đại học tư thục theo mô hình công ty cổ phần ở Việt Nam hiện nay
Đối với một doanh nghiệp thuần túy, có rất nhiều yếu tố để người thành lập doanh nghiệp xem xét trước khi chọn mô hình quản trị nào cho tối ưu, tiết kiệm chi phí như: số lượng, tính chuyên nghiệp của thành viên góp vốn; mức độ tin cậy lẫn nhau giữa các thành viên tham gia góp vốn; tính chất hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với trường đại học tư thục ở Việt Nam, dường như không có một xu hướng nào cụ thể về lựa chọn mô hình quản trị, thâm chí cũng không có nhiều dấu hiệu cho thấy các trường đại học tư thục đặt nhiều trăn trở phải quản trị theo một mô hình nào, thể hiện qua quy chế tổ chức và hoạt động của các trường. Nhưng quan sát thực tế, Bùi Thanh Dũng cho rằng tất cả các trường đại học tư thục hiện nay có tổ chức và hoạt động không khác gì một mô hình doanh nghiệp, thậm chí là độc nhất mô hình công ty cổ phần [1]. Đây là hệ quả từ việc Luật Giáo dục đại học 2012 vay mượn pháp luật công ty cổ phần để hình thành nội dung pháp luật về trường đại học tư thục một cách triệt để đến cực đoạn. Dù vậy, về địa vị pháp lý của các trường đại học tư thục, chưa có điều nào quy định cụ thể khẳng định trường đại học tư thục hoạt động như là một doanh nghiệp. Việc trường đại học tư thục tự “khoác” lên mình một cái áo doanh nghiệp khiến cho hoạt động của trường mang tính chất đầy rủi ro và bất cập, khó đảm bảo cho sự phát triển và tồn tại lâu dài.
2.2.3.1. Kết quả hoạt động của các trường đại học tư thục áp dụng quản trị đại học theo mô hình công ty cổ phần ở Việt Nam
Về quy mô, nếu như trước đổi mới, Việt Nam chỉ mới có 63 trường đại học và chưa có một trường đại học tư thục nào thì đến năm 1988 đã có trường đại học ngoài công lập đầu tiên. Từ đó đến nay, hành lang pháp lý cho các trường đại học tư thục đã được tạo lập và hoàn thiện dần, các trường đại học tư thục bắt đầu có những vị trí nhất định trong hệ thống giáo dục Việt Nam.
Hiện nay, có khoảng 61 trường trường đại học tư thục ở Việt Nam, chiếm 25,5% tổng số trường đại học trên cả nước, phân bố ở 29/63 tỉnh, thành, trong đó,
Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những nơi tập trung nhiều trường đại học tư thục gồm 13 và 12 trường. Quy mô đào tạo của các đại học tư thục là hơn 253 nghìn sinh viên, chiếm 13,16% sinh viên đại học trên cả nước, cùng với đội ngũ giảng viên 20.500 người. Nhiều trường đại học tư thục đã xây dựng được cơ sở vật chất khang trang, hiện đại: Tổng số phòng học lên tới 94.088, với tổng diện tích sàn là 8.598.868 m2, 43 trường có phòng thí nghiệm, 45 trường có xưởng thực hành. Giá trị đầu tư trung bình của một trường cho hệ thống phòng thí nghiệm là 8,6 tỷ đồng, cho xưởng thực hành là 6,5 tỷ đồng.
Bảng 2.3. Sự phát triển số lượng các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam
Năm 1994 2000 2005 2010 2016 2020
Số lượng trường đại học ngoài công lập 5 16 20 51 60 61 Tỷ lệ % trong tổng số các trường đại học 8.6 18.2 16.9 26.7 25.5 25.0
(Nguồn: Trần Văn Hùng, 25 năm hình thành phát triển, đại học tư thục ngày càng đóng vai trò quan trọng, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam)
Về thu hút sinh viên, một số trường đại học tư thục đã tuyển sinh được sinh viên quốc tế đến học tập, thực tập cũng như trao đổi sinh viên quốc tế. Cũng Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong những năm gần đây, số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường đại học tư thục chiếm từ 12% trở lên trong tổng số sinh viên tốt nghiệp hàng năm.
Về đóng góp và giảm tải cho ngân sách, hệ thống các trường đại học tư thục phát triển chẳng những đóng thuế, tạo việc làm, đào tạo nhân lực, mà còn giảm bớt gánh nặng cho nhà nước trong việc đầu tư ngân sách cho các trường đại học công. Từ khi các trường đại học tư thục ra đời, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đã giảm rất nhiều, ví dụ như 240.000 sinh viên ra trường tư thục thì làm giảm tải cho ngân sách nhà nước khoảng 2.400 tỷ đồng. Mặt khác, nếu giảm bớt đi số lượng các trường đại học công lập thì giảm được lực lượng nhân sự và ngân sách nhà nước.
2.2.3.2. Những hạn chế của các trường đại học tư thục nói chung và của các trường đại học tư thục áp dụng quản trị theo mô hình công ty cổ phần nói riêng
Về khả năng thu hút giảng viên, đối với các trường đại học tư thục đó là một hạn chế, đặc biệt khó khăn đối với những trường mới thành lập hay những trường ở tỉnh nhỏ. Các trường gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng, đào tạo giảng viên và cán bộ quản lý; đội ngũ giảng viên trẻ còn mỏng với phần lớn là người mới tốt nghiệp, ít kinh nghiệm; giảng viên chủ chốt hầu hết là cao tuổi do đa số là các giảng viên đã nghỉ hưu từ các trường đại học công lập.
Về đất đai xây dựng trường, theo thống kê của Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam, đến nay có những trường đại học tư thục thành lập đã trên 20 năm nhưng chưa có đất xây trường, phải đi thuê cơ sở vật chất, trụ sở, văn phòng và phòng học.
Về nguồn lực tài chính, trong khi phải đối mặt với tình trạng tự thân vận động về đất đai, xây dựng, đầu tư cơ sở vật chất thì các trường đại học tư thục lại còn hạn chế về các nguồn cung tài chính. Về đầu tư ban đầu, rất hiếm có trường hợp một tập đoàn nào lớn được như VinGroup, nên càng hiếm có quyết tâm đầu tư nào được như Trường Đại học VinUni, đa số các trường đại học tư thục được sáng lập hoặc mua lại từ những doanh nghiệp có tích lũy vừa phải, hoặc thậm chí có nhiều trường được đầu tư đơn giản bởi một hay một vài nhà giáo thành đạt, có chút tích lũy khi về hưu và mang đi đầu tư trường đại học tư thục.
Về công tác tuyển sinh và thu hút sinh viên, phần lớn trường đại học tư thục đều gặp khó khăn. Đa số các trường đại học tư thục ở tỉnh (ngoài các thành phố trực thuộc trung ương), tuyển sinh đều rất khó khăn do dòng chảy tự nhiên của các thí sinh đổ về thành phố lớn. Một số trường khác tuyển sinh được tốt hơn thì lại quá chú trọng số lượng chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng thí sinh.
Bên cạnh đó, các trường đại học tư thục cũng còn nhiều hạn chế về chất lượng đào tạo, nội dung và phương pháp dạy học, hoạt động nghiên cứu khoa học.
2.2.3.3. Nguyên nhân của hạn chế và tồn tại ở các trường đại học tư thục nói chung và của các trường đại học tư thục áp dụng quản trị theo mô hình công ty cổ phần nói riêng
a) Nguyên nhân khách quan
Việt Nam trải qua một thời gian dài trong cuộc chiến tranh xâm lược và tranh chấp biên giới, rồi bị cấm vận kinh tế, rồi phải loay hoay với các công cuộc cải cách và đổi mới cho phù hợp với tình hình nội tại và chính trị thế giới, cho nên trường đại học ngoài công lập đầu tiên của Việt Nam (nếu không tính các trường đại học tư ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975) chỉ mới được thí điểm lần đầu năm 1988, rồi đến 5-10 năm sau đó mới có một thế hệ các trường đại học dân lập đầu tiên ra đời, trong bối cảnh nhà nước thì còn lúng túng, nhân dân thì còn e dè, và trường đại học ngoài công lập thì còn phải làm theo kiểu thử và sai, làm đến đâu hay đến đó.
Do sống dài qua thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp, đặc điểm tâm lý của người Việt Nam đã nặng bị động, trông chờ vào nhà nước. Nhiều người sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm đều có tâm lý tìm cho được một nhiệm sở công lập, cho nên người học và phụ huynh luôn chú trọng đến các trường công lập, và luôn mặc định rằng trường công lập thì đào tạo chất lượng hơn, bằng cấp có giá trị cao hơn.
Chưa kể, do mặt bằng đời sống kinh tế của người dân chưa cao, nên thí sinh và phụ huynh thường chọn vào học các trường đại học công lập để có học phí thấp. Ngày nay, cho dù nhiều trường đại học công lập tự chủ tài chính thu học phí rất cao; ngược lại, nhiều trường đại học tư thục địa phương phải thu học phí ở mức thấp hơn nhiều trường công lập (do sức ép cạnh tranh về giá và do khả năng chi trả còn thấp của sinh viên tỉnh lẻ). Dù vậy định kiến của xã hội vẫn mặc định là ngược lại. Cho nên vẫn còn nhiều trường hợp nặng tâm lý trường công cho bằng được.
Đầu tư cho giáo dục đại học tư thục rất cần những nhà đầu tư đủ mạnh. Tuy nhiên, rất hiếm có những doanh nghiệp tư nhân lớn và ổn định. Các tập đoàn kinh tế ổn định của Việt Nam vẫn là các tập đoàn nhà nước với lịch sử và lợi thế của mình. Còn các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức khỏe khá phập phù, biên độ lên xuống khá lớn theo nền kinh tế.
b) Nguyên nhân chủ quan
Về phía bản thân các trường đại học tư thục, theo Đặng Ứng Vận, thực tế các trường đại học tư thục đã sử dung mô hình quản trị có địa vị pháp lý như một doanh nghiệp, được quản lý như một công ty thương mại cổ phần, theo mục đích vì lợi nhuận. Do đó, trường đại học tư thục cũng chịu chấp nhận rủi ro trong hoạt động kinh doanh, có thể bị phá sản, bị giải thể, và cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần, tức là thay đổi chủ đầu tư. Và đó chính là yếu tố dẫn đến tính không ổn định của các trường đại học tư thục. Các trường có quyền tự trị nhưng chỉ bởi những người nằm trong thành phần cổ đông và hội đồng quản trị, đồng thời chịu ảnh hưởng rất lớn của thị trường tuyển sinh và sử dụng lao động.
Về phía nhà nước, cũng chưa có những chỉ tiêu cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển đại học tư thục. Theo Thái Vân Hà, khuôn khổ pháp lý cho các trường đại học đều hướng đến mục tiêu còn chung chung như khuyến khích xã hội hóa đầu tư giáo dục, tăng tỷ lệ trường ngoài công lập, tiến tới bình đẳng về quyền được nhận hỗ trợ của Nhà nước đối với người học ở trường công và tư... [25]. Tuy nhiên, các chủ trương chưa được cụ thể hóa thành các chỉ tiêu để có cơ sở cho hành động cụ thể từ đất đai, nguồn lực đến thuế suất, viện trợ...
Về bình đẳng giữa các trường đại học công lập và trường đại học tư thục, đó là câu chuyện muôn thuở. Nếu như bất bình đẳng ở văn hóa định kiến của thí sinh, phụ huynh, người sử dụng lao động… thì chấp nhận như đó là một nguyên nhân khách quan. Nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất bình đẳng chủ quan từ trong các chính sách, pháp luật và áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước. Các trường đại học công và tư đều làm nhiệm vụ như nhau, nhưng trường đại học công lập được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí cho các nhiệm vụ chi thường xuyên; trong khi đó, trường đại học tư thục không những không được quyền lợi như đại học công lập mà còn thường xuyên chịu sự phân biệt đối xử từ các quyết định hành chính, hợp tác truyền thông, công tác Đoàn - Hội, quan hệ với các hội nghề nghiệp, cơ quan báo chí…
Về tài sản và nguồn vốn, thực tiễn chính sách và thực hiện pháp luật còn nhiều bất lợi cho các trường đại học tư thục. Việc đầu tư vào đại học tư thục rất đa dạng theo nhiều hình thức huy động vốn khác nhau, nhưng pháp luật thực định lại không đáp ứng được thực tiễn sống động như thế. Ví dụ như:
(i) Với Luật GDĐH 2012, tinh thần “công ty cổ phần” bao trùm toàn bộ nội dung luật này trong quản trị trường đại học tư thục. Thực tế một số trường đại học tư thục có chủ thể góp vốn chỉ là một công ty hay một cá nhân tương tự công ty TNHH một thành viên, một số khác được đầu tư bởi một số thành viên góp vốn trên cơ sở hợp tác cùng đầu tư tương tự công ty THHH hai thành viên trở lên, nhưng các trường này đều phải bám theo mô hình CTCP để quản trị đại học tư thục như luật định. Điều này khiến chủ đầu tư phải “biến hóa” để nắm giữ quyền quản trị, từ đó dẫn đến đến nhiều hệ lụy phức tạp.
(ii) Với GDĐH 2018 thì lại ngược lại. Có thể do yếu tố lịch sử của pháp luật giáo dục đại học mà thực tiễn hiện nay có rất nhiều trường đại học tư thục đã đầu tư và đang quản trị theo mô hình công ty cổ phần một cách thực chất, từ đại hội đồng cổ đông cho đến hội đồng quản trị, từ cổ phần cho đến cổ tức. Vậy mà đến Luật GDĐH 2018 lại quy định rằng “quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học phải quy định cụ thể về … việc lựa chọn áp dụng quy định của pháp luật liên quan về công ty TNHH … để giải quyết những vấn đề trong cơ sở giáo dục đại học mà Luật GDĐH chưa quy định”. Đây là một quy định đảo chiều rất khó hiểu so với Luật GDĐH 2012. Tại sao cứ phải là “pháp luật liên quan về công ty TNHH” trong khi thực tiễn đầu tư và quản trị trường đại học tư thục đã, đang, và sẽ phải được quyền sử dụng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với thực tế của riêng mình.
Về khả năng tiếp cận vốn, một trường đại học tư thục dù là vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận thì bản chất của một trường đại học hoạt động giáo dục không thể giống và không thể vị lợi hoàn toàn như một doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề khác. Vì thế khoản tín dụng nào ưu đãi là hợp lý và cần thiết, thế nhưng thực tế Nhà nước chưa có một khoản nào như thế cho các trường đại học tư thục. Thay vào đó, trường đại học tư thục phải huy động vốn theo thỏa thuận cao hơn “lãi
suất trái phiếu chính phủ” và hạch toán lãi suất vào chi phí, thêm gánh nặng cho trường, cho nhà đầu tư, cho học phí của sinh viên, làm giảm tính cạnh tranh của trường đại học tư thục.
Tiểu kết chương 2
Trong chương này, luận văn đã nghiên cứu, phân tích và rút ra một số kết luận về thực trạng pháp luật Việt Nam về quản trị đại học trong các trường đại học tư thục, như: Có nhiều biến đổi trong trong quy định về cơ cấu tổ chức và quản trị đại học đối với trường đại học tư thục theo pháp luật Việt Nam từ trước đến nay; Nhà đầu tư là một cấp quản trị độc lập trong mô hình quản trị đại học đối với các trường đại học tư thục; Mô hình quản trị đại học trong các trường đại học tư thục có sự khác biệt trong các trường hợp trường được sở hữu bởi một hay nhiều nhà đầu tư; Hội đồng trường trong mô hình quản trị trường đại học tư thục có sự tương đồng so với hội đồng quản trị của công ty cổ phần; Về địa vị pháp lý, hiệu trưởng không mặc định là người đại diện theo pháp luật của trường đại học tư thục.
Về điều kiện kinh tế - xã hội và sự tác động đến việc thi hành pháp luật về