Kinh nghiệm của một số địa phương về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp huyện trên địa bàn huyện nhơn trạch, tỉnh đồng nai (Trang 29 - 33)

CBCC cấp huyện

1.4.1. Kinh nghiệm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC huyện Diễn Châu

Huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 305,07 km2 với 39 đơn vị hành chính (38 xã và 01 thị trấn). Dân số tháng 6/2014 của huyện là 274.317 người với tỷ lệ chủ yếu người dân ở nông thôn (268.430 người), ở thành thị chỉ có 5.887 người. Cơ cấu giữa nam và nữ của huyện Diễn Châu tương đối đồng đều, với số người nam nữ lần lượt là 134.753 người và 140.212 người.

Trong giai đoạn 2014, tại huyện Diễn Châu có tổng số CBCC là 1.271 người, trong đó CBCC nam là 891 người, nữ là 380 người. Trình độ lý luận chính trị của CBCC huyện Diễn Châu được cải thiện hàng năm, đến năm 2014 đạt tỷ lệ tương đối cao, cụ thể: cao cấp chiếm 11,41%; trung cấp chiếm 58,3%; sơ cấp là 18,8%; và chưa có lý luận chính trị là 11,49% (Phòng Nội vụ huyện Diễn Châu, 2014). Trình

độ chuyên môn của CBCC huyện Diễn Châu cũng đạt ở mức cao. Phần lớn CBCC huyện Diễn Châu đã tốt nghiệp cao đẳng và đại học (chiếm 72,93%). Chỉ có 3,3% CBCC huyện Diễn Châu chưa được qua đào tạo. Một điều cần chú ý đó là mặc dù đã có sự cải thiện rất lớn qua các năm, tuy nhiên trình độ quản lý nhà nước của các CBCC huyện Diễn Châu chưa qua đào tạo còn cao (33,2%), chuyên viên ở mức 53,42%. Trình độ tin học, ngoại ngữ của CBCC đạt trình độ hoặc đã được đào tạo còn rất khiêm tốn (44,53%). CBCC tại huyện Diễn Châu đa số trong độ tuổi từ 36- 50 tuổi (54,6%).

Nhìn chung huyện Diễn Châu đã có sự cải thiện về chất lượng CBCC trên địa bàn theo thời gian. Huyện đã tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các CBCC của huyện về lý luận chính trị, về chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại dựa theo yêu cầu thực tế. Tuy nhiên để đáp ứng được nhu cầu của xã hội, trong bối cảnh phát triển mạnh của khoa học công nghệ, chất lượng cán bộ, công nghệ của huyện Diễn Châu như vậy vẫn chưa đủ để phục vụ cho nhân dân, chưa đạt được hiệu quả làm việc tốt nhất.

1.4.2. Kinh nghiệm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC huyện Đan Phượng

Để nâng cao được chất lượng đội ngũ CBCC cấp huyện của mình, huyện Đan Phượng đã triển khai một số giải pháp. Các giải pháp chủ yếu được tập trung vào thực hiện đó là:

Huyện đã nâng cao nhận thức của các cấp Ủy đảng về tính cần thiết của việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC. Huyện lấy đó làm cơ sở xac định rõ phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng để từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC của mình. Phương hướng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC về cơ bản phải theo hướng toàn diện (về phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực công tác, đổi mới tác phong làm việc,…).

Bên cạnh đó, huyện Đan Phượng thực hiện tốt công tác quy hoạch cũng như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ trên địa bàn huyện của mình. Có thể nói rằng đây là giải pháp mang tính cơ bản, lâu dài mà huyện đã áp dụng để bổ sung cho đội ngũ CBCC của mình khi mà nguồn lực lao động huyện sử dụng chính vẫn là huy động từ nguồn tại chỗ là chủ yếu.

Ngoài ra, huyện đã đẩy mạnh việc thu hút sinh viên tốt nghiệp các trường đại học có trình độ chuyên môn phù hợp về công tác nhằm trẻ hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp huyện của mình. Việc luân chuyển cán bộ đã giúp huyện khắc phục được tình trạng khép kín, cục bộ, địa phương trong quá trình bố trí các chức danh chủ chốt ở cấp huyện. Việc luân chuyển CBCC còn có một lợi thế nữ là có thể giúp các CBCC rèn luyện, thử thách, tạo điều kiện cho các CBCC nắm bắt được các lĩnh vực, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quá trình công tác của mình.

Huyện Đan phượng hiện nay đã thực hiện thành công tinh giản bộ máy, bộ máy CBCC của huyện giờ đang theo hướng chỉ có cán bộ chuyên trách và cán bộ chuyên môn. Huyện Đan Phượng hiện không còn cán bộ không chuyên trách. Những cán bộ chuyên trách không tái cử, hoặc không được bầu vào chức danh mới sẽ được cho nghỉ, đóng bảo hiểm tự nguyện hoặc hưởng trợ cấp một lần, từ đó giảm gánh nặng về chi ngân sách.

1.4.3. Bài học kinh nghiệm rút ra cho huyện Nhơn Trạch

Qua nghiên cứu một số kinh nghiệm của một số huyện tại một số tỉnh thành của Việt Nam, nghiên cứu rút ra được một số bài học kinh nghiệm cho huyện Nhơn Trạch trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp huyện của mình. Đó là:

Thứ nhất, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ CBCC cấp huyện phải được thực hiện xuyên suốt qua các khâu: tuyển dụng, bố trí, sắp xếp và sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý về cơ sở, đào tạo và bồi dưỡng,… Các khâu phải được kiểm tra và giám sát định kỳ để đảm bảo về chất lượng trong quá trình thực hiện, đảm bảo đúng quy trình, pháp luật và theo chính sách đưa ra.

Thứ hai, khâu tuyển dụng cần được thực hiện công khai, nghiệm túc, tạo được tính công bằng và tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội cạnh tranh. Khi đảm bảo được các tiêu chí trên, việc tuyển dụng CBCC cấp huyện mới có thể lựa chọn được những người thực sự tài giỏi, có phẩm chất, năng lực vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Thứ ba, việc đào tạo, bồi dưỡng CBCC cấp huyện cần được thực hiện thường xuyên, liên tục sau khi có đợt tuyển dụng. Việc đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, về trình độ lý luận, về quản lý nhà nước sẽ giúp các CBCC cấp huyện hoàn thiện trình độ, kỹ năng của mình, từ đó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong từng vị trí.

Thứ tư, việc bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ CBCC cấp huyện sẽ tạo một môi trường làm việc phát huy được tối đa khả năng của từng CBCC nói riêng, của đội ngũ CBCC nói chung. Việc luân chuyển, tăng cường gắn với kế hoạch quy hoạch cán bộ, ưu tiên tăng cường cán bộ về những nơi có CBCC chưa đạt chuẩn, nơi có tình hình phức tạp, yếu kém để củng cố lại chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở đó.

Cuối cùng, để nâng cao được chất lượng đội ngũ CBCC cấp huyện không thể thiếu được việc phải đi liền với cải cách hành chính, thực hiện công tác thi tuyển CBCC. Huyện có thể áp dụng hình thức hợp đồng lao động vào làm việc những vị trí đang yếu và thiếu hụt tại huyện, thực hiện rà soát và đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ CBCC của mình.

Kết luận chương 1

Chương 1 đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Chỉ ra các nhân tố ảnh hướng đến chất lượng đội ngũ CBCC. Trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu đi trước đã xác định các tiêu chí đánh giá bao gồm ba nhóm: Thể lực, trí lực, tâm lực. Phân tích bài học kinh nghiệm một số địa phương ở nước ta trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC trong thời đại mới. Từ đây, làm cơ sở lý luận để phân tích thực trạng nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC trong chương 2.

Chương 2

THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CBCC CẤP HUYỆN TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NHƠN TRẠCH, TỈNH ĐỒNG NAI

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cấp huyện trên địa bàn huyện nhơn trạch, tỉnh đồng nai (Trang 29 - 33)