thường là 17 - 18%), trong khi năm nay tăng trưởng tín dụng khoảng 19% thì tốc độ tăng trưởng lĩnh vực bất động sản chưa bằng một nửa. Tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản chỉ đạt 6%, trong khi mức an toàn là 8 - 10%. Sự thiếu hụt về nguồn vốn tín dụng trong nước được bù đắp bằng nguồn vốn FDI; tuy nhiên, để TTBĐS tiếp tục phát triển, làm đầu kéo các loại thị trường khác phát triển (thị trường xây dựng, vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất, thị trường vốn, nguồn lực đất đai...), góp phần tích cực phát triển kinh tế và tăng thu cho ngân sách nhà nước, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan điều hành chính sách tài chính – tín dụng linh hoạt hơn, mở rộng tín dụng hơn cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản (lên mức 7-8%). Đây là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng đầy tiềm năng của TTBBĐS tạo cơ hội thuân lợi không chỉ cho các CĐT các nhà thầu mà còn cho khách hàng.
3.3.1.2 Đẩy mạnh công tác quy hoạch sử dụng đất đai
Báo cáo mới nhất của CBRE về TTBĐS tại Hà Nội năm 2017 đưa những con số vô cùng ấn tượng: Hà Nội có thêm 203 dự án mới với nguồn cung lên tới 35.000 căn hộ. Điều này cho thấy sự tiềm năng của TTBĐS tại Hà Nội trong những năm gần đây và xu hướng đầu tư vào BĐS ngày càng lớn. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch đất đai sao cho khoa học hợp lý và ổn định bộ mặt đô thị thì vẫn đang là câu hỏi để ngỏ từ lâu nay.Bởi vì quỹ đất là có hạn, trong khi nhu cầu cho phát triển kinh tế và đời sống dân sinh ngày càng gia tăng. Do đó, công tác quy hoạch sử dụng đất đai một cách khoa học là hết sức cần thiết. Hiện nay vấn đề về quy hoạch còn chưa đồng bộ, chồng chéo. Theo đó, việc quy hoạch được giao cho nhiều cơ quan khác nhau, ví dụ như quy hoạch sử dụng đất giao cho ngành tài nguyên môi trường, quy hoạch xây dựng giao cho ngành xây dựng, quy hoạch giao thông vận tải giao cho ngành giao thông…Theo các chuyên gia, quy hoạch yếu và thiếu tầm nhìn, sự tăng trưởng nóng của các công trình nhà ở là nguyên nhân gây nên bộ mặt nhếch nhác của đô thị. Do đó dẫn đến việc quy hoạch chưa hợp lý, đặc biệt trong điều kiện Hà Nội không ngừng gia tăng dân số. Điều này ảnh hưởng lớn tới hệ thống hạ tầng đặc biệt là giao thông đô thị, y tế, giáo dục, làm giảm chất lượng sống dân cư. Bên cạnh
đó công tác quy hoạch chưa đảm bảo tính công khai minh bạch trong việc cung cấp thông tin cho thị trường. Do vậy Nhà nước cần đẩy mạnh công tác quy hoạch sử dung đất đai. Coi trọng công tác này và đảm bảo công tác quy hoạch đi trước một bước nhằm phát triển TTBĐS đúng mục đích, có hiệu quả. Ngoài ra con đường tự đổi mới quy hoạch đô thị đó là phải rời bỏ kiểu quy hoạch chính trị và quy hoạch xin – cho thời bao cấp để chuyển sang quy hoạch chiến lược theo dạng hợp tác quy hoạch giữa: Chính quyền, nhà chuyên môn, nhà đầu tư, với cơ chế chủ động tham gia và giám sát của người dân tại địa điểm quy hoạch. Bởi, quy hoạch không phải việc của riêng chính quyền đô thị mà là công việc của mỗi công dân đô thị. Để điều tiết lượng hàng hóa và cân đối sản phẩm BĐS phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Chính quyền TP Hà Nội cần có chương trình kế hoạch, không chỉ phát triển nhà ở chung chung mà cần xác định rõ tỷ trọng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phân khúc trung bình, thấp và nhà ở cao cấp với diện tích, khu vực cụ thể. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện các thủ tục hành chính, quyết định việc cấp đất dự án, xác định tiến độ của các dự án hợp lý, phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương ở từng thời điểm phát triển. Quản lý thị trường bất động sản gắn liền với quản lý chặt chẽ đất đô thị. Nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch đầu tư phát triển bất động sản bảo đảm sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch đã được xét duyệt.
3.3.1.3 Có sự phân biệt giữa các dự án đảm bảo cân đối cung cầu lâu dài của TTBĐS
Hiện nay trên địa bàn Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung càng ngày càng có nhiều dự án nhà ở mới được giới thiệu mỗi năm. Có 2 loại hình chính gồm: dự án nhà ở thương mại cao cấp như biệt thự, nhà vườn, liền kề, chung cư cao cấp, trung cấp và dự án nhà ở thương mại giá thấp như chung cư giá rẻ hay nhà ở xã hội. Hai loại hình dự án hướng tới 2 nhóm đối tượng trong xã hội là người có thu nhập từ mức khá trở lên và nhóm người có thu nhập trung bình, thấp. Bên cạnh vấn đề quy hoạch hợp lý thì việc tác động hỗ trợ người dân đặc biệt nhóm dân cư có thu nhập mức trung bình thấp giúp đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người dân.
Do đó Chính phủ có thể cho phép tiếp tục thực hiện một số cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại có diện tích nhỏ (căn hộ chung cư có diện tích dưới 75m2), giá bán thấp (dưới 15 triệu đồng/m2) như giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn đầu tư cũng như cần có sự phân biệt về thuế, tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn giữa các dự án nhà ở thương mại cao cấp và nhà ở thương mại giá thấp nhằm đảm bảo sự tính công bằng xã hội và sự cân bằng lâu dài bền vững giữa cung cầu BĐS.