hình sự về biện pháp tạm giữ người dưới 18 tuổi
Trong việc áp dụng quy định của pháp luật tố tụng hình sự về biện pháp
tạm giữ đối với người dưới 18 tuổi BLTTHS năm 2015 có nhiều sửa đổi, bổ
sung đáp ứng yêu cầu mới của tình hình cũng như đảm bảo áp dụng phù hợp với hành vi phạm tội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được việc áp dụng biện pháp tạm giữ người dưới 18 tuổi phạm tội còn một số hạn chế, bất cập như sau:
Thứ nhất, vẫn còn tình trạng áp dụng biện pháp tạm giữ không đúng quy
định của pháp luật
Theo quy định của pháp luật hiện hành, không phải cứ bị bắt trong các trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã đều tiến hành tạm giữ. Mặt khác, riêng đối với người dưới 18 tuổi pháp luật cũng quy định rõ tại Điều 419 BLTTHS năm 2015, Điều 12 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT, việc áp dụng biện pháp tạm giữ đối với người dưới 18 tuổi chỉ được xem xét áp dụng là lựa chọn sau cùng, khi đã áp dụng biện pháp giám sát và các biện pháp ngăn chặn khác không hiệu quả. Đồng thời, còn phải xem xét các căn cứ khác phụ thuộc vào từng nhóm tuổi của người dưới 18 tuổi là từ đủ 14 tuổi đến
dưới 16 tuổi hay từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan có thẩm quyền vẫn lạm dụng việc tạm giữ người trong một số trường hợp như: người phạm tội thực hiện tội phạm bị bắt khẩn cấp hoặc bắt quả tang nhưng họ không có dấu hiệu bỏ trốn, không cản trở hoạt động điều tra, có nơi cư trú rõ ràng, tình tiết phạm tội đơn giản, hành vi phạm tội ít nghiêm trọng, thiệt hại không lớn có thể chỉ bị xử phạt hành chính, căn cứ xác định tội phạm đã đầy đủ. Có thể nêu một ví dụ điển hình sau:
Ngày 05/02/2017, Hoàng Anh Tài lợi dụng lúc gia đình bà Hoàng Thị Xuân đi vắng, lẻn vào nhà trộm cắp tài sản tổng giá trị 3.520.000 đồng (gồm 01 điện thoại sam sung đã qua sử dụng, 2.500.000 đồng tiền Việt Nam). Cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm giữ đối với Tài và khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi trộm cắp tài sản. Theo kết luận giám định thì khi phạm tội Tài có độ tuổi từ 16 tuổi 01 tháng đến 16 tuổi 07 tháng.
Trong vụ án trên Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ đối với Tài là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Bởi vì, theo quy định tại khoản 3 Điều 419 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thể bị tạm giữ về tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các Điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này. Trường hợp này theo Điều 173 BLHS năm 2015 thì mức truy cứu trách nhiệm hình sự cao nhất là 03 năm tù (thuộc trường hợp tội phạm ít nghiêm trọng).
Thứ hai, việc tạm giữ hình sự nhưng sau đó phải trả tự do vì không có
căn cứ chứng minh tội phạm hoặc phải chuyển xử lý hành chính vẫn còn xảy ra
Trên thực tế việc xác định cụ thể, rõ ràng nên áp dụng tạm giữ theo thủ tục hành chính với áp dụng tạm giữ theo thủ tục TTHS trong một số trường hợp ở một số vụ án vẫn còn là một vấn đề bất cập, đòi hỏi phải xem xét cụ
thể, cũng như áp dụng các biện pháp nhằm thu thập tài liệu, xác minh, đánh giá chứng cứ và vận dụng pháp luật một cách đúng đắn. Vì vậy, trong quá trình áp dụng tạm giữ hành chính và tạm giữ tố tụng hình sự còn lẫn lộn, thậm chí có một số trường hợp còn có biểu hiện hình sự hóa vi phạm hành chính từ khâu giữ, bắt, tạm giữ. Điều đó được thể hiện trong vụ án cụ thể sau:
Ngày 10/04/2017 nhóm 03 người gồm: Tý, Hùng, Quốc uống bia tại quán Cây Sung nằm trên đường Trường Chinh, thuộc phường 12, quận Tân Bình. Sau khi uống đến 23 giờ cả 3 rủ nhau đi uống tiếp. Tuy nhiên, khi đang trên đường đi tiếp thì Tý chở Hùng có va chạm với xe của Trần Quốc Thảo, sau đó hai bên xảy ra xô xát đánh nhau gây thương tích. Cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành lập biên bản, đưa về trụ sở làm việc và ra quyết định tạm giữ.
Với vụ việc trên rất khó để xác định ngay là áp dụng tạm giữ theo thủ tục hành chính hay tạm giữ theo thủ tục TTHS, bởi vì với tình tiết trên chưa xác định được mức độ thương tật là bao nhiêu phần trăm và có đủ căn cứ để khởi tố hình sự không? Do đó, trong quá trình áp dụng các biện pháp tạm giữ, người tiến hành tố tụng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ chính việc quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể các căn cứ áp dụng. Đây cũng là rào cản ảnh hưởng không nhỏ đối với các cơ quan tiến hành tố tụng ngay từ khi tiếp nhận vụ việc nhằm xác định cần áp dụng biện pháp tạm giữ nào cho phù hợp đối với người vi phạm.