Khái niệm, nội dung và tiêu chí cơ bản thu hút FDI có chọn lọc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các giải pháp nhằm thu hút FDI có chọn lọc tại việt nam (Trang 26 - 27)

Chọn lọc là một hành động, qua đó các bên liên quan xác định cái nào, thông tin nào là phù hợp nhất với mình để đưa ra quyết định (E Mendizabal 2006). Dựa trên khái niệm này, việc thu hút FDI chọn lọc có thể được hiểu là việc mà chính phủ các nước tiến hành xác định dự án FDI nào là phù hợp nhất với nước mình để đưa ra quyết định.

Bộ trưởng bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định thu hút FDI có chọn lọc là “thu hút các dự án FDI có giá trị gia tăng cao và có tính lan toả, có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và có nhiều đóng góp khác cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.

Như vậy, thu hút FDI có chọn lọc có thể được hiểu đơn giản là các hoạt động kinh doanh quốc tế dựa trên cơ cơ sở của quá trình dịch chuyển tư bản giữa các quốc gia, chủ yếu do các pháp nhân hoặc thể nhân thực hiện theo những hình thức nhất định trong đó chủ đầu tư tham gia trực tiếp vào quá trình điều hành, quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhưng nước tiếp nhận đầu tư tiến hành các biện pháp thu hút đầu tư một cách có lựa chọn, cân nhắc nhằm đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu phát triển của nước tiếp nhận đầu tư trong từng thời kỳ.

Thu hút FDI theo hướng có chọn lọc có nội dung và tiêu chí cơ bản sau:

Về kinh tế:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần tích cực trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư. Tiêu chí đánh giá nội dung này bao gồm: tốc độ tăng trưởng của khu vực FDI và tỷ lệ đóng góp của khu vực FDI vào GDP của nước tiếp nhận đầu tư.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ là tiêu chí đánh giá trình độ phát triển, phản ánh sự thay đổi về chất đối với nền kinh tế của một quốc gia. Điều này liên quan trực tiếp tới cơ cấu đầu tư trực tiếp nước ngoài theo ngành, lĩnh vực và vùng.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Điều này được phản ánh qua tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI so với kim ngạch xuất khẩu của nước tiếp nhận đầu tư.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng góp vào tổng vốn đầu tư xã hội phản ánh qua tỷ lệ đóng góp và tốc độ gia tăng vốn đầu tư của khu vực FDI vào tổng vốn đầu tư xã hội.

Về xã hội:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động, phản ánh qua số lao động và tốc độ tăng số lao động làm việc hàng năm, năng suất lao động và thu nhập trong khu vực FDI.

Về môi trường:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải gắn với việc khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên ở nước tiếp nhận đầu tư. Các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài phải tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật bảo vệ môi trường của nước tiếp nhận đầu tư.

FDI phải gắn với việc sử dụng công nghệ cao, hiện đại, phù hợp với nước tiếp nhận đầu tư, thân thiện môi trường.

Các doanh nghiệp FDI phải thực hiện các phương án bảo vệ môi trường, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các giải pháp nhằm thu hút FDI có chọn lọc tại việt nam (Trang 26 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)