Thứ nhất, về điều kiện áp dụng thủ tục giải trình. Theo quy định hiện hành:
“Đối với hành vi vi phạm hành chính mà pháp luật quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi đó từ 15.000.000 đồng trở lên… có quyền giải trình…”. Với cách quy
định chưa rõ ràng trên sẽ dẫn đến hai cách hiểu và do đó gây khó khăn trong quá trình áp dụng.
Cách hiểu thứ nhất, mức tối đa của khung tiền phạt đối với hành vi vi phạm đó là 15.000.000 đồng trở lên là đủ điều kiện áp dụng. Các hiểu này chỉ căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt mà không căn cứ vào số tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt. Ví dụ cách hiểu này sẽ được áp dụng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 7 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, khung tiền phạt từ 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng, với bất kì số tiền phạt cụ thể là bao nhiêu (phạt 12.500.000 đồng vẫn được quyền giải trình). Cách hiểu này tuy hợp lý nhưng không đúng với nội dung được ghi nhận tại quy định trên. Nếu hiểu theo cách này thì nội dung trên phải được diễn giải là: “… hoặc phạt tiền mà mức tối đa của khung tiền phạt…”.
Cách hiểu thứ hai, phải thỏa mãn hai điều kiện: (1) mức tối đa của khung tiền phạt là 15.000.000 đồng trở lên và (2) bị xử phạt ở mức tối đa của khung tiền phạt. Thì với ví vụ trên cách hiểu thứ hai được áp dụng khi số tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt là 15.000.000 đồng (tức phạt mức tối đa với các tình tiết tăng nặng). Cách hiểu này tuy đúng với nội dung của quy định trên nhưng không thật sự thuyết phục. Vì trong các trường hợp bị phạt hơn 15.000.000 đồng, ví dụ vi phạm điểm a khoản 8 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (khung tiền phạt từ 15.000.000 đồng – 20.000.000 đồng) bị phạt 17.500.000 đồng chẳng hạn, mà không phải là mức tối đa của khung tiền phạt thì không được quyền giải trình và như vậy là rất thiệt thòi cho người bị phạt. Nếu hiểu theo cách thứ hai này thì chẳng lẽ việc giải trình chỉ là giải
trình về các tình tiết tăng nặng, giải trình vì sao tôi bị phạt mức tối đa? Quy định này là bất hợp lí, nếu hiểu theo cách thứ hai hay chỉ là lỗi kĩ thuật, nếu hiểu theo cách thứ nhất. Điều này rất cần được giải thích, hướng dẫn rõ ràng.
Ngoài ra, hiện nay trong quy định của Điều 61 Luật Xử lý vi phạm hành chính không có quy định giải trình đối với hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm hành chính. Trong khi đó, xét về tính chất và mức độ nghiêm trọng thì hình thức xử phạt tịch thu phương tiện là rất nghiêm trọng, không thua kém, thậm chí nghiêm trọng hơn so với hình thức phạt tiền hay tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng không được giải trình thì rõ ràng không hợp lí. Xét riêng trong lĩnh vực GTĐB có nhiều trường hợp có thể bị tịch thu phương tiện như: khoản 9 Điều 6, khoản
2 Điều 34, khoản 1 Điều 36 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (tịch thu xe mô tô, xe gắn máy), điểm b, c khoản 5 Điều 16, điểm b khoản 9 Điều 30, khoản 3 Điều 34, khoản
2 Điều 36 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (tich thu xe ô tô), điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 46/2016/NĐ-CP (tịch thu máy kéo, xe máy chuyên dùng) và nhiều hành vi khác
nhưng không được giải trình. Sự bất hợp lý này gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người vi phạm, làm mất đi cơ hội biện bạch của họ vì trong một số trường hợp phương tiện bị tịch thu có giá trị lớn hơn nhiều lần số tiền phạt, lớn hơn nhiều so với số tiền 15.000.000 đồng (mức khởi điểm áp dụng giải trình).
Thứ hai, về quy trình của việc giải trình. Giải trình là cơ hội để phía cơ quan nhà nước có thêm thông tin, lắng nghe quan điểm của bên bị xử phạt nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ việc để từ đó có thể ra quyết định đúng đắn; là cơ hội để bên bị xử phạt chứng minh mình không vi phạm hoặc có lợi hơn so với hình thức xử phạt và mức phạt dự kiến. Tuy nhiên, việc giải trình chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Điều này có một phần nguyên nhân là do hiện nay pháp luật còn thiếu các quy định về quy trình cụ thể của việc giải trình như thế nào. Cụ thể như: phiên giải trình gồm những ai có mặt, thứ tự hỏi, đáp, tranh luận như thế nào, cung cấp thêm chứng cứ ra sao, việc rút yêu cầu giải trình,… Và do thiếu những quy định này nên rất dễ dẫn đến việc tổ chức phiên giải trình qua loa, tùy tiện, hình thức, làm cho có. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả, hiệu lực áp dụng của pháp luật nói chung, ở góc
độ nhân quyền, chúng làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị xử phạt [8, đoạn 10 khoản 1 Mục I Phục lục 03].