Thứ nhất, khoản 2 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính có quy định trong trường hợp người vi phạm không kí vào biên bản thì “phải có chữ kí của đại diện
chính quyền cơ sở…”. Trong lĩnh vực GTĐB, việc xử lý vụ vi phạm là ở ngoài đường, hơn nữa có thể cách rất xa trụ sở chính quyền cơ sở thì việc có chữ kí của đại diện chính quyền là rất khó khả thi. Và chữ kí của chính quyền cũng chỉ xác nhận tình trạng người vi phạm không kí tên vào biên bản chứ cũng không thể chứng minh vụ việc vi phạm.
Thứ hai, khoản 2 Điều 76 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm thì người điều
khiển phương tiện phải kí vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện. Trong
khi khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì quy định trong trường hợp người vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm thì phải có chữ kí của hai người chứng
kiến. Với sự quy định chưa rõ ràng của khoản 2 Điều 76 Nghị định 46/2016/NĐ-CP
thì trong trường hợp này chỉ cần một chữ kí của người điều khiển phương tiện hay cần thêm một chữ kí người chứng kiến nữa để biên bản là có giá trị? Thiết nghĩ pháp luật cần quy định rõ ràng hơn về vấn đề này.
Thứ ba, một vấn đề nữa là biên bản vi phạm hành chính đã lập có sai sót thì sẽ bị hủy bỏ và lập biên bản mới, nhưng hiện nay pháp luật xử lý vi phạm hành chính nói chung và pháp luật thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB nói riêng không có quy đinh về thủ tục sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, lập biên bản mới. Nếu việc lập biên bản có quy trình rõ ràng thì việc kiểm soát tính hợp pháp của biên bản là điều cần thiết nên việc pháp luật không quy định vấn đề này là thiếu sót, dễ gây ra tùy tiện. Trên thực tế, nhiều hành vi vi phạm đã được lập biên bản, chờ ra quyết định xử phạt nhưng vì nhiều lý do, bao gồm cả những lý do tiêu cực mà biên bản cũ có thể được thay bằng biên bản mới dễ dàng, điều này gây ảnh hưởng đến hiệu quả và giá trị răn đe của công tác xử phạt.