Kinh nghiệm về thu hút FDI của Thái Lan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các giải pháp nhằm thu hút FDI có chọn lọc tại việt nam (Trang 32 - 35)

Chính phủ Thái Lan đã xây dựng các chính sách thu hút FDI rất năng động và liên tục được điều chỉnh để thích nghi với từng thời kì phát triển đất nước. Cụ thể là:

Giai đoạn 1959-1987, Thái Lan đã thực hiện chính sách thu hút FDI dựa theo chiến lược phát triển kinh tế thay thế hàng nhập khẩu. Do đó, Thái Lan phải nhập khẩu nhiều máy móc, nguyên vật liệu dẫn đến Thái Lan từng bị thâm hụt thương mại. Cụ thể trong giai đoạn này, Thái Lan đã tiến hành các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút FDI. Thái Lan đã thành lập Ủy ban hỗ trợ cùng với các tổ chức chuyên môn lo phát triển xây dựng, hình thành các mối liên két công nghiệp hỗ trợ trong nước. Ngay từ những năm 1960, chính phủ nước này đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp nhằm thay thế nhập khẩu. Chẳng hạn, Thái Lan đã giảm tới 50% thuế nhập khẩu và thuế doanh nghiệp

cho các doanh nghiệp lắp ráp CKD (một bộ linh kiện mới 100% nhập khẩu theo dạng rời, bao gồm hầu hết hoặc tất cả các bộ phận cần thiết để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh) xuống còn dưới mức 30% cho linh kiện xe con, 20% cho xe khách và 10% cho xe tải. Những ưu đãi này giúp các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp tăng năng lực cạnh tranh trong giai đoạn đầu và có điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ nước ngoài. Thái Lan có những chính sách và định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ từ sớm và được đánh giá là một quốc gia có nền công nghiệp hỗ trợ khá phát triển.

Trong giai đoạn 1972 - 1996, Thái Lan thực hiện thu hút FDI nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế theo hướng xuất khẩu. Bộ đầu tư Thái Lan đã ban hành nhiều chính sách thu hút các chuyên gia, lao động chất lượng cao từ nước ngoài đến làm việc tại nước này với những ưu đãi về đất đai, chế độ làm việc…

Trong chiến lược mới được Thái Lan thông qua đầu tháng 9/2014, để thu hút thêm vốn FDI, nước này tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và phân phối hàng nông sản, khai khoáng, công nghiệp nhẹ, chế tạo máy và thiết bị vận tải, thiết bị điện và điện tử, hóa chất, sản xuất nhựa, giấy, dịch vụ và cơ sở hạ tầng… Thái Lan đang thực hiện ba thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cụ thể là :

- Trước đây, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài được dựa trên chiến lược phát triển sản xuất thay thế nhập khẩu. Đến nay, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Thái Lan là hướng vào phát triển sản xuất phục vụ cho xuất khẩu. Thái Lan đặc biệt áp dụng chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với các chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp tại Thái Lan được miễn giảm đến 50% thuế nhập khẩu đối với các loại máy móc, thiết bị để thực hiện dự án mà được cơ quan quản lý công nhận là thuộc loại thiết bị được khuyến khích đầu tư. Là một quốc gia có nền nông nghiệp tương đồng với Việt Nam, thậm chí có những điều kiện còn hạn chế hơn so với Việt Nam, tuy nhiên Thái Lan đã vươn lên thành nước đứng đầu về xuất khẩu nông sản với giá trị nông sản cao hơn hẳn Việt Nam. Nguyên nhân có được điều đó là do Thái Lan đã biết định hướng thu hút FDI vào việc khai thác đặc sản của từng

vùng. Chính sách này đã làm cho nền nông nghiệp Thái Lan có được những lợi thế về chất lượng và giá cả trên thị trường nông sản thế giới và hơn nữa, nông sản Thái Lan đã tạo ra được một thương hiệu tốt trên thị trường, điều mà nông sản Việt Nam đang tìm kiếm và hướng tới.

- Thu hẹp diện hưởng ưu đãi đầu tư từ 240 ngành, lĩnh vực như trước xuống còn 100 ngành, lĩnh vực. Trong đó tập trung vào ưu đãi 3 lĩnh vực bao gồm: phát triển công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển, hoạt động đào tạo công nghệ tiên tiến; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các vùng xa Bangkok và vào vùng nông thôn để thu hẹp khoảng cách phát triển. Vị trí địa lý dự án và các khu công nghiệp thuộc đối tượng được nhận ưu đãi chia thành 03 vùng: Vùng 1, vùng 2, vùng 3; trong đó, vùng 3 là vùng xa thủ đô Bangkok nhất nên được hưởng ưu đãi đầu tư cao nhất. Tại vùng 3, các dự án đều được miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm.

Ngoài ra, để tránh việc thất thu thuế từ các hoạt động FDI, chính phủ Thái Lan đã đưa ra Luật chống chuyển giá và thực hiện từ năm 2002. Theo đó, cơ quan thuế của quốc gia này đã thiết lập được một cơ sở dữ liệu khá đầy đủ, có thể dễ dàng đối chiếu được doanh nghiệp nào giao dịch theo hoặc không theo giá thị trường. Để đối phó với hiện tượng chuyển giá, Thái Lan đã thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin về các công ty đang là mục tiêu để tiến hành kiểm tra sổ sách và điều tra. Để ngăn chặn, xử lý tình trạng chuyển giá, cơ quan thuế của Thái Lan tập trung vào các chứng cứ giá cả chính xác, tất cả cần hợp lý để chứng tỏ sự minh bạch, tài liệu cập nhật để chỉ ra cơ cấu và mối liên hệ của nhóm các công ty, bao gồm tính chất của mỗi một kinh doanh, ngân sách của nó, kế hoạch kinh doanh và các chiến lược tài chính. Cùng với đó là tài liệu giải thích doanh số của công ty, kết quả hoạt động, các giao dịch quốc tế của công ty với các tổ chức kinh doanh liên kết. Đặc biệt, cơ quan thuế ở Thái Lan thanh tra, kiểm tra kỹ các chi phí trong nội bộ tập đoàn chẳng hạn như chi phí quản lý, chi phí bản quyền. Mặt khác, Cục Thuế Thái Lan thường xem xét những công ty được ưu đãi về thuế và so sánh lợi nhuận của các công ty này với những

công ty không được ưu đãi về thuế xem lợi nhuận của 2 nhóm công ty này có giống nhau hay không và thực hiện bước thanh tra tiếp theo.

Để thực hiện việc phát triển bền vững, chính phủ Thái Lan đã đưa ra luật tăng cường và bảo vệ chất lượng môi trường quốc gia từ năm 1992. Đặc biệt vấn đề bảo vệ môi trường còn được chính phủ Thái Lan quy định cụ thể và rõ ràng trong Luật vật chất nguy hại năm 1992. Tại luật này, chính phủ Thái Lan đưa ra quy định với các nhà đầu tư nói chung, với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng về việc quản lý vật chất nguy hại từ khâu sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối đến khâu sử dụng và thải bỏ. Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của hoạt động đầu tư, kinh doanh gây ra với môi trường trong thời gian qua, Chính phủ Thái Lan ngày càng quan tâm và chú trọng tới vấn đề này hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu các giải pháp nhằm thu hút FDI có chọn lọc tại việt nam (Trang 32 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)