2.3.2.1. Hạn chế
- Tỉ lệ lấp đầy CCN cao hơn tỉ lệ chung của toàn tỉnh nhưng vẫn còn các CCN tỉ lệ lấp đầy rất thấp. GTSXCN trong GTSXCN toàn tỉnh chưa cao chiếm 13,22% năm 2019. Nhìn tổng thể các nhóm ngành trong CCN huyện Nhơn Trạch thì ngành dệt may, giày dép chiếm tỷ trọng cao nhất (74,41%) trong cơ cấu giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp huyện Nhơn Trạch. Đây là ngành sử dụng nhiều lao động nhất nhưng mang lại giá trị gia tăng không cao. Các dự án chủ yếu mang tính gia công lắp ráp ở các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như: dệt may, da giày, lắp ráp điện tử...Việc sử dụng nhiều lao động kéo theo nhiều vấn đề phải giải quyết cho lao động nhập cư như: nhà ở, an ninh, tính ổn định của nguồn nhân lực. Số dự án thuộc ngành nghề có mức độ ô nhiễm cao nhiều, đặc biệt là các dự án nhuộm, thuộc da, cơ khí có xi mạ, sản xuất thuốc trừ sâu, hoá chất. Trong số các dự án hoạt động trong CCN còn nhiều dự án có công nghệ lạc hậu, thuộc dạng các cá nhân nhỏ lẻ đầu tư nên công nghệ không mới, hao tốn nhiên liệu và gây ô nhiễm, bên cạnh đó là một số CCN chưa có hệ thống xử lý nước thải nên môi trường trong và ngoài CCN bị ô nhiễm nặng.
- Cơ sở hạ tầng bên trong hàng rào CCN chưa xây dựng đồng bộ nhất là hệ thống xử lý nước thải, CCN chỉ có 4 hệ hống xử lý nước thải tập trung.
- Nhu cầu lao động của các CCN đang thiếu trầm trọng, chất lượng lao động chưa cao, các công trình công cộng phục vụ cho đời sống của người lao
động như chợ, trường học, bệnh viện, công viên, khu văn hóa thể thao...không đáp ứng kịp thời.
- Việc quy hoạch phát triển các CCN chưa thực sự hợp lý, chưa tính tới khả năng đáp ứng về nhân lực và cơ sở hạ tầng bên ngoài hàng rào CCN. Các CCN tập trung quá đông tại địa bàn dẫn tới tình trạng quá tải nhu cầu về lao động, nhà ở và dịch vụ cho người lao động. Việc xây dựng các công trình kỹ thuật ngoài hàng rào tại một số CCN vẫn chưa được thực hiện đồng bộ để kết nối với các hạng mục bên trong các CCN. Các hạng mục ngoài hàng rào CCN như hạ tầng giao thông, thoát nước chưa theo kịp tiến độ xây dựng các công trình bên trong CCN là một bất cập, ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư nhất là các dự án có mô lớn, sử dụng nhiều lao động …
- Mặc dù công tác bảo vệ môi trường và xử lý nước thải đã từng bước được chú trọng, việc đôn đốc các công ty phát triển hạ tầng CCN và DN- CCN trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy chuẩn về xử lý chất thải vẫn chưa được thực hiện triệt để, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng nhiều DN trong CCN vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
- Nhà đầu tư chưa được thông tin đầy đủ về các CCN mà mình sẽ dự kiến đầu tư. Nhiều nhà đầu tư cho rằng đây là khâu yếu kém của chính quyền địa phương trong công tác xúc tiến và mời gọi đầu tư. Hiện nay, thông qua các công ty cơ sở hạ tầng hoặc các hoạt động tư vấn đầu tư, sự lựa chọn CCN để đầu tư của các DN nước ngoài đôi lúc mang tính may rủi hoặc bị lệ thuộc vào ý kiến chủ quan của bên cung cấp thông tin. Điều này dễ gây ngộ nhận cho nhà đầu tư sau khi hoàn thành việc xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động. Một số DN đã bức xúc cho rằng mình đã không được cung cấp thông tin chính xác hoặc Nhà nước không tuân thủ những cam kết trong mời gọi đầu tư…
Trên đây là những cản trở lớn trong tiến trình xúc tiến đầu tư và tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư vào các CCN trên địa bàn huyện Nhơn Trạch. Do đó trong thời gian tới, Nhơn Trạch cần có những định hướng phát triển và các giải pháp cụ thể nhằm phát triển các CCN theo hướng bền vững.
2.3.2.2. Nguyên nhân của hạn chế
- Nguyên nhân khách quan
Huyện Nhơn Trạch đang trong giai đoạn chuyển từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn, từ nền kinh tế hiện vật sang nền kinh tế thị trường. Mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá nhanh, song chất lượng tăng trưởng chưa cao. Sản xuất công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh nhưng chưa thu hút được nhiều ngành có công nghệ cao. Trình độ phát triển giữa các vùng trung tâm và các vùng nông thôn, vùng xa, giữa các thành phần kinh tế còn chưa đồng đều. Cơ sở kết cấu hạ tầng của tỉnh tuy có phát triển so với giai đoạn trước song còn thấp so với nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế của tỉnh chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh cũng như sự biến động kinh tế, chính trị trong khu vực và quốc tế.
Nhơn Trạch có diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng trên 65%, cụm công nghiệp lại chủ yếu quy hoạch trên diện tích đất nông nghiệp đã giao cho nông dân sử dụng canh tác lâu dài. Do đó quá trình thực hiện bồi thường thu hồi đất diễn ra rất phức tạp, tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, không theo kịp nhu cầu thuê đất của các dự án đầu tư.
- Nguyên nhân chủ quan
Chiến lược phát triển cụm công nghiệp chưa được các cấp chính quyền địa phương xây dựng một cách cụ thể, công tác quy hoạch cụm công nghiệp còn đơn giản, thiếu tính định hướng trong phát triển các ngành và sản phẩm mũi nhọn.
Việc phát triển cụm công nghiệp trong thời gian qua ở huyện Nhơn Trạch còn mang nặng tính tự phát, phân bố các cụm công nghiệp chưa hợp lý,
thành lập quá nhiều cụm công nghiệp ở những vùng đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp dẫn đến không khai thác được lợi thế riêng có của từng địa phương, làm mất đi một phần lớn diện tích đất nông nghiệp. Hơn nữa, công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện chưa thống nhất với nhau càng làm cho tính tự phát trong việc ra đời của các cụm công nghiệp.
Mục tiêu cơ bản của các cấp chính quyền, của Ban quản lý dự án các cụm công nghiệp trong thời gian qua là tìm mọi biện pháp để thu hút đầu tư, sớm lấp đầy diện tích các cụm công nghiệp. Các công ty phát triển hạ tầng cụm công nghiệp cũng tìm mọi cách thu hồi vốn nhanh và thu được lợi nhuận cao. Từ đó dẫn đến mất cân đối trong cơ cấu đầu tư vào các ngành, các lĩnh vực trong cụm công nghiệp. Mặt khác, các công ty phát triển hạ tầng cụm công nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp trong nước năng lực về vốn còn rất yếu và còn thiếu kinh nghiệm trong việc vận động thu hút đầu tư nhất là đối với các dự án đầu tư có vốn nước ngoài.
Môi trường đầu tư chưa thực sự thuận lợi, chính sách phát triển cụm công nghiệp chậm đổi mới, thủ tục cấp phép và thủ tục pháp lý còn rườm rà, phiền hà, chi phí đầu tư còn cao, làm giảm lợi nhuận thu được của các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp.
Hệ thống đào tạo nghề của huyện Nhơn Trạch còn nhiều hạn chế chưa hoạt động theo phương thức đào tạo những gì xã hội cần nên chất lượng lao động chưa cao, người lao động chưa có đủ năng lực cần thiết để thực hiện yêu cầu của công việc. Lao động của Nhơn Trạch còn thiếu tác phong công nghiệp, chậm thích nghi với môi trường công nghiệp, kỷ luật lỏng lẻo do thiếu thị trường lao động. Như vậy, nhu cầu lao động thì lớn nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu đó thì thấp cả về số lượng lẫn chất lượng, cơ cấu và trình độ. Đây là lực cản lớn đối với việc phát triển cụm công nghiệp, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Hệ thống hạ tầng xã hội ngoài hàng rào cụm công nghiệp phát triển chậm, chưa theo kịp và chưa phục vụ kịp thời sự phát triển của các cụm công nghiệp tạo ra sự phát triển không đồng bộ, không bền vững của các cụm công nghiệp làm cho nhà ở và các dịch vụ phục vụ cho công nhân lao động thiếu thốn một cách nghiêm trọng.
Công tác quản lý các cụm công nghiệp còn bất hợp lý, chưa đồng bộ. Lĩnh vực quản lý cụm công nghiệp rất rộng nhưng trình độ cán bộ, công chức trong bộ máy quản lý còn hạn chế như thiếu kinh nghiệm quản lý, thiếu thực tiễn. Mô hình bộ máy Ban quản lý cụm công nghiệp chưa được hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển cụm công nghiệp trong thời kỳ mới.
Công tác đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng các CCN còn chưa thực hiện tốt, gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài ở một số nơi, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN và giao đất cho các doanh nghiệp CCN. Công tác bồi thường, giải toả ở các CCN Nhơn Trạch được thực hiện chậm và chưa kiên quyết.
Cơ chế quản lý ”một cửa, tại chỗ” của Ban quản lý CCN được thực hiện triệt để và phát huy có hiệu quả, công tác xúc tiến đầu tư đã được chú trọng thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư tuy nhiên việc mời gọi đầu tư vào các CCN vẫn phụ thuộc nhiều vào các công ty phát triển cơ sở hạ tầng CCN. Nhà nước tuy có tham gia trong việc định hướng và quy hoạch ngành nghề mời gọi đầu tư, tuy nhiên vẫn còn bị động và không thể giám sát toàn bộ hoạt động kinh doanh của các công ty hạ tầng. Thực tế, trong nhiều CCN Nhơn Trạch vẫn tồn tại một số dự án được cấp phép đầu tư vào những lĩnh vực không theo đúng định hướng và quy hoạch CCN lúc ban đầu của các cơ quan quản lý Nhà nước. Hơn nữa, do mục đích chính là lấp đầy diện tích các CCN, các công ty kinh doanh cơ sở hạ tầng đã mời gọi các nhà đầu tư theo xu hướng lấp đầy CCN càng nhiều càng tốt, không phân biệt ngành nghề, loại
hình, đối tượng, quốc gia đầu tư, suất đầu tư trên diện tích đất cho thuê… mà chưa chú ý nhiều đến các yếu tố có liên quan để phục vụ cho sự phát triển bền vững của CCN cũng như nền kinh tế của địa phương.
Chương 3
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN NHƠN TRẠCH, TỈNH ĐỒNG NAI
3.1. Quan điểm, định hướng phát triển CCN trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai
Quan điểm, định hướng phát triển các CCN trên địa bàn huyện Nhơn Trạch dựa vào định hướng phát triển công nghiệp được thể hiện tại Quyết định số 1011/QĐ.CT.UBT ngày 10/4/2001 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 khu tiểu thủ công nghiệp địa phương huyện Nhơn Trạch và Quyết định số 3528/QĐ-CT.UBND tỉnh ngày 10/08/2004 của UBND tỉnh Đồng Nai về “phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/1000 mở rộng cụm tiểu thủ công nghiệp chỉ tiêu lao động 100 – 120 người/ha” phát triển công nghiệp trên huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai thời gian tới như sau:
3.1.1. Quan điểm của huyện Nhơn Trạch
Ngành công nghiệp huyện Nhơn Trạch là một ngành kinh tế chủ lực của địa phương, góp phần làm tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy các ngành nông nghiệp và dịch vụ phát triển. Trên cơ sở quan điểm và mục tiêu phát triển KT-XH của huyện, quan điểm phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch như sau:
- Phát triển công nghiệp huyện Nhơn Trạch thành một ngành kinh tế chủ đạo, phù hợp với quan điểm phát triển tổng thể KT-XH của huyện Nhơn Trạch phù hợp với quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh để phát triển bền vững và chủ động hội nhập.
- Phát triển công nghiệp theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp có hàm lượng chất xám, công nghệ và kỹ thuật cao; các ngành có giá trị gia tăng cao, giảm dần các ngành sử dụng nhiều lao động.
- Phát triển công nghiệp chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, tham gia một cách hiệu quả vào liên kết công nghiệp và hợp tác sản xuất giữa các DN, giữa các ngành.
- Phát triển công nghiệp trên cơ sở phát huy tổng hợp nguồn lực của mọi khu vực kinh tế, trong đó động lực phát triển là khu vực dân doanh và ĐTNN.
- Tập trung chuẩn bị nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp thông qua việc phát triển đa dạng các loại hình đào tạo và trên cơ sở nhu cầu thực tế. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển công nghiệp và chủ động tham gia vào quá trình phân công lao động khu vực và quốc tế.
- Phát triển công nghiệp kết hợp chặt chẽ với phát triển các ngành kinh tế khác, với bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
3.1.2. Mục tiêu phát triển của huyện Nhơn Trạch
Phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn huyện thành một ngành kinh tế chủ lực, trên cơ sở phát huy năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành hàng trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Đẩy mạnh thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm mới, công nghệ cao, hiện đại... góp phần thúc đẩy phát triển Nhơn Trạch trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của tỉnh Đồng Nai và của vùng KTTĐPN.
3.1.3. Định hướng phát triển công nghiệp huyện Nhơn Trạch
Với định hướng phát triển ngành công nghiệp giai đoạn tới quan tâm chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp chủ yếu theo hướng kêu gọi, ưu tiên, khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp mũi nhọn có kỹ thuật cao, các sản phẩm có hàm lượng chất xám, có giá trị gia tăng cao như ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị điện, điện tử, công
nghệ thông tin, viễn thông, sản xuất vật liệu mới... nhằm đưa công nghệ mới vào sản xuất. Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ tăng tỷ lệ nội địa hoá gắn với các ngành sản xuất linh kiện, phụ liệu, sửa chữa, bảo dưỡng... tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ các ngành công nghiệp này để tạo bước chuyển biến mạnh về chất trong phát triển công nghiệp Đồng Nai... Do đó, định hướng phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch như sau:
1.Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp, mở rộng qui mô sản xuất đi đôi với chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ.
2.Ưu tiên phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, hiện đại trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, sinh học, hoá phẩm, vật liệu mới, phát triển công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chủ yếu..., các ngành công nghiệp sử dụng nhiều vốn.
3.Khuyến khích phát triển, đầu tư theo chiều sâu các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, chế biến gỗ... trên cơ sở DN hiện có. Sau 2020, không thu hút các dự án đầu tư mới thuộc các ngành sản xuất dệt nhuộm, giày da, may mặc, chế biến gỗ, hoá chất có nguy cơ gây ô nhiễm cao (hoá chất cơ bản: A xít, xút...) vào các CCN trên địa bàn huyện (trừ những khu đã được xác định là CCN chuyên ngành dệt may và giày dép). Hạn chế các dự án sử dụng nhiều lao động thuộc các ngành nghề khác.
4.Trên cơ sở định hướng chung về phát triển công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch, định hướng ưu tiên tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện từ nay đến 2020 như sau:: cơ khí, điện – điện tử, hoá chất, dệt, may và giày dép.
Trên cơ sở mục tiêu phát triển các CCN, định hướng quy hoạch các