1.3.3.1. Tổng quan pháp luật Việt Nam về trường đại học tư thục và quản trị đại học trong trường đại học tư thục
Tính sau 1975, chỉ từ khi đổi mới, việc phát triển các trường đại học tư thục mới có những điều kiện ra đời khi gắn với chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước. Năm 1988, Quyết định số 1687/KH-TV ngày 15/12/1988 của Bộ Đại học cho phép thí điểm triển khai mô hình đại học ngoài công lập với trường đại học dân lập đầu tiên có tên gọi là Trung tâm Đại học Dân lập Thăng Long.
Năm 1993, Quyết định số 240/1993/QĐ-TTg về Quy chế đại học tư thục được TTCP ban hành quy định hình thức sở hữu là tư nhân đối với trường đại học tư thục dựa vào cổ phần của các chủ đầu tư. Mô hình quản trị đại học cũng dựa vào nhà đầu tư với quy định 2/3 thành viên Hội đồng quản trị là đại diện cho nhà đầu tư,
và hội đồng quản trị được tự chủ toàn diện về tổ chức và tài chính... Rất tiếc, không có trường đại học tư thục nào kịp ra đời dựa trên cơ sở pháp lý này, một phần bởi vì văn bản này được thay thế bởi quy chế 196 chỉ chưa đầy một năm sau đó.
Năm 1994, Bộ trưởng BGDĐT ban hành “Quy chế tạm thời Đại học dân lập” qua Quyết định số 196/TCCB, có nội dung tương tự Quyết định 240 nhưng thay từ “tư thục” bằng từ “dân lập”, là tiền đề cho ra đời một loạt các trường đại học dân lập thời kỳ đầu, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1998, loại hình trường đại học dân lập được chính thức đưa vào luật khi Quốc hội ban hành Luật Giáo dục 1998, cùng với đó là Quy chế trường đại học dân lập được ban hành kèm theo Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg, có nội dung cơ bản giống quy chế 196 nhưng với các điểm mới: (1) Trường đại học dân lập phải do “tổ chức” đứng ra xin thành lập; (2) Tài sản của trường đại học dân lập thuộc sở hữu tập thể; và (3) Hội đồng quản trị của trường đại học dân lập là một cộng đồng hẹp.
Năm 2005, loại hình trường đại học tư thục mới có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc phát triển khi Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục được ban hành tại Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg và sau đó được thay thế bởi Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg. Quản trị đại học trong trường đại học tư thực theo quy chế này khá rõ nét theo mô hình công ty cổ phần: Từ quy định điều kiện họp Đại hội đồng cổ đông cho đến nguyên tắc “đối vốn” khi thông qua nội dung họp; Từ quy định cổ đông được “chuyển nhượng quyền sở hữu và rút vốn” cho đến quy định tài sản tăng thêm nhờ kết quả hoạt động của trường sẽ thuộc sở hữu chung.
Năm 2011, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục được sửa đổi bổ sung bởi Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg với những điểm mới: (1) Đại hội đồng cổ đông là cấp độ quản trị đại học có quyền quyết định cao nhất; (2) Sở hữu chung hợp nhất bao gồm: Quà biếu tặng là tài sản chung hợp nhất không phân chia, còn tài sản tăng lên nhờ kết quả hoạt động của trường mới thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Ngoài ra, cũng có một thay đổi đáng lưu ý ở mô hình quản trị đại học trong trường đại học tư thục đã có sự thay đổi so với những quy
định tại Quyết định số 14/2005/QĐ-TTg, Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ở điểm có một số thành phần đương nhiên trong hội đồng quản trị như hiệu trưởng, đại diện cơ quan quản lý địa phương, đại diện tổ chức đảng đoàn, đại diện giảng viên.
Năm 2012, Luật GDĐH lần đầu tiên ra đời, tách khỏi luật giáo dục chung. Luật này có một số nội dung tác động mạnh đến mô hình quản trị đại học trong trường đại học tư thục như về lợi tức của trường đại học hoạt động không vì lợi nhuận; hay trường đại học tư thục phải dành ít nhất 25% chênh lệch thu chi để tái đầu tư; hay về thành phần đương nhiên của hội đồng quản trị.
Năm 2018, Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã khắc phục một số bất cập chung của giáo dục đại học, đem đến các cơ sở giáo dục đại học tư thục những điều mới mẻ [9]. như mô hình quản trị như doạnh nghiệp lan tỏa sang lĩnh vực giáo dục đại học qua việc tham chiếu Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được thể hiện tại các điều 16a, 17, 66; hay quy định rõ hơn về trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
1.3.3.2. Phân loại trường đại học tư thục dựa trên mục tiêu lợi nhuận a) Trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận
Thực ra thì trong luật thực định hay ngoài thực tiễn đều không có định nghĩa trực tiếp để chỉ khái “trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận”; và đối với loại hình đại học này, luật giáo dục đại học cũng chỉ gọi là “trường đại học tư thục” nói chung. Và cũng như vậy, cụm từ “trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận” chỉ xuất hiện khi đặt bên cạnh và để so sánh với “trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận”.
Lợi nhuận là chênh lệch giữa doanh thu và chi phí mà đơn vị kinh doanh đã bỏ ra để đạt được doanh thu đó từ các hoạt động của đơn vị trong một thời kỳ nhất định. Để tồn tại, các trường đại học tư thục ở Việt Nam hiện nay hoạt động như loại hình doanh nghiệp, thì họ cần phải có vốn đầu tư để duy trì và phát triển cho trường học, các vốn này phần lớn chủ yếu được các cổ phần, cổ đông góp vốn vào thành
quyên góp từ bên ngoài, do đó, quá trình hoạt động họ đặt tiêu chí lợi nhuận và chia lợi nhuận là hàng đầu, và xem đó như một mục tiêu tồn tại và phát triển.
b) Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận
Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục đại học mà nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận. Trong thực tế, trường hoạt động không vì lợi nhuận, nghĩa là nhà đầu tư không rút vốn, không hưởng lợi tức; thay vào đó, phần lợi nhuận tích lũy hàng năm của trường sẽ thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận. Phát triển loại hình trường không vì lợi nhuận góp phần tạo nên nền giáo dục chất lượng cao, không bị ảnh hưởng bởi thần quyền, thế quyền, hay các lợi ích đặc biệt khác. Tuy nhiên, loại hình trường này chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam, việc xây dựng mô hình quản trị còn lúng túng.
1.3.3.3. Từ mô hình quản trị trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận liên tưởng đến mô hình quản trị công ty cổ phần
Qua so sánh trường đại học tư thục hoạt động vì và không vì lợi nhuận, ta nhận thấy mô hình quản trị của trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận thì tương đồng hơn với mô hình quản trị công ty cổ phần. Để làm rõ nhận định này, cần một số phân tích mô hình mô hình quản trị của trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận theo Luật Giáo dục đại học 2012 so với mô hình quản trị công ty cổ phần. Về cơ cấu tổ chức, trong khi công ty cổ phần có đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, giám đốc và các chức danh quản lý khác, thì trường đại học tư thục có đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các đơn vị trong trường. Các chức danh quản lý trong công ty cổ phần chỉ do đại hội đồng cổ đông quyết hay ủy quyền lại cho hội đồng quản trị quyết, nhưng với trường đại học tư thục thì phải thêm bước công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước (Luật Giáo dục đại học 2018 đã sửa đổi nội dung này theo hướng như với doanh nghiệp, không cần thông qua bước công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước nữa). Về cấu trúc, trong khi công ty cổ phần hoạt động theo trên nguyên tắc đối vốn
tuyệt đối, thì hội đồng quản trị (sau này là hội đồng trường) của trường đại học tư thục sẽ có đại diện từ các thành phần không có vốn.
Từ những phân tích trên, trường đại học tư thục trong đối tượng nghiên cứu của đề tài này được giới hạn là trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận.
Tiểu kết chương 1
Trong chương này, luận văn trước hết làm rõ đại học và trường đại học là hai khái niệm khác nhau theo pháp luận Việt Nam, mặc dù sự phân biệt này còn gây nhiều tranh cãi về mặt lý luận. Thêm nữa, có ba mô hình quản trị đại học trên thế giới cũng được tổng kết như là các cơ sở thực tiễn quan trọng, bao gồm mô hình quản trị đại học dựa vào giới khoa học được tìm thấy ở Anh, Đức…; mô hình quản trị đại học dựa vào nhà nước phổ biến ở Pháp, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc; và mô hình quản trị đại học dựa vào thị trường dễ dàng tìm thấy ở Hoa Kỳ, Canada, Australia và một số nước khác. Các mô hình quản trị đại học ở Việt Nam từ thời bao cấp cho đến nay cũng được lược khảo để có cái nhìn tổng quát.
Về mô hình quản trị công ty cổ phần, luận văn trước hết là rõ khái niệm công ty cổ phần và quản trị công ty cổ phần. Về các mô hình, luận văn khẳng định không chỉ có các mô hình quản trị công ty cổ phần theo pháp luật Việt Nam là cơ sở để áp dụng cho quản trị trường đại học tư thục, mà còn phải quan tâm đến các mô hình quản trị công ty cổ phần theo pháp luật một số nước khác
Về pháp luật quản trị đại học và pháp luật về trường đại học tư thục, luận văn trước hết khái lược pháp luật và thể chế về quản trị đại học ở một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Singapore hay cơ chế quản trị đại học theo kiểu tập đoàn hóa ở Nhật Bản, cũng như thiết chế đặc biệt về quản trị đại học theo kiểu phường hội thuần túy ở đại học Anh quốc. Trong phần này, cũng bao gồm các khái lược pháp luật và thể chế về quản trị đại học ở Việt Nam trước và sau đổi mới.
Chương 2
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ QUẢN TRỊ ĐẠI HỌC TRONG