3.2.2.1. Hoàn thiện bộ máy quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội
Qua phân tích về thực trạng chất lượng tín dụng tại một số địa phương, có thể thấy rằng, về cơ bản những địa phương có tỷ lệ nợ xấu cao là những địa phương mà Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh cũng như chính quyền địa phương ở đó chưa thực sự quan tâm, sâu sát đến tín dụng chính sách. Do đó, vấn đề đặt ra là NHCSXH cần phải hoàn thiện lại bộ máy quản trị của NHCSXH để khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay nhằm hướng tới tăng cường HQTD chính sách. NHCSXH cần phát huy vai trò, trách nhiệm của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp trong việc nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách và giám sát hoạt động của NHCSXH; vai trò, trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã trong việc xác nhận đối tượng, lồng ghép các chương trình, dự án, tuyên truyền và quản lý vốn vay. Thường xuyên củng cố tổ chức, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong hoạt động từ HĐQT đến Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, cần chú trọng nâng cao hiệu quả chỉ đạo của HĐQT và Ban đại diện HĐQT các cấp bằng cách xây dựng các tiêu thức đánh giá cụ thể kết quả hoạt động.
NHCSXH cần tăng cường nhân sự và năng lực cho đội ngũ kiểm soát viên chuyên trách của HĐQT. Do đội ngũ kiểm soát viên kiêm nhiệm thuộc một số bộ ngành phải đảm nhận nhiệm vụ chính của họ tại các đơn vị nên công tác kiểm soát chủ yếu do cán bộ kiểm soát chuyên trách đảm nhận. Tuy vậy, đội ngũ cán bộ kiểm soát chuyên trách còn mỏng về số lượng và chất lượng, đòi hỏi cần có sự tăng cường thêm nhân sự và triển khai đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm soát viên. Ngoài ra, đối với kiểm soát viên kiêm nhiệm thuộc một số bộ ngành trên thực tế chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả hoạt động do phải đảm nhận quá nhiều nhiệm vụ nên cũng cần có sự củng cố, kiện toàn nhóm đội ngũ này.
3.2.2.2. Hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý theo hướng tinh giản cấp trung gian, tăng cường quản lý ở cấp trung ương, tăng nhân lực và cơ cấu lại Phòng giao dịch cấp huyện
Hiện nay hoạt động của NHCSXH chủ yếu diễn ra ở cấp Trung ương và cấp huyện, tuy nhiên mô hình tổ chức hiện tại của NHCSXH chưa thực sự phù hợp với
thực trạng trên. Trong khi đó, toàn bộ chi phí cho bộ máy của NHCSXH do Nhà nước chi trả, việc duy trì bộ máy chưa hợp lý như hiện nay sẽ gây lãng phí ngân sách nhà nước và làm giảm hiệu quả hoạt động của Ngân hàng. Do đó, việc hoàn thiện mô hình quản lý theo hướng tinh giản cấp trung gian, tăng cường quản lý ở cấp trung ương đồng thời bổ sung nhân lực cho cấp huyện, xã là một giải pháp hết sức quan trọng. Để thực hiện được giải pháp này cần tập trung triển khai các giải pháp cụ thể sau:
- Tập trung hoàn thiện việc triển khai hệ thống corabanking để giúp cho việc tập trung hoá dữ liệu về trung ương, tạo điều kiện cho việc giám sát từ xa của cấp trung ương, giảm bớt vai trò quản lý của cấp tỉnh, tăng cường tính chủ động của cấp huyện.
- Hoàn thiện quy trình nghiệp vụ uỷ thác một số công việc trong quy trình cho vay thông qua các tổ chức CT-XH. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã theo hướng hoàn thiện cơ chế đánh giá hiệu quả công tác uỷ thác. Xây dựng tiêu thức đánh giá kết quả công tác nhận uỷ thác của hội đoàn thể cấp huyện, cấp xã.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ TK&VV, đưa tổ thành một tổ chức quy củ, có kết cấu chặt chẽ và có tính kỷ luật hoạt động cao, kết hợp việc đánh giá phân loại hàng năm với đào tạo tập huấn. Triển khai dịch vụ đào tạo, tư vấn tài chính vi mô, nâng cao năng lực cho các tổ chức nhận uỷ thác, Tổ TK&VV, trưởng thôn, đối tượng phục vụ.
- Khai thác các nguồn hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế để đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ NHCSXH, cán bộ tổ chức CT-XH nhận dịch vụ uỷ thác, Ban quản lý Tổ TK&VV. Đào tạo đội ngũ cán bộ làm uỷ thác, cán bộ Tổ TK&VV có kiến thức cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra, giám sát, phát hiện phòng ngừa rủi ro, tư vấn hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Nâng cao tỷ lệ giao dịch tại điểm giao dịch xã; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đoàn thể trong việc hỗ trợ Tổ TK&VV và khách hàng tại điểm giao dịch xã. Hiện nay các Hội đoàn thể nhận uỷ thác đa số thụ động trong việc hỗ trợ phiên giao dịch xã, mặc dù đây là một nội dung của công tác uỷ thác. Cán bộ
Hội đoàn thể có thể kiểm tra, hướng dẫn Tổ trưởng, tổ viên hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị bảng kê nộp tiền, nắm tình hình tổ viên, hội viên, tình hình dư nợ, tiết kiệm của các tổ để chuẩn bị cho cuộc họp giao ban.
3.2.2.3. Tăng cường hoạt động tại các điểm giao dịch xã
NHCSXH cần nâng cao tỷ lệ giao dịch tại Điểm giao dịch xã, hướng tới tỷ lệ giao dịch tại cấp xã đạt 100%. Để thực hiện mục tiêu này, NHCSXH cần hoàn thiện quy trình giao dịch xã bằng phầm mềm corebanking, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin để tiến tới giao dịch trực tuyến ngay tại Điểm giao dịch xã (đồng thời NHCSXH cấp huyện, tỉnh và Hội sở có thể nắm được ngay tình hình giao dịch) tại Điểm giao dịch. Việc hoàn thiện quy trình gắn với nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và khả năng sử dụng công nghệ thông tin hiện đại sẽ hạn chế được những nhược điểm của các thao tác thủ công, giảm thiểu được các công việc trung gian, thời gian, từ đó nâng cao tỷ lệ giao dịch và năng suất lao động của các tổ giao dịch lưu động.
Việc cải thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ giao dịch online là điều kiện quan trọng để NHCSXH phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng vay vốn, qua có nâng cao khả năng cạnh tranh với các TCTD khác. Với mạng lưới phủ rộng toàn bộ thôn, bản, xã trong cả nước thì trường hợp giải pháp này được triển khai sẽ tạo lợi thế lớn cho NHCSXH triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới người dân (như dịch vụ thu tiền, chuyển khoản, thu hộ, chi hộ, tiền gửi…).
3.2.2.4. Hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Trong thời gian qua, NHCSXH mới chỉ tập trung vào công tác cho vay mà chưa có đủ nguồn nhân lực để sát sao công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sau cho vay của NHCSXH. Hệ thống kiểm tra nội bộ chưa có sự tách bạch rõ ràng với bộ phận quản lý, điều hành dẫn đến hoạt động kiểm tra, giám sát còn thiếu khách quan và nhiều bất cập. Do đó, hệ thống kiểm tra nội bộ cần được hoàn thiện nhằm bảo đảm tính thống nhất về tổ chức, độc lập trong hoạt động và được đáp ứng đầy đủ các điều kiện để phát huy vai trò của mình. Ban kiểm soát và hệ thống kiểm tra nội bộ cần tăng cường sự phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm sự thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Muốn vậy, NHCSXH cần tăng cường đầu tư nhân lực và vật lực cho các cán bộ làm công tác kiểm tra nội bộ tại Hội sở chính lẫn cấp tỉnh để nâng cao hiệu quả của công tác này. NHCSXH cũng cần phân cấp cụ thể về trách nhiệm kiểm tra giữa các cấp; cấp Trung ương kiểm tra cấp tỉnh, cấp tỉnh kiểm tra các PGD trong phạm vi của mình, giám định viên cấp huyện chịu trách nhiệm chuyên trách kiểm tra hoạt động của các bộ phận chuyên môn trong chính PGD của mình, kiểm tra việc thực hiện các hoạt động ủy thác và ủy nhiệm của các tổ chức CT-XH và các Tổ TK&VV. Văn phòng kiểm tra các khu vực cần được thành lập để tăng cường phạm vi, hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý, đôn đốc thực thi các nhiệm vụ kiểm tra tại chi nhánh tỉnh. Hệ thống kiểm tra nội bộ cần phải phối hợp chặt chẽ với hệ thống kiểm tra của các tổ chức CT-XH để kiểm tra nội dung hoạt động và chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV.