Từ phân tích thực trạng cho thấy hiệu quả sử dụng vốn đang ngày càng tăng và đạt mức 96,59% cho thấy công tác huy động vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng còn một số khó khăn, khó cân đối được nguồn lực tương ứng đối với một số chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay dài hạn. Hơn nữa, NHCSXH không thể chỉ dựa vào nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ,
ngân sách Nhà nước hay tỉ lệ 2% số dư tiền gửi của các NHTM mà phải tìm ra cách thức huy động vốn từ thị trường. Do đó, NHCSXH cần thực hiện các biện pháp sau để huy động nguồn vốn cung cấp đủ cho nhu cầu tín dụng chính sách:
Hoạch định chính sách tạo lập nguồn vốn ổn định, bền vững, cơ chế xử lý nợ rủi ro khách quan, cơ chế tài chính ngành theo hướng nâng cao tính tự chủ, giảm dần tính thụ động, chắp vá trong tổ chức chỉ đạo, điều hành. Nguồn vốn theo kế hoạch hàng năm phải được ghi vào danh mục chi ngân sách được Quốc hội phê chuẩn, nghiên cứu quy định một mức nhất định hàng năm trong dự toán để phục vụ mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo ASXH của Nhà nước. Tập trung các nguồn lực cho người nghèo có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH để triển khai một cách thống nhất. Mở rộng tiếp nhận nguồn tiền gửi 2% từ các NHTM cổ phần, các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước… để chuyển qua NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngoài việc Chính phủ cấp bổ sung vốn điều lệ nâng tỷ lệ vốn thực hiện Chương trình tín dụng chính sách, cần xây dựng và tạo lập cơ chế tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH có thể khai thác được các nguồn vốn có tính chất ổn định và lâu dài, lãi suất thấp hoặc không phải trả lãi như: Nguồn vốn phát hành Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, vốn vay có thời hạn dài và lãi suất thấp, nguồn vốn vay tồn ngân của Kho bạc Nhà nước…
Có quy định cụ thể về tỷ lệ đóng góp thống nhất trong toàn quốc đối với nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương để lập quỹ cho vay ưu đãi thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi của địa phương. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành cụ thể hơn nữa chính sách đa dạng hoá các nguồn vốn để huy động được sự đóng góp của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tài chính, ngân hàng, nguồn đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước để có thể tiếp cận để tranh thủ nguồn vốn ưu đãi của nước ngoài. Chủ động tiếp xúc, xây dựng các chương trình dự án để thu hút nguồn vốn tài trợ lớn (như PRSC, WB, ADB, IFAD…) nhằm tiếp cận và tham gia các dự án hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không
hoàn lại nhằm tăng cường năng lực đào tạo, mua sắm trang thiết bị và các dự án vay vốn ODA.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng cần rà soát toàn bộ các chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, qua đó tập trung nguồn lực của các chương trình này đối với các cấu phần liên quan đến tín dụng ưu đãi đề chuyển sang cấp cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay.
Ngoài ra, NHCSXH cần tập trung tăng cường nguồn vốn huy động trên thị trường thông qua các sản phẩm huy động vốn mới, đặc biệt là sản phẩm tiết kiệm từ người nghèo và dân cư trên địa bàn nông thôn bằng cách: (i) Tuyên truyền cho người nghèo và dân cư trên địa bàn nông thôn biết được lợi ích từ việc gửi tiền tiết kiệm tại NHCSXH; (ii) xây dựng cơ chế gửi tiền tiết kiệm với lãi suât hấp dẫn, kỳ hạn linh hoạt, đồng thời gắn với lợi ích khi vay vốn sẽ khuyến khích người vay vốn tích cực gửi tiền tiết kiệm hơn. Với quy mô khoảng gần 7 triệu khách hàng đang còn dư nợ như hiện nay, tính bình quân 1 hộ gia đình có 4 người thì NHCSXH có tới 34 triệu khách hàng và nếu một nửa trong số đó ở độ tuổi lao động, có khả năng tiết kiệm thì đây là lượng khách hàng tiềm năng để huy động vốn. Nếu mỗi ngày một người chỉ cần tiết kiệm 1 nghìn đồng thì 1 tháng tiết kiệm được 30 nghìn đồng và 1 năm tiết kiệm được 360 nghìn đồng, theo đó trong 1 năm với lượng khách hàng như nêu trên thì NHCSXH có thể huy động được khoảng 6.000 tỷ đồng. Đây là một lượng vốn tương đối lớn và sẽ là 1 nguồn rất ổn định cho hoạt động tín dụng của NHCSXH. Do các khoản tiết kiệm của người nghèo tương đối nhỏ nên họ có xu hướng ngại đi gửi tiền tại các NHTM với thủ tục phức tạp, tuy nhiên NHCSXH với lợi thế về mạng lưới của mình hoàn toàn có thể tận dụng được nguồn lực lớn này.