1.2.7.1. Nghĩa vụ cung cấp thông tin
Cung cấp thông tin trong giao kết hợp đồng vô cùng quan trọng, việc này giúp các bên hiểu đầy đủ, chính xác các vần đề liên quan đến quan hệ mà họ chuẩn bị giao kết. Thông tin có được sẽ giúp các chủ thể trong quan hệ hợp đồng cân nhắc xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận
giao kết. Trong quan hệ lao động cũng vậy, NSDLĐ cũng như NLĐ, họ đều có nhu cầu nắm bắt thông tin đúng, đủ về hợp đồng mà họ chuẩn bị giao kết.
Pháp luật lao động cũng đã quy định rõ về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các chủ thể như sau:
- Đối với NSDLĐ, phải cung cấp thông tin cho NLĐ về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà NLĐ yêu cầu (Khoản 1 Điều 19 BLLĐ 2012) [16, Điều 19].
- Đối với NLĐ phải cung cấp thông tin cho NSDLĐ về họ tên, tuổi, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, tình trạng sức khoẻ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà NSDLĐ yêu cầu (Khoản 2 Điều 19 BLLĐ 2012) [16, Điều 19].
1.2.7.2. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động
Pháp luật lao động quy định trước khi NSDLĐ nhận NLĐ vào làm việc, các bên phải thực hiện giao kết hợp đồng lao động.
Trong trường hợp NLĐ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của NLĐ, việc giao kết hợp đồng lao động được thực hiện theo hai phương thức trực tiếp và thông qua ủy quyền. Do tính chất đặc thù của hợp đồng lao động là phức tạp và lâu dài, nên hầu hết việc giao kết hợp đồng lao động phải bằng phương thức giao kết trực tiếp, chỉ giao kết thông qua ủy quyền đối với những công việc có thời hạn dưới 12 tháng [16, Điều 18].
1.2.7.3. Các quyền và nghĩa vụ khác
luật lao động đã quy định NSDLĐ không được thực hiện các hành vi: Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động (Điều 20 BLLĐ 2012) [16, Điều 20]. Bên cạnh đó, pháp luật còn cho phép NLĐ được quyền giao kết hợp đồng lao động với nhiều NSDLĐ, chỉ cần đảm bảo thực hiện được đầy đủ các nội dung đã giao kết với NSDLĐ (Điều 21 BLLĐ 2012) [16, Điều 21].
Với quy định NSDLĐ không được giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ, mục đích là để cho NLĐ được quyền tự do làm việc cho nhiều NSDLĐ khác nhau. Ngoài ra, quy định cấm NSDLĐ yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động là một cách thiết thực nhằm bảo vệ NLĐ tham gia quan hệ lao động mà không bị giới hạn bởi điều kiện kinh tế của họ.
Kết luận chương 1
Với sự đổi mới của pháp luật lao động hiện hành, là tiền đề vững chắc về cơ sở lý luận để ứng dụng vào thực tiễn trong mối quan hệ lao động của các chủ thể tham gia giao kết. Cơ sở pháp lý vững chắc là vấn đề then chốt tạo ra hiệu ứng tiến bộ và tích cực, thúc đẩy sự vận động, phát triển không ngừng của thị trường lao động nhằm đáp ứng nhu cầu nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, đặc biệt là ngành y tế.
Bên cạnh đó, với cơ sở pháp lý vững chắc là công cụ bảo vệ chính đáng quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, NSDLĐ và của Nhà nước. Nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật trong quan hệ lao động sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ lao động hài hoà, hợp tác và ổn định.
Chương 2
THỰC TIỄN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TẠI BỆNH VIỆN QUẬN 2, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2.1. Một số yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện quy định pháp luật về giao kết hợp đồng lao động tại Bệnh viện Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh