7. Kết cấu của luận văn
3.1. Phương hướng nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu
biểu Quốc hội trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng
Nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta là bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là định hướng chính trị để xây dựng cơ sở pháp lý đầy đủ (Hiến pháp, Luật, văn bản QPPL...), chặt chẻ, nhằm điều chỉnh toàn diện các hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo, là cơ sở để triển khai thực hiện tốt nguyên lý “Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” [12, tr.45]
Sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện thông qua việc tạo điều kiện cho Đoàn đại biểu Quốc hội và các thành viên Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Vì, thực chất hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn đại biểu Quốc hội là dán tiếp giám sát việc thực thi đường lối, chủ trương của Đảng đối với lĩnh vực này. Như vậy, giải quyết đúng đắn mối quan hệ Đảng lãnh đạo trong điều kiện nhà nước pháp quyền là yếu tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát nói chung và hoạt động giám sát trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng của Đoàn
đại biểu Quốc hội trong giai đoạn hiện nay.
- Nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo
Những năm gần đây, hoạt động giám sát việc giải quyết KNTC của Đoàn ĐBQH được chú trọng tăng cường, nhiều vụ việc khiếu nại kéo dài, đông người, có lúc tạo điểm nóng ở địa phương đã được giải quyết dứt điểm, thấu tình, đạt lý nhờ thông qua kiến nghị từ kết quả giám sát của Đoàn ĐBQH. Tuy nhiên, việc thực thi chức năng giám sát của Đoàn ĐBQH trong lĩnh vực giải quyết KNTC của Đoàn ĐBQH còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân và cử tri. Vấn đề này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nhận thức của đối tượng chịu sự giám sát chưa đầy đủ, chưa đúng tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013 "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp" [28, tr. 9]. Đối tượng chịu sự giám sát luôn cho rằng: "giám sát" là một hoạt động nhằm "vạch lá, tìm sâu", "Bới lông, tìm vết", luôn gây cản trở, gây khó khăn, bất lợi trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của đối tượng chịu sự giám sát, chứ không phải việc "giám sát" nhằm sớm phát hiện những thiếu sót, sai phạm để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách lỗi thời, không phù hợp thực tế; những VBQPPL chồng chéo, vướng mắc trong triển khai, áp dụng hoặc ban hành mới các VBQPPL để điều chỉnh các QHXH phát sinh nhưng chưa có QPPL điều chỉnh…nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan đến hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo tại địa phương.
Thực trạng hiện nay, đại đa số chủ thể liên quan đến hoạt động giám sát việc giải quyết KNTC tại địa phương, như: lãnh đạo Đoàn ĐBQH, ĐBQH
trong Đoàn, thành viên mời tham gia Đoàn giám sát…Và kể cả đối tượng chịu sự giám sát đều có nhận thức chung là "dĩ hòa vi quý", xuê xoa, dể dãi với nhau trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát việc giải quyết KNTC, do vậy nên nhiều cuộc giám sát còn mang nặng tính hình thức, hiệu quả giám sát chưa cao, còn nhiều hạn chế; kiến nghị sau giám sát còn chung chung, chưa xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức và hậu quả pháp lý đối với các hành vi sai phạm.
Do đó, việc đổi mới nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, tầm quan trọng của hoạt động giám sát trong lĩnh vực giải quyết KNTC của Đoàn ĐBQH là rất cần thiết, trước hết là từ phía Đại biểu Quốc hội, khắc phục tính nể nang, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”, không muốn ảnh hưởng đến mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực thi nhiệm vụ giám sát hoặc trong quá trình xây dựng kế hoạch, chương trình công tác của Đoàn ĐBQH. Bên cạnh đó, đối tượng chịu sự giám sát cần nhận thức đầy đủ là thông qua giám sát sẽ giúp cho mình phát hiện những sai sót, vi phạm để khắc phục; đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ các QPPL chồng chéo, bất cập, lỗi thời, không còn phù hợp với thực tiễn hoặc ban hành các chính sách mới phù hợp, tiến bộ hơn hoặc xây dựng các VBQPPL điều chỉnh các QHXH mới phát sinh trong thực tế nhưng chưa có QPPL điều chỉnh, góp phần thuận lợi cho đối tượng chịu sự giám sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo luật định, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
- Nâng cao năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo và bảo đảm các nguồn lực cho hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội
+ Kiến thức, kỹ năng giám sát của ĐBQH trong lĩnh vực giải quyết KNTC có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt
động giám sát của Đoàn ĐBQH trong lĩnh vực giải quyết KNTC.
Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giám sát của đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giải quyết KNTC, như: kỹ năng phát hiện và nêu vấn đề trong quá trình giám sát; kỹ năng xem xét, xác minh; kỹ năng diễn thuyết, thảo luận và tranh luận; kỹ năng thu thập và xử lý thông tin, tham khảo ý kiến chuyên gia; kỹ năng tạo sự đồng thuận từ ĐBQH, thành viên tham gia Đoàn giám sát và sự hỗ trợ của cơ quan thông tấn, báo chí... Bên cạnh đó, chú trọng bồi dưỡng công tác đại biểu dân cử nói chung, kiến thức pháp luật nói riêng, đặc biệt là pháp luật về chức năng, nhiệm vụ của chủ thể giám sát việc giải quyết KNTC; những quy định của pháp luật về giải quyết KNTC; quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng chịu sự giám sát được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Luật tiếp công dân năm 2013; Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Luật khiếu nại năm 2011; Luật Tố cáo năm 2011...Và các văn bản hướng dẫn thi hành.
+ Đảm bảo các nguồn lực cho hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Để nâng cao năng lực hoạt động giám sát việc giải quyết KNTC của ĐBQH, đảm bảo chất lượng giám sát của Đoàn ĐBQH thì việc đảm bảo các điều kiện về tổ chức, bộ máy tham mưu, giúp việc, điều kiện tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến nội dung KNTC mà Đoàn ĐBQH sẽ tiến hành giám sát là rất cần thiết, do đó cần quan tâm một số nội dung sau đây:
Một là, đảm bảo điều kiện về thông tin, tài liệu chính xác, kịp thời, nhất là những tài liệu liên quan đến giải quyết KNTC đông người, "nhạy cảm". Vì vậy, cần phải có sự đổi mới, cải cách mạnh mẽ về cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin cho ĐBQH, nhất là các nguồn thông tin đã được xử lý và
đảm bảo độ tin cậy, cơ quan cung cấp thông tin phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác.
Hai là, đảm bảo điều kiện về bộ máy tham mưu, giúp việc. Trong điều kiện đa số ĐBQH hoạt động không chuyên trách như hiện nay, ở mỗi Đoàn ĐBQH chỉ có một ĐBQH hoạt động chuyên trách thì bộ máy giúp việc và các chuyên gia tư vấn cho hoạt động của Đoàn ĐBQH, ĐBQH trong Đoàn không chỉ san sẻ gánh nặng chuyên môn, mà còn tiết kiệm rất nhiều thời gian cho ĐBQH, song vẫn đảm bảo nhận định đúng đắn, quyết định chính xác các vấn đề mà ĐBQH, Đoàn ĐBQH quan tâm. Do đó, cần có cơ chế hợp lý để sử dụng có hiệu quả đội ngũ chuyên gia, bộ máy giúp việc. Trước mắt, cần bố trí cho mỗi ĐBQH một chuyên viên tham mưu, giúp việc về chuyên môn, phục vụ các hoạt động đại biểu. Chú trọng nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nhất là về trình độ pháp luật cho đội ngũ tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH.
Ba là, đảm bảo điều kiện đủ về tài chính. Quốc hội phải bảo đảm chế độ định mức kinh phí phục vụ hoạt động giám sát, trong đó có giám sát việc giải quyết KNTC của Đoàn ĐBQH, chú trọng định mức, phân bổ kinh phí để ĐBQH thuê chuyên gia phục vụ cho công tác giám sát, phù hợp với chế độ định mức chung trong nguồn kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH hàng năm; về lâu dài phải có cơ chế tài chính đặc thù (Quốc hội đảm bảo) cho hoạt động của Đoàn ĐBQH, ĐBQH tại địa phương.