Thứ nhất, về điều kiện áp dụng. Với quy định hiện nay thủ tục xử phạt không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức là còn thấp và do đó, chưa đáp ứng được các nhu cầu trong lĩnh vực GTĐB. Trước hết, nhiều (có thể nói là rất nhiều) vụ việc vi phạm có tình tiết rõ ràng, vi phạm thường được “bắt quả tang”, người vi phạm cũng thường thừa nhận vi phạm, vụ việc không cần xác minh gì thêm nên nhu cầu được ra quyết định xử phạt tại chỗ là có thực [3, khoản 3 Điều 15]. Bên cạnh đó là nhu cầu cần được mau chóng nộp phạt, tránh việc “đi tới đi lui”, tránh việc bị tạm giữ giấy tờ, vốn là những việc khá phiền phức đối với người vi phạm. Hơn nữa, số vụ vi phạm hành chính về GTĐB là rất nhiều mỗi ngày nên nhu cầu cần được giải quyết nhanh chóng là hợp lí. Do đó, nâng điều kiện áp dụng thủ tục này lên đối với lĩnh vực GTĐB là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, với cách quy định: “Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng…”
của khoản 1 Điều 56 Luật Xửlý vi phạm hành chính là dễ dẫn đến sựtùy tiện áp dụng thủ tục xử phạt có lập biên bản hoặc không lập biên bản khi khung tiền phạt có số tiền 250.000 đồng ở giữa khung. Ví dụ với hành vi vi phạm có khung tiền phạt từ 200.000 đồng – 400.000 đồng, nguyên tắc chung thì xử phạt mức trung bình là 300.000 đồng theo thủ tục có lập biên bản, song vì để giải quyết cho nhanh người có thẩm quyền tự nhận định chủ quan là tính chất, mức độ vi phạm ít nghiêm trọng, người vi phạm thành thật hối lỗi,… để xử phạt 250.000 đồng theo thủ tục không lập biên bản. Do đó cần có cách quy định sao cho tránh sự tùy tiện này là yêu cầu hợp lí.
Thứ hai, về trường hợp một người thực hiện đồng thời nhiều hành vi vi phạm trong đó vừa có hành vi bị xử phạt theo thủ tục không lập biên bản vừa có hành vi bị xử phạt theo thủ tục có lập biên bản, ví dụ người điều khiển xe mô tô không đội mũ
bảo hiểm (khung tiền phạt từ 100.000 đồng – 200.000 đồng) vừa đi quá tốc độ quy định từ 10km/h – 20km/h (khung tiền phạt từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng). Trong lĩnh vực GTĐB những trường hợp vi phạm như thế này không hiếm xảy ra. Nhưng với quy định: “Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi
phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính” của khoản 1 Điều 67 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã khiến cho người có
thẩm quyền không khỏi bối rối. Như vậy trường hợp này phải xử phạt theo thủ tục nào? Xử phạt theo thủ tục nào cũng không ổn (vì hành vi còn lại không đúng thủ tục) hơn nữa, mẫu quyết định xử phạt của thủ tục không lập biên bản và có lập biên bản cũng khác nhau. Mà xử phạt mỗi hành vi theo mỗi thủ tục thì ra 02 quyết định xử phạt lại trái với quy định trên. Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề này là một thiếu sót cần sớm khắc phục.
Thứ ba, về việc ra quyết định xử phạt tại chỗ. Tuy những trường hợp áp dụng thủ tục xử phạt này thường là những vi phạm nhỏ, đơn giản nhưng đôi khi vẫn có trường hợp tình tiết chưa rõ ràng, các bên còn mâu thuẫn ý kiến nhất là trong bối cảnh mà pháp luật về GTĐB và hệ thống báo hiệu đường bộ nước ta còn nhiều bất cập. Khi đó, người có thẩm quyền cũng cần thêm thời gian để xác minh một số tình tiết cũng như rà soát lại pháp luật nội dung để đảm bảo xử lý chính xác. Hoặc cho dù người có thẩm quyền vẫn “miễn cưỡng” ra quyết định xử phạt tại chỗ nhưng người bị xử phạt không “tâm phục khẩu phục” và không nộp phạt tại chỗ thì việc áp dụng thủ tục xử phạt không lập biên bản cũng như phải ra quyết định xử phạt tại chỗ trong trường hợp này không mang lại nhiều ý nghĩa. Do vậy, trong những trường hợp như vậy cần quy định đưa về thủ tục xử phạt có lập biên bản sẽ hiệu quả hơn.
2.2.8. Nguyên nhân của sự bất cập pháp luật và thực trạng thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giao thông đường bộ
Thực trạng của thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB hiện nay do nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng là các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, pháp luật nội dung về quản lý nhà nước và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB chưa hoàn thiện. Thủ tục xử phạt nói riêng hay thủ tục hành chính nói chung vốn không có giá trị tồn tại tự thân mà sự ra đời của nó nhằm bảo đảm cho hoạt động tổ chức, điều hành, xử phạt được hiệu quả, có kết quả trên thực tế. Do đó, sự chưa hoàn thiện của pháp luật nội dung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB dẫn đến quy trình về xử phạt cũng chưa thể hoàn thiện. Thực chất, nguyên nhân sâu xa nhất vẫn thuộc về khách thể quản lí, tức lĩnh vực GTĐB vốn phức tạp, nhu cầu quản lý cao, liên tục, thường xuyên. Do đó pháp luật về xử phạt GTĐB nói chung khó theo kịp dù đã luôn thay đổi để đáp ứng nhu cầu. Thực tiễn pháp lý thời gian qua cho thấy, cơ sở pháp lý trực tiếp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB là thường xuyên được thay thế. Ví dụ như năm 2007 thì có Nghị định 147/2007/NĐ-CP sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2008/NĐ-CP. Đến năm 2010 thì được thay thế bằng Nghị định 34/2010NĐ-CP, sau đó thì được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 33/2011/NĐ-CP và Nghị định 71/2012/NĐ-CP. Đến năm 2013 thì được thay thế bằng Nghị định 171/2013/NĐ-CP, sau đó được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 107/2014/NĐ-CP. Đến năm 2016 thì được thay thế bằng Nghị định 46/2016/NĐ- CP và đây là văn bản có hiệu lực đến nay.
Thứ hai, quan niệm của nhà nước vềthủtục nói chung và thủtục hành chính nói
riêng so với pháp luật nội dung. Thực tiễn cho thấy, cơ quan nhà nước và cả người dân chú trọng về nội dung hơn thủ tục, còn xem nhẹ thủ tục hành chính nói chung và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính nói riêng. Pháp luật về thủ tục hành chính và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính ít được chú trọng hoàn thiện, còn để ngõ các phương án dự phòng với lý lẽ rằng: đó là lĩnh vực đặc thù, giành cho ngành tự quy định, hay đó là quy trình, không cần quá chặt chẽ. Quan niệm này vừa không phù hợp pháp luật, vừa tạo ra sự tùy tiện trong các quy định về thủ tục xử phạt, tạo kẻ hở cho việc
vi phạm thủ tục, lợi dụng thủ tục, lạm quyền. Một minh chứng cho điều này là số lượng văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực GTĐB khá nhiều, có phần chồng chéo, mâu thuẫn, nhiều nội dung khó, chưa được giải thích, hướng dẫn cụ thể, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trước hết được điều chỉnh chung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn Luật này. Song, với những quy định chung đó đôi khi phù hợp với lĩnh vực này nhưng lại không phù hợp với lĩnh vực khác. GTĐB là một lĩnh vực với những nét đặc trưng riêng thì ắt hẳn sẽ có một số quy định chung không phù hợp. Ngoài ra, còn quan niệm cào bằng về mọi ngành, mọi lĩnh vực nên khi áp dụng những quy định chung vào lĩnh vực GTĐB tất yếu sẽ dẫn đến một số bất cập và khó khăn nhất định.
Thứ ba, nhận thức pháp luật của một số cán bộ, công chức còn hạn chế, cán
bộ đầu mối phụ trách, tham mưu của một số đơn vị còn thiếu. Chính vì sự nhận thức pháp luật còn hạn chế này sẽ gây không ít khó khăn trong quá trình thực thi nhiệm vụ, có thể dẫn đến thực hiện không đúng thủ tục xử phạt. Nếu nhận thức hạn chế về pháp luật nội dung còn có thể ra quyết định xử phạt không chính xác Ngoài ra, với khối lượng vụ việc rất lớn mà số lượng cán bộ, công chức có hạn cũng gây không ít khó khăn trong thực tiễn. Tình trạng sách nhiễu, hách dịch còn nhiều. Một số cán bộ, công chức lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để gây khó khăn cho họ, thậm chí làm trái thủ tục với nhiều động cơ khác nhau mà chủ yếu là động cơ tư lợi, tiêu cực.
Thứ tư, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong việc xử lý vi
phạm chưa chặt chẽ, có tình trạng “lấn sân” nhau, nhất là giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông. Dẫn đến việc tranh chấp thẩm quyền xử phạt không đáng có, cơ quan nào cũng giành giải quyết và làm cho việc xử lý vi phạm càng trở nên rắc rối, phức tạp hơn, kéo dài quá trình xử phạt, gây dự luận không tốt.
Thứ năm, công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả, người dân ít hiểu biết
pháp luật. Một số cán bộ, công chức đã lợi dụng điều đó để vi phạm thủ tục xử phạt. Ý thức chấp hành pháp luật của một số bộ phận cá nhân, tổ chức còn hạn chế, thường xuyên lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm.
Thứ sáu, kinh phí phục vụ cho công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính cũng như phương tiện, thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ phục vụ trong công tác xử phạt vi phạm hành chính chưa được đảm bảo.