Thực tế cho thấy rằng, các doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt, tỉ suất sinh lời cao, lợi nhuận ổn định thường có xu hướng sử dụng nhiều nợ vay hơn trong cơ cấu nguồn vốn nhằm tận dụng được tối đa lợi ích từ lá chắn thuế, từ đó làm tăng thu nhập trên mỗi cổ phiếu EPS và đem lại lợi nhuận lớn hơn cho các cổ đông. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể đánh giá dựa trên các
chỉ số về khả năng sinh lời. Theo như thuyết trật tự phân hạng, các doanh nghiệp có khả năng sinh lời càng lớn thì càng ưu tiên sử dụng nguồn tài chính trong nội bộ hơn là nợ vay bên ngoài. Tuy vậy, theo lý thuyết đánh đổi thì các doanh nghiệp này có uy tín cao hơn, dễ dàng vay nợ hơn nên họ sẽ ưa thích sử dụng nợ vay để tận dụng lợi ích từ lá chắn thuế. Các nghiên cứu trước đây của Huang & Song (2002), Li Kai & Yue Heng & Zhao, Longkai (2009), Indrani Chakraborty (2010), Trần Hùng Sơn và Trần Viết Hoàng (2008), Ngô Thanh Hoàng (2007),... đều cho thấy khả năng sinh lời có tác động ngược chiều tới tỉ trọng nợ của doanh nghiệp. Dựa trên những lý do trên, tác giả đưa ra các giả thuyết về tác động của khả năng sinh lời tới cơ cấu vốn của doanh nghiệp như sau:
Giả thuyết H1.1. Khả năng sinh lời tác động ngược chiều tới tỉ trọng nợ của doanh nghiệp
Giả thuyết H1.2. Khả năng sinh lời tác động ngược chiều tới tỉ trọng nợ ngắn hạn của doanh nghiệp
Giả thuyết H1.3. Khả năng sinh lời tác động ngược chiều tới tỉ trọng nợ dài hạn của doanh nghiệp