FDI là yếu tố quan trọng, có vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế, xã hội của nước tiếp nhận đầu tư. Lịch sử đã chứng minh, trên thế giới, các nước NIC (các nước công nghiệp mới) cũng như một số nước ASEAN, Trung Quốc… có thể vươn lên, bứt phá được về kinh tế, tạo bước thần kỳ về tăng trưởng kinh tế chính là nhờ việc nắm bắt được các cơ hội thuận lợi trong thương mại, đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nước đang phát triển không thể tự bứt phá, mà cần một nguồn vốn đầu tư rất lớn, nguồn vốn này lại không thể hoàn toàn trông chờ
vào nguồn tích lũy nội bộ trong một thời gian ngắn của một nền kinh tế đang phát triển. Do đó việc có thể thu hút, tiếp nhận được một nguồn vốn FDI lớn từ các nước khác sẽ trở thành một đòn bẩy giúp các nước đang phát triển có thể thực hiện bước nhảy, tạo sự thần kỳ trong tăng trưởng kinh tế- xã hội.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế của con người, sau một thời gian dài diễn ra quá trình thu hút và sử dụng vốn FDI trên thế giới, thêm vào đó là sự tăng dân số nhanh chóng thì hiện nay một lượng lớn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên đã bị tiêu thụ và chưa kịp tái tạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên, môi trường sống, cũng như lối sống văn hóa của con người.
Thu hút FDI có cả những tác động tích cực và tác động tiêu cực tới sự phát triển kinh tế- xã hội của nước tiếp nhận đầu tư. Chính bởi vậy, việc thu hút FDI cần phải có sự sàng lọc, lựa chọn kỹ càng để loại bỏ và hạn chế những tác động tiêu cực và phát huy tối đa tác động tích cực của FDI, sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI. Việc thu hút FDI có chọn lọc sẽ giúp nước tiếp nhận đầu tư thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của nước mình theo từng giai đoạn, từng thời kỳ.