Pháp luật và thể chế quản trị đại học ở một số nước trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị đại học tại các trường đại học tư thục theo mô hình công ty cổ phần ở việt nam hiện nay (Trang 26 - 28)

Theo Nguyễn Đăng Minh, trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về quản trị đại học theo hướng tiếp cận nhìn nhận trường đại học như một doanh nghiệp. Về quản trị hoạt động, các phương pháp quản trị khoa học của doanh nghiệp như Quản trị tinh gọn, Quản trị chất lượng tổng thể, Balanced Scorecard, Quản trị mục tiêu, ... đã được nghiên cứu áp dụng thành công tại các trường đại học trên thế giới [20]. Trong khi đó, theo Phạm Thị Thanh Hải và các cộng sự, trong các mô hình quản trị đại học truyền thống thì luôn luôn có sự hiện diện rõ của quản lý nhà nước dù mức độ có khác nhau ở các nước [24]. Ở các quốc gia Đông Á và và một số nước ở Đông Nam Á, do chịu ảnh hưởng của văn hoá Khổng giáo, quyền lực nhà nước trong việc dẫn dắt các trường đại học là rất lớn, như kiểm soát về khung chương trình, nhân sự cấp cao, và một số quyết định quan trọng của nhà trường [23]. Để thể hiện những thay đổi trong quản trị đại học hiện đại hướng về quản trị đa tầng với sự tham gia của nhiều đối tượng và chịu ảnh hưởng của cạnh tranh thị trường thay vì quản trị có sự can thiệp trực tiếp của nhà nước, De Boer, Enders và Schimank (2007) đã xây dựng mô hình quản trị đại học gồm 5 chiều kích: quy định của nhà nước, tự quản của nhà trường, dẫn dắt từ bên ngoài, cạnh tranh thị trường và tự quản học thuật.

1.3.1.1. Pháp luật và thể chế quản trị đại học ở Hoa Kỳ

Theo Phạm Thị Thanh Hải và các cộng sự, việc quản lý các cơ sở giáo dục đại học ở Hoa Kỳ được giám sát bởi chính quyền tiểu bang theo mô hình định hướng thị trường [24]. Cơ sở của mô hình quản trị hướng tới mô hình định hướng thị trường là giả thiết “các trường đại học hoạt động hiệu quả hơn khi chúng hoạt động như các tập đoàn doanh nghiệp”, tức là các tổ chức đạt được hiệu quả tối đa trong điều kiện cạnh tranh và thị trường tự do. Hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ cấp giấy phép cho các tổ chức giáo dục đại học mà không cần quá trình công nhận, tuy nhiên, tiêu chí cấp kinh phí của chính phủ (Adkit, 2014) cho các tổ chức giáo dục đại học và sinh viên được xác định dựa trên sự công nhận của cơ cấu kiểm định.

1.3.1.2. Cơ chế quản trị đại học như doanh nghiệp ở Singapore

Singapore có dịch vụ giáo dục đạt đẳng cấp cao ở Đông Nam Á và xếp thứ hạng cao trên thế giới. Các trường đại học của Singapore bao gồm một hệ thống các trường công lập, các cơ sở của những học viện nổi tiếng thế giới và các trường tư thục. Đại học quốc gia Singapore NUS là một điển hình về thành công của cơ chế giao quyền tự chủ cao cho đại học. Bắt đầu từ những năm 1990, NUS đã bắt đầu thay đổi mô hình quản trị vốn, đến năm 2006 thì chuyển cơ chế hoạt động như doanh nghiệp. Tính tự chủ cao thể hiện ở những chính sách tăng lương, thưởng, phụ cấp; cấu trúc bộ máy quản trị tự chủ cho phép NUS được tự quyết định các cơ chế đãi ngộ linh hoạt dựa vào thành tích nghiên cứu quốc tế, thu hút những nhân tài hàng đầu; cơ chế tăng lương, trợ cấp riêng cho những khoa đào tạo đáp ứng thị trường. Cấu trúc quản trị đại học phân quyền tạo chủ động phân cấp cho khoa trong việc phân bổ thời gian của giảng viên, ví dụ như các khoa có quyền giảm thời gian giảng dạy để tập trung vào nghiên cứu khoa học đối với những giảng viên giỏi.

1.3.1.3. Thiết chế đặc biệt về quản trị đại học theo kiểu phường hội thuần túy của một số đại học truyền thống ở Anh quốc

Hai trường đại học lâu đời nhất của Anh quốc là đại học Oxford và đại học Cambridge thường được dẫn chứng là những ví dụ điển hình của mô hình quản trị

phường hội thuần túy. Đây là một mô hình lý tưởng dựa vào giới học thuật, đặc biệt phù hợp với văn hóa của các cộng đồng nghề nghiệp có tính chuyên môn và được đội ngũ học giả nhiệt tình ủng hộ. Pháp luật Anh quốc cho phép hai trường đại học này được hưởng điều lệ hoạt động riêng và được bảo vệ bằng hiến pháp khỏi sự can thiệp từ bên ngoài. Tuy vậy, hai trường đại học Oxford và đại học Cambridge có lịch sử và những lợi thế lâu đời mà các trường đại học thành lập sau này không thể có. Nguồn tài sản giàu có của hai trường, được tạo ra từ lịch sử và lợi thế ban đầu đó, giúp nó hoàn toàn có thể tách khỏi các áp lực của bên ngoài và thị trường để theo đuổi các mục đích vô vị lợi. Những đặc thù lịch sử và lợi thế riêng có đó khiến cho mô hình quản trị đại học của các trường này hoàn toàn không phải dễ để học hỏi và áp dụng cho những nơi khác được.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản trị đại học tại các trường đại học tư thục theo mô hình công ty cổ phần ở việt nam hiện nay (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)