Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được tiến hành theo trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết tranh chấp được tiến hành bởi Hội đồng Trọng tài thuộc một Trung tâm Trọng tài nhất định (Trọng tài quy chế) hoặc bởi Hội đồng Trọng tài do các bên thành lập, tùy thuộc vào quyền lựa chọn của các bên (Trọng tài vụ việc). Trọng tài viên đóng vai trò là bên thứ ba độc lập, có nhiệm vụ chấm dứt xung đột bằng cách đưa ra một phán quyết bắt buộc các bên phải thực hiện.
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có một số đặc điểm đặc trưng, giúp phân biệt phương thức này với các phương thức giải quyết tranh chấp khác. Thứ nhất, quyết định của trọng tài là quyét định chung thẩm. Dù các bên có đồng ý hay khồng thì quyết định trọng tài khi đã được tuyên sẽ có giá trị ràng buộc các bên. Điều này khác với phương thức hòa giải, hòa giải viên là bên thứ ba độc lập giúp các bên cùng đi đến một thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận hòa giải khồng có giá trị pháp lý ràng buộc các bên như phán quyết trọng tài. Thứ hai, xét xử trọng tài diễn ra bí mật, khác với việc xét xử công khai của tòa án. Pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thể giới đều thừa nhận nguyên tắc bảo mật quá trình xét xử trọng tài nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Ưu điểm
Phương thức trọng tài đang ngày càng trở nên phổ biến, được các bên lựa chọn bởi nó có những ưu điểm vượt trội so với các phương thức giải quyết tranh chấp còn lại. Thứ nhất, cơ chế giải quyết tranh chấp trọng tài có tính mềm dẻo, nhanh chóng, thuận lợi cho các bên so với tố tụng tại tòa. Hoạt động xét xử của trọng tài diễn ra liên tục giúp các bên tranh chấp rút ngắn thời gian, chi phí, không xảy ra tình trạng tồn đọng án như khi giải quyết tranh chấp tại tòa án.
Thứ hai, trọng tài thương mại đảm bảo quyền tự do thỏa thuận của các bên. Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết vụ việc của mình dựa trên kinh nghiệm, trình độ, năng lực, sự hiểu biết của họ về vấn đề tranh chấp,... điều không
thể xảy ra khi xét xử tại tòa. Các trọng tài viên này sẽ là người theo vụ việc từ đầu đến cuối bởi vậy họ có điều kiện nắm bắt và hiểu thấu đáo các tình tiết vụ việc, giúp hỗ trợ quá trình hòa giải hoặc đưa ra phán quyết có tính chuyên môn cao, hợp tình hợp lý.
Thứ ba, quyết định được tuyên bởi trọng tài có tính chung thẩm, có thể được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài. Đây là ưu điểm vượt trội của phương thức trọng tài so với hai phương thức thương lượng và hòa giải, bởi chỉ khi các bên thực hiện phán quyết thì tranh chấp mới được giải quyết. Phán quyết trọng tài có thể được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài theo Công ước New York năm 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài, do đó phù hợp để giải quyết tranh chấp giữa các bên có quốc tịch khác nhau.
Thứ tư, quá trình xét xử trọng tài diễn ra kín, do đó đảm bảo uy tín cũng như bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời tránh cho các bên nguy cơ làm tổn thương mối quan hệ làm ăn vốn có.
Hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội kể trên, giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài cũng tồn tại một số hạn chế nhất định. Phán quyết trọng tài mang tính chung thẩm là một lợi thế nhưng cũng là hạn chế của phương thức này. Nếu phán quyết không chính xác, thiếu công bằng thì cũng không có cơ chế nào để các bên yêu cầu xem xét lại. Bên cạnh đó, việc thi hành phán quyết trọng tài đôi khi không được đảm bảo như thi hành bản án, quyết định của tòa án. Một số trường hợp, phản quyết trọng tài cỏ thể bị hủy bỏ hoặc không được công nhận và cho thi hành. Ngoài ra, cơ chế xét xử kín của trọng tài cũng gây ra nhiều tranh cãi, đặc biệt nếu nội dung tranh chấp liên quan đến lợi ích công cộng hoặc trật tự xã hội.