liên quan đến thu hút FDI có chọn lọc
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về đầu tư
Hoàn thiện cơ chế quản lý và hệ thống pháp luật, chính sách cho phù hợp những cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, phù hợp với những cam kết với WTO của Việt Nam để WTO thừa nhận Việt Nam là một nước có nền kinh tế thị trường hoàn hảo và được hưởng đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ như mọi thành viên khác của WTO. Cụ thể là:
- Nghiên cứu một cách khách quan, khoa học về bản chất của nền kinh tế thế giới đang có biến động mạnh mẽ theo hướng suy thoái nhất là khủng hoảng nợ công ở các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu và một số nước khác. Để hạn chế ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng đó, cần phải loại bỏ những điều luật và chính sách không phù hợp với sự vận động phát triển của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, thực hiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa và phát triển bền vững và phù hợp với thông lệ quốc tế.
- Đẩy nhanh quá trình rà soát các điều luật và các văn bản pháp luật liên quan đến luật đầu tư, luật doanh nghiệp đã ban hành với các cam kết với WTO và các hiệp định quốc tế Việt Nam đang tham gia. Thực hiện các báo cáo rà soát một cách chi tiết giữa pháp luật Việt Nam với từng nghĩa vụ, cam kết cụ thể về đầu tư trong các hiệp định mà Việt Nam kí kết (xác định xem pháp luật Việt Nam đã tương thích với các nghĩa vụ, yêu cầu đặt ra trong các hiệp định hay chưa).
Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình rà soát các điều luật và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, tránh tình trạng có sự mâu thuẫn giữa các luật để từ đó có thể thực hiện việc thu hút FDI có chọn lọc một cách hiệu quả. Ví dụ như cần xem xét và sửa đổi lại khoản 2 điều 25 của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 với khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014. Cụ thể như tại khoản 2 điều 25 của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư dự án; trong khi đó, thủ tục, hồ sơ yêu cầu quyết định chủ trương đầu tư tại lại không yêu cầu cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Chính vì sự không thống nhất này, thời gian qua có các cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Nhà nước cũng cần hoàn thiện các văn bản pháp luật, hướng dẫn thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài và thu hút các dự án FDI có chọn lọc theo mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Cụ thể là luật đầu tư năm 2014 đã khắc phục được những hạn chế, vướng mắc trong các quy định của luật đầu tư nước ngoài đã ban hành trước đó và các văn bản pháp lý cũ về đầu tư nhưng nó vẫn là
luật khung nên cần có sự hướng dẫn cụ thể của Chính phủ, các bộ, ban, ngành; cần tập trung soạn thảo các văn bản hướng dẫn cụ thể hóa việc phân cấp về trách nhiệm, quyền hạn được giao cho các địa phương, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong quá trình cấp phép đầu tư, thực hiện đầu tư và dự án đầu tư đã đi vào sản xuất kinh doanh. Ban hành các văn bản quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành với các địa phương và giữa các địa phương với địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm. Nhất là trong hoạch định và triển khai chính sách khuyến khích đầu tư. Ví dụ như tại tỉnh thành phố nơi tiếp nhận dự án sẽ cần phải xác minh và thực hiện những gì với chủ đầu tư trực tiếp nước ngoài, cần xin hỗ trợ gì từ các bộ ngành liên quan, cán bộ cấp tỉnh thành phố cần kết hợp với địa phương cấp xã- huyện nơi triển khai dự án FDI như thế nào.
Nhà nước cần có các văn bản pháp luật quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành trong giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về quy trình đầu tư, sản xuất kinh doanh sau đầu tư, nhất là các tác động của việc đầu tư tới các vấn đề về xã hội, môi trường đảm bảo các dự án FDI được tiếp nhận một cách có chọn lọc. Chẳng hạn như khi xảy ra các vấn đề về xã hội, môi trường thì bộ ngành nào, cơ quan nào tại địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, giải trình cho chính phủ và nhân dân; trách nhiệm sẽ thuộc về cán bộ và cơ quan cấp phép cho dự án FDI hoạt động hay cán bộ và cơ quan chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm. Nhà nước cũng cần quy định cụ thể các mức xử phạt là bao nhiêu năm tù hay phạt hành chính mức độ nào... đối với các cán bộ phụ trách và cán bộ có liên quan theo từng mức độ vi phạm của dự án FDI gây ảnh hưởng tới môi trường và đời sống xã hội.
Quy định rõ hơn những đặc thù về thủ tục và điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài để một mặt tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhà đầu tư thông qua việc minh bạch hóa thủ tục; đồng thời, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư, thực hiện tốt việc thu hút FDI có chọn lọc. Ví dụ như với các nhà đầu tư FDI đến từ Trung Quốc thì cần các thủ tục và điều kiện gì, các chủ đầu tư trực tiếp nước ngoài đến từ Nhật Bản thì cần điều kiện gì... Hay các chủ đầu tư trực tiếp nước ngoài mới tham gia đầu tư lần đầu tại Việt Nam sẽ có những điều kiện gì, thủ
tục gì so với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đã từng tham gia đầu tư tại Việt Nam trước đó.
Hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Nhà nước cần tổ chức, thực hiện các buổi họp định kì, các báo cáo kết hợp giữa các cơ quan có chức năng trong việc tiếp nhận và quản lý dự án với các cơ quan thuế. Thực hiện các cuộc thanh tra định kì có sự kết hợp giữa các cơ quan (trong đó có cả cán bộ của cơ quan thuế, cán bộ của cơ quan sở- bộ tài nguyên môi trường...)
Quy định rõ trách nhiệm và có chính sách khuyến khích thỏa đáng đối với các cơ quan, đơn vị tổ chức thực thi nghiêm túc pháp luật về đầu tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài để có thể thực hiện việc thu hút FDI có chọn lọc theo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Đảng và nhà nước đã đề ra. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền, phổ biến luật đầu tư, các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư và việc thu hút FDI có chọn lọc tới mọi đối tượng trong cộng đồng dân cư, quảng bá thông tin, xúc tiến đầu tư ra nước ngoài.
Tập trung sửa đổi các chính sách ưu đãi đầu tư
Sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư bảo đảm tính hệ thống từ ưu đãi thuế (Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất nhập khẩu), ưu đãi tài chính đến ưu đãi phi tài chính; thống nhất giữa chính sách thuế và chính sách đầu tư nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh với các nước trong khu vực về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; điều chỉnh đối tượng hưởng ưu đãi về thuế theo hướng gắn ưu đãi theo ngành,
lĩnh vực ưu tiên với vùng lãnh thổ để thúc đẩy sự phân công lao động giữa các địa phương; thực hiện ưu đãi đầu tư có chọn lọc phù hợp với định hướng mới đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; nghiên cứu, bổ sung ưu đãi đối với các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp.
Ngoài căn cứ xét ưu đãi theo lĩnh vực và địa bàn cần nghiên cứu bổ sung tiêu chí để xét ưu đãi đầu tư như: dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, dự án có giá
trị gia tăng cao, dự án sử dụng nhiều nguyên liệu, vật tư trong nước và dự án cam kết chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Các chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn do tác động từ thị trường để các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Các chính sách ưu đãi phải sát với thực tế và phải chọn lọc, thận trọng khi sử dụng. Các ưu đãi phải được công khai, công bằng, các điều kiện phải rõ ràng, đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ.
Công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng. Ngành công nghiệp hỗ trợ có vai trò quan trọng trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như chuỗi giá trị toàn cầu. Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn yếu nên cần có các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian qua, nhà nước cũng đã có định hướng ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài kinh doanh sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ tuy nhiên những ưu đãi này chưa rõ ràng
- Quy định cụ thể, chi tiết ngành, sản phẩm thuộc công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào một số ngành, sản phẩm trọng điểm. Ví dụ các sản phẩm như linh kiện điện tử, quang điện tử cơ bản; linh kiện thạch anh; vi mạch điện tử; pin dùng cho máy vi tính xách tay, điện thoại di động... sẽ là các đối tượng được ưu tiên phát triển; hay trong ngành lắp ráp ô tô sẽ ưu tiên phát triển các lĩnh vực động cơ, hệ thống lái, hệ thống phanh, bánh xe.
- Quy định các tiêu chí xác định ngành, sản phẩm được hưởng ưu đãi theo diện công nghiệp hỗ trợ theo hướng đảm bảo rõ ràng, dễ hiểu, minh bạch. Cần có các
văn bản quy định về phẩm cấp kỹ thuật, đăng ký ngành nghề, thay đổi về hải quan, về chính sách thuế... Cần xây dựng Luật phát triển công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử… để đưa ra các biện pháp tổng hợp, có hệ thống và quy trình cụ thể như phát triển kỹ thuật, đào tạo nhân lực, hỗ trợ tài chính, bảo đảm vị trí, khai thác thị trường…
- Nghiên cứu, nâng mức ưu đãi đủ sức hấp dẫn các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ theo Danh mục lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ do Chính phủ ban hành, cũng như các dự án sử dụng nhiều nguồn cung cấp vật tư, nguyên liệu,... từ thị trường nội địa.
Bên cạnh đó xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho công nghiệp hỗ trợ, hình thành các đầu mối để thực hiện sự quản lý nhà nước dẫn dắt liên kết các doanh nghiệp làm công nghiệp hỗ trợ. Trên thực tế, Thái Lan đã làm rất tốt việc này trong thời kỳ công nghiệp của họ; Thái Lan đã có một cơ quan luôn theo dõi hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ để tham gia vào các hãng chính.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các dự án công nghệ cao và phù hợp vào Việt Nam, công nghệ chế biến rác thải, nước thải, khí thải.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ) nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư các dự án công nghệ cao, hiện đại, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao và cụ thể hóa tiêu chí công nghệ cao phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, có tính đến nhóm dự án có quy mô lớn, doanh thu hàng năm lớn, sử dụng nhiều lao động chất lượng cao...
Đưa ra các tiêu chí đánh giá về trình độ công nghệ. Đánh giá trình độ công nghệ là một công việc quan trọng, nó giúp cho các nhà hoạch định thấy được trình độ công nghệ hiện tại của một ngành, một địa phương, của quốc gia mình so với các ngành, các địa phương khác, quốc gia khác.Tiếp thu các công nghệ mới, công nghệ hiện đại phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành, địa phương; phát huy nội
lực và công nghệ hiện đại một cách hiệu quả sẽ góp phần sử dụng hiệu quả các nguồn lực, máy móc thiết bị, nhân lực… Do đó việc đưa ra các tiêu chí đánh giá về trình độ công nghệ là vô cùng quan trọng. Các tiêu chí đưa ra nhằm mục đích chọn lọc các dự án công nghệ cao, phù hợp với điều kiện và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội Việt Nam. Các tiêu chí này cần nghiêm ngặt và rõ ràng, minh bạch. Đối với máy móc thiết bị đưa vào góp vốn đầu tư hoặc nhập khẩu từ nước ngoài cần phải thực hiện việc giám định chất lượng và giá cả một cách nghiêm ngặt theo các quy định của pháp luật để tránh tình trạng nhập khẩu hoặc chuyển giao thiết bị máy móc lạc hậu, giá cả cao.
Đưa ra các chính sách khuyến khích, các hình thức ưu đãi hấp dẫn các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư vào công nghệ chế biến rác thải, khí thải, nước thải và cấp thoát nước ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Hiện tại tại các khu vực thành phố lớn, khu đông dân cư vấn đề rác thải, nước thải... đang trở thành vấn đề cấp bách cần giải quyết, nó ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức tới môi trường- xã hội, đời sống người dân, sức khỏe người dân... Tuy nhiên hiện nay số lượng các dự án FDI vào các ngành này còn rất hạn chế. Nhà nước cần khuyến khích bẳng nhiều hình thức chẳng hạn như giảm bớt sự phức tạp phiền hà cho các chủ đầu tư trực tiếp nước ngoài ngay từ thủ tục đăng kí, có các chính sách ưu đãi về thuế (như thuế doanh nghiệp, thuế đất...), thậm chí đưa ra các mức hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này.