từng doanh nghiệp cũng như toàn hệ thống các khu công nghệ thông tin tập trung, phù hợp với quy hoạch phát triển của Nhà nước. Cơ sở hạ tầng được nâng cao, phát triển một cách đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi để phát triển các sản phẩm dịch vụ nhằm cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm ươm mầm cho các sản phẩm trong tương lai cũng cần được chú trọng
Thứ tư, các doanh nghiệp cần xúc tiến đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trên thế giới, đặc biệt là với thị trường Bắc Âu, Mỹ và Nhật Bản. Đây đều là những thị trường phát triển, có nhu cầu cao về các sản phẩm CNTT và truyền thông cũng như là nơi có nhiều doanh nghiệp đầu ngành về công nghệ thông tin, truyền thông trên thế giới. Qua đó, các doanh nghiệp trong nước có thể học hỏi kinh nghiệm cũng như quảng bá các sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ năm, một yếu tố then chốt góp phần đưa các doanh nghiệp phát triển lên một tầm cao mới đó là chất lượng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho nhân viên học hỏi, trau dồi kiến thức, cử những cá nhân có tiềm năng đi học hỏi tại những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về nghiệp vụ, kĩ năng chuyên môn, kĩ năng mềm, ngoại ngữ cho cán bộ công nhân viên, nhất là những nhân viên mới vào hay sinh viên mới ra trường, tạo một môi trường thân thiện để tất cả mọi người đều có thể trau dồi kiến thức và học hỏi lẫn nhau.
5.2 Giải pháp hoàn thiện cơ cấu vốn các doanh nghiệp ngành CNTT và truyền thông thông
5.2.1 Đa dạng hóa kênh huy động vốn
Việc thiết lập được một cơ cấu vốn tối ưu luôn là một bài toán hóc búa đối với các nhà quản trị tài chính doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp ngành CNTT và truyền thông nói riêng nhằm tối đa hóa được giá trị doanh nghiệp cũng
như mang lại lợi suất yêu cầu cho các nhà đầu tư. Để làm được điều này, bên cạnh việc xem xét, đánh giá những nhân tố tác động đến cơ cấu vốn, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong các chính sách huy động vốn của mình. Việc sử dụng một tỉ trọng nợ cao và nợ ngắn hạn chiếm đa số như hiện nay có thể giúp doanh nghiệp huy động vốn nhanh và tận dụng được lá chắn thuế nhưng cũng mang lại không ít rắc rối cho doanh nghiệp như việc gia tăng chi phí kiệt quệ tài chính hay thiếu các nguồn vốn dài hạn chi cho đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, tác giả đã đưa ra một số giải pháp cho doanh nghiệp ngành CNTT và truyền thông trong việc lựa chọn các nguồn huy động vốn như sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp ngành CNTT và truyền thông nên sử dụng phương án huy động vốn là phát hành trái phiếu dài hạn nhằm tăng tính hấp dẫn của trái phiếu với các nhà đầu tư cũng như chủ động được nguồn vốn hơn cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể được giải ngân ngay và toàn bộ khoản tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu thay vì phải đợi giải ngân từng đợt như khi đi vay vốn từ ngân hàng. Hơn nữa, khi lãi suất thị trường thấp, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cố định nhằm tận dụng được nguồn vốn với chi phí thấp thay vì việc vay ngân hàng với lãi suất thả nổi. Có rất nhiều hình thức phát hành trái phiếu với nhiều điều kiện ưu đãi cho nhà đầu tư như: trái phiếu có đảm bảo, trái phiếu tự do chuyển đổi,…Tuy rằng việc phát hành trái phiếu mang lại nhiều lợi ích nhưng chỉ có một số doanh, tập đoàn lớn trong ngành như: tập đoàn FPT, tập đoàn HIPT hay công ty công nghệ viễn thông Sài Gòn sử dụng hình thức huy động vốn này. Việc chỉ một số doanh nghiệp lớn mới huy động được vốn từ trái phiếu như hiện nay là do việc minh bạch hóa thông tin chưa cao khiến cho các nhà đầu tư còn chưa tin tưởng vào trái phiếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, việc minh bạch thông tin, gây dựng uy tín doanh nghiệp rất cần được chú trọng và duy trì lâu dài bởi điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp kinh doanh tốt mà còn tạo thuận lợi trong việc huy động vốn từ các nhà đầu tư. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu rõ về hành lang pháp lý, học hỏi kinh nghiệm từ các doanh
nghiệp đi trước để sử dụng hiệu quả, phù hợp với tình hình cụ thể của doanh nghiệp mình.
Thứ hai, việc phát hành cổ phiếu đối với những doanh nghiệp chưa cổ phần hóa là một kênh huy động vốn hiệu quả khi nó giúp cho doanh nghiệp có thể huy động được lượng vốn lớn để đầu tư vào tài sản cố định, cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất. Khác với đi vay ngân hàng hay phát hành trái phiếu, doanh nghiệp không cần phải hoản trả tiền cho các cổ đông khi phát hành cổ phiếu cũng như không có nghĩa vụ phải hoàn trả cổ tức mà hoàn toàn có thể sử dụng khoản tiền này để tái đầu tư cho doanh nghiệp. Ngoài ra nó còn giúp doanh nghiệp thu hút được đội ngũ quản lý giỏi và xây dựng được hình ảnh đẹp cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp đã phát hành cổ phiếu, việc xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ tốt nhằm giảm mâu thuẫn giữa ông chủ và người quản lý sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, cổ phiếu của doanh nghiệp trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, hình ảnh doanh nghiệp được củng cố. Điều này đồng thời cũng giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc phát hành trái phiếu và cổ phiếu bổ sung.
Thứ ba, doanh nghiệp cần khai thác và tận dụng hiệu quả nguồn tín dụng thương mại dưới hình thức mua bán chịu hàng hóa được ghi trong mục phải trả người bán trong bảng cân đối kế toán. Đây được coi là một hình thức vay vốn ngắn hạn rất hiệu quả khi doanh nghiệp có thể đẩy nhanh được quá trình sản xuất cũng như lưu thông hàng hóa, giúp cho chu kì sản xuất được rút ngắn lại. Tuy nhiên, khi sử dụng nguồn tín dụng này, nhà quản trị tài chính doanh nghiệp cần quan tâm tới thời hạn tín dụng thương mại nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp không gặp phải rủi ro thanh khoản.