Thứ nhất, về vấn đề người bị dừng phương tiện có được quyền yêu cầu được
xem mệnh lệnh, kế hoạch, văn bản đề nghị hay không. Thực tế đã chỉ ra rằng có trường hợp Cảnh sát giao thông dừng phương tiện nhưng không phát hiện có vi phạm và cũng không có mệnh lệnh, kế hoạch hay văn bản đề nghị về việc dừng phương tiện đó cả. Đơn giản chỉ là vì Cảnh sát đó “nghi ngờ” phương tiện hoặc người trên phương tiện đó nếu kiểm tra sẽ phát hiện có vi phạm. Điều này là hết sức vô lý và khó mà chấp nhận được. Không phải ngẫu nhiên mà Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định 5 trường hợp được dừng phương tiện mà không phải là được dừng bất kì lúc nào. Đó là phải đảm sự giao thông được thông suốt, đảm bảo quyền đi lại của công dân. Do vậy, một mệnh lệnh, một kế hoạch hay một văn bản đề nghị nào đó tác động (theo chiều hướng hạn chế) đến quyền tham gia giao thông, quyền tự do đi lại của công dân thì phải công khai, minh bạch, rõ ràng (trừ trường hợp chúng là các văn bản mật), người bị tác động hoàn toàn có quyền được biết. Không thể dựa vào lý do chúng là các văn bản nghiệp vụ nội bộ để từ chối cho xem. Nếu các văn bản nghiệp vụ nội bộ mà không tác động gì đến quyền lợi cụ thể của ai thì người không liên quan không có quyền xem là đương nhiên. Giả sử, nếu không được xem, và vì vậy người bị dừng phương tiện cho rằng mình đã bị dừng “oan” và họ khởi kiện vụ án hành chính với đối tượng bị kiện là hành vi dừng phương tiện (hành vi hành chính) để yêu cầu Tòa án tuyên bố hành vi dừng phương tiện của Cảnh sát giao thông là trái pháp luật thì lúc đó một phiên tòa công khai sẽ được diễn ra. Tất nhiên, những mệnh lệnh, kế hoạch hay văn bản đề nghị đó (nếu có) phải được đưa ra xem xét.
Thế là bằng cách này hay cách khác người bị dừng phương tiện cũng sẽ biết được nội dung của những văn bản này. Hơn nữa, nếu người bị dừng phương tiện mà không được xem các văn bản đó thì khác nào 5 trường hợp được dừng phương tiện
mà thông tư 01/2016/TT-BCA đã quy định là vô nghĩa vì Cảnh sát giao thông có quyền dừng bất kì lúc nào và lý do của việc dừng là gì thì không ai kiểm soát được. Từ những phân tích trên, người bị dừng phương tiện trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c, d khoản 2 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BCA hoàn toàn có quyền được xem nội dung mệnh lệnh, kế hoạch hay văn bản đề nghị. Để gải quyết nhu cầu được xem các văn bản này, thiết nghĩ đối với kế hoạch, mệnh lệnh (thường để kiểm soát tập trung một chuyên đề nào đó như kiểm tra nông độ cồn, kiểm tra bảo hiểm bắt buộc,…) thì nên dán nơi tổ công tác đang thực thi nhiệm vụ như một bảng thông báo để người bị dừng phương tiện không phải hoang mang không biết vì sao mình bị dừng phương tiện mặc dù không vi phạm gì cả. Đối với văn bản đề nghị thì có phần đặc thù, đó là về việc điều tra tội phạm hoặc về vấn đề vi phạm pháp luật khác nên cho xem riêng đối với từng người có nhu cầu. Vì vậy Bộ Công an cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về việc này.
Thứ hai, về việc dừng phương tiện của Thanh tra đường bộ quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 02/2014/TT-BGTVT được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư 32/2016/TT-BGTVT. Quy định này chưa phù hợp với điều 86 Luật Giao thông đường bộ và do vậy cần được bãi bỏ. Thay vào đó, khi phát hiện có vi phạm mà không thuộc trường hợp được dừng phương tiện theo khoản 2 Điều 15 Thông tư này thì Thanh tra có quyền sử dụng phương tiện, thiết bị kĩ thuật nghiệp vụ ghi hình lại để làm chứng cứ và chuyển cho chủ thể có thẩm quyền xử phạt để xử lý (như cách thức phạt nguội), đồng thời thông báo cho chốt tuần tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông phía trên để có biện pháp dừng phương tiện.