Đây là yêu cầu cấp thiết bởi việc xây dựng chiến lược thu hút, sử dụng FDI sẽ là cơ sở định hướng thu hút, sử dụng FDI theo ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương, đối tác... cũng như định hướng chính sách phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững.
Quy hoạch là công cụ định hướng phát triển không gian kinh tế của vùng, của cả nước, là căn cứ xác định địa điểm, quy mô và tính chất của các dự án đầu tư. Chất lượng quy hoạch và kỷ luật, kỷ cương thực thi quy hoạch liên quan trực tiếp
đến hiệu quả, chất lượng hoạt động đầu tư. Nước ta hiện nay đang sử dụng nhiều loại quy hoạch để định hướng đầu tư như: quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch mạng lưới giao thông, quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển ngành kinh tế và quy hoạch sản phẩm... Tuy nhiên các quy hoạch này thường căn cứ nhiều vào địa giới hành chính, ít chú trọng tới tính thống nhất- liên kết giữa các quy hoạch trong vùng, trên cả nước nên đôi khi quy hoạch chồng lên quy hoạch. Quy hoạch nhiều nhưng phần lớn thiếu căn cứ điều tra cơ bản, thiếu chi tiết, không phân kỳ thực hiện và không dự báo được phát triển trong khoảng thời gian dài cần thiết. Do đó, khi đầu tư không chỉ vướng mắc về giải phóng mặt bằng mà còn vướng mắc nhiều thứ như: các thủ thục pháp lý cần thiết cũng chưa thật rõ ràng, vấn đề môi trường sinh thái, sự gắn kết giữa các vấn đề kinh tế xã hội, và các loại quy hoạch trong vùng cũng luôn bị điều chỉnh, sửa đổi... Những vướng mắc đó đã làm không ít dự án FDI có chất lượng cao, đã được chọn lọc kĩ càng khi tiếp nhận đầu tư nhưng khi thực hiện bị chậm tiến độ, thậm chí chủ đầu tư có thể hủy bỏ dự án... Do đó, để khắc phục nhà nước cần:
Một là, thay đổi nhận thức, phương pháp, lập quy hoạch không gian phát triển kinh tế, xã hội vùng, địa phương.
- Thống nhất nhận thức là quy hoạch không gian phát triển kinh tế, xã hội là thể hiện cụ thể mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế- xã hội bền vững của vùng trong khoảng thời gian dài.
- Khi lập quy hoạch phải điều tra khảo sát về tài nguyên thiên nhiên, về các vấn đề xã hội và vấn đề môi trường sinh thái để làm căn cứ, không quá nặng về địa giới hành chính, biến quy hoạch vùng thành tổng các quy hoạch của cả địa phương, thành quy hoạch của cả nước. Nhưng quy hoạch vùng kinh tế không được làm mất đi quy hoạch không gian phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương, phải tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh, thành phố với nhau trong cả nước, với quốc tế và trong khu vực.
- Coi quy hoạch không gian phát triển kinh tế- xã hội là quy hoạch khung, quy hoạch cơ bản để các loại quy hoạch khác phải tuân theo. Các quy hoạch ngành, lĩnh
vực kinh tế, xã hội, tuy chúng có tính chất đặc điểm khác nhau, nhưng đều phải thống nhất mục tiêu với quy hoạch khung là tạo ra sự cân đối, hài hòa, tiến tới phát triển bền vững.
- Quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội đa dạng, phức tạp nên khi lập quy hoạch đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong vùng. Chất lượng quy hoạch tốt, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, mà còn thuận lợi cho công tác quản lý của các ngành, các cấp chính quyền. Do đó, công tác quy hoạch phải coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần thu hút FDI có chọn lọc, là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của vùng theo hướng bền vững.
Hai là, quy hoạch không gian kinh tế cả nước, vùng, địa phương là biện pháp phân bố cụ thể, có kế hoạch hợp lý các đối tượng sản xuất, các cơ sở sản xuất, các công trình phục vụ sản xuất, các điểm dân cư, các công trình văn hóa- xã hội và các công trình công cộng khác phục vụ đời sống dân cư địa phương, vùng. Quy hoạch không gian phát triển kinh tế xã hội là tổng thể các loại quy hoạch ngành, lĩnh vực trong địa phương, vùng, và trên cả nước. Do vậy khi xây dựng quy hoạch không gian phát triển kinh tế- xã hội nên dựa theo các căn cứ:
- Những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội của cả nước nói chung và của địa phương nói riêng.
- Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và tiềm năng, lợi thế về các nguồn lực phát triển của từng địa phương, từng vùng.
- Khả năng hợp tác, liên kết với các vùng khác, địa phương khác trong cả nước và hợp tác quốc tế, khu vực
Dựa trên các căn cứ khoa học nêu trên và kết quả khảo sát, đánh giá tiềm lực tài nguyên đất đai, nguồn nước ngọt, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển mà vùng, địa phương hiện có để đánh giá khả năng và phân kỳ khai thác sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng, địa phương. Trên cơ sở đó, xác lập quy hoạch ngành, lĩnh vực kinh tế- xã hội ở vùng, địa phương như sau:
- Quy hoạch sử dụng tài nguyên đất là quy hoạch quan trọng, nó xác định rõ nơi nào và diện tích bao nhiêu dùng cho các ngành, lĩnh vực kinh tế- xã hội khác nhau như: phần diện tích nào trồng cho các cây công nghiệp, cây lương thực để xuất khẩu; vùng diện tích nào dành cho phát triển đô thị, giao thông, xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, các khu du lịch sinh thái... Quy hoạch này làm cơ sở để xác định quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu và cùng với tiềm năng nguồn lực phát triển của vùng, địa phương để xác định các danh mục các dự án cần thu hút FDI có chọn lọc.
- Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế- xã hội:
+ Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ phần mềm, phần cứng, công nghệ sạch ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hải Phòng...
- Quy hoạch phát triển công nghiệp khai thác than và chế biến than ở các địa phương có nguồn tài nguyên than (ví dụ như Quảng Ninh) bằng công nghệ hiện đại hiệu quả kinh tế cao, không chạy theo sản lượng, khai thác than phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển nhiệt điện ở các khu vực gần nguồn than như: Quảng Ninh, Hải Phòng...
- Phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu ở các tỉnh ven sông Bạch Đằng, các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng...
- Quy hoạch không gian cho phát triển các viện, trung tâm nghiên cứu các trường đại học, xây dựng các bệnh viện chất lượng cao.
- Quy hoạch phát triển nông-lâm- thủy sản theo hướng bền vững. Tham gia và thực hiện Chương trình công nghệ sinh học trong nông nghiệp, thủy sản; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Cần có chính sách khuyến khích thỏa đáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất, vào chế biến nông sản- lâm sản- thủy sản, đặc biệt là nông nghiệp; các ngành y tế giáo dục và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Trên cơ sở quy hoạch FDI, cần xây dựng Danh mục quốc gia thu hút FDI với các dự án theo ngành, lĩnh vực quan trọng cùng các thông số kỹ thuật cụ thể để cung cấp những thông tin cơ bản cho các nhà đầu tư quan tâm; trong đó chú trọng những dự án cần ưu tiên áp dụng hình thức liên doanh.