NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Pháp luật về bảo đảm việc làm cho người khuyết tật là những quy định pháp lý được xây dựng nhằm loại bỏ những bất công mà người khuyết tật đang phải gánh chịu, xóa bỏ các cơ chế khiến người khuyết tật bị tách biệt ra ngoài xã hội, đồng thời tăng cường cơ hội việc làm bình đẳng cho họ trong thị trường lao động. Nội dung bảo đảm quyền làm việc cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật.
Tại khoản 1 Điều 176 Bộ luật Lao động năm 2012, sửa đổi năm 2019 khẳng định:
Nhà nước bảo trợ quyền lao động, tự tạo việc làm của lao động là người khuyết tật, có chính sách khuyến khích và ưu đãi người sử dụng lao động tạo việc làm và nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc, theo quy định của Luật Người khuyết tật [39], [40].
Cụ thể: (1) Nhà nước tạo điều kiện để người khuyết tật phục hồi chức năng lao động, được tư vấn việc làm miễn phí, có việc làm và làm việc phù hợp với sức khỏe và đặc điểm của người khuyết tật; (2) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật; (3) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật tùy theo điều kiện cụ thể bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; (4) Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật; (5) Tổ chức giới thiệu việc làm có trách nhiệm tư vấn học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật; (6) Người khuyết tật tự tạo việc làm
hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo quy định của Chính phủ; (7) Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được hưởng chính sách ưu đãi.
Thứ hai, bảo đảm chính sách học nghề, dạy nghề cho người khuyết tật
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động là người khuyết tật. Chính sách đào tạo nghề cho người khuyết tật đã được xã hội hóa, huy động sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức của người khuyết tật.
Luật Dạy nghề năm 2006 đã dành toàn bộ Chương VII quy định dạy nghề cho người khuyết tật, với mục tiêu giúp đối tượng có năng lực thực hành nghề phù hợp với khả năng lao động của mình để tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm, ổn định đời sống. Đồng thời, Nhà nước cũng khẳng định, hỗ trợ về tài chính và các chính sách ưu đãi khác đối với các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật nhằm khuyến khích công tác dạy nghề cho người khuyết tật.
Luật Người khuyết tật năm 2010 và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật đã có những quy định chi tiết về dạy nghề và việc làm đối với người khuyết tật. Theo đó: Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác; người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Đa số người khuyết tật sống nhờ vào sự trợ giúp của gia đình, xã hội và cộng đồng nên họ thường gặp khó khăn về tài chính, việc tham gia học nghề là vấn đề khó khăn và đôi khi không thể thực hiện được do còn định kiến nên nhiều gia đình không cho con em mình là người khuyết tật đi học nghề, được tiếp xúc với cộng đồng. Chính vì vậy, Nhà nước phải có những chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ cho người khuyết tật học nghề. Cụ thể, Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật
được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác (quy định tại Điều 32 Luật Người khuyết tật 2010); người khuyết tật tham gia học nghề được hưởng học bổng và trợ cấp xã hội, chế độ cử tuyển, chính sách tín dụng giáo dục, chính sách miễn, giảm phí dịch vụ công cộng cho học sinh, sinh viên theo quy định của Luật Giáo dục; người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, được miễn, giảm học phí, đặc biệt người khuyết tật thuộc hộ nghèo còn được miễn học phí, được cấp học bổng và hỗ trợ ăn ở đi lại theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nhà nước ta cũng có những chính sách cụ thể đối với giáo viên dạy nghề cho cho người khuyết tật. Giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật ngoài các quyền lợi chung đối với giáo viên dạy nghề còn được hưởng phụ cấp đặc thù cho việc giảng dạy người khuyết tật. Tùy thuộc vào việc dạy nghề ở các lớp dành riêng cho người khuyết tật hay ở các lớp hoà nhập người khuyết tật mà giáo viên được hưởng chế độ ưu đãi khác nhau. Đối với giáo viên chuyên trách dạy nghề trong các cơ sở dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật và giáo viên chuyên trách dạy nghề cho các lớp dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật, được hưởng mức phụ cấp bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Giáo viên tham gia dạy nghề cho người tàn tật, người khuyết tật ở các cơ sở dạy nghề, lớp dạy nghề dành riêng cho người tàn tật, người khuyết tật được hưởng mức phụ cấp 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Mức phụ cấp được tính theo số giờ thực tế giảng dạy. Giáo viên chuyên trách dạy nghề ở các lớp hoà nhập cho người khuyết tật được hưởng mức phụ cấp đặc thù 35% đến 65% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) tùy thuộc vào số lượng sinh viên là người khuyết tật.
Thứ ba, bảo đảm về cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, yêu cầu tuyển dụng và bảo đảm chế độ ưu đãi cho cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật
Trình độ nghề và kỹ năng nghề là những điều kiện có ý nghĩa tiên quyết để người lao động nói chung, người khuyết tật nói riêng có được việc làm cũng như việc làm ổn định. Có được trình độ nghề, người khuyết tật có thể tự tạo việc làm cho mình hoặc tham gia vào quan hệ lao động, thậm chí còn có thể thành lập doanh nghiệp để tạo việc làm cho những người khuyết tật khác. Chính vì vậy, dạy nghề đối với người khuyết tật là vấn đề hết sức cần thiết.
Theo quy định của Luật dạy nghề năm 2006, cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật ngoài những điều kiện của cơ sở dạy nghề nói chung, còn phải đảm bảo các điều kiện sau: cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề; giáo trình, phương pháp và thời gian dạy nghề phù hợp với người khuyết tật; giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy cho người khuyết tật; các công trình xây dựng phục vụ cho người khuyết tật học nghề phải đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ xây dựng.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, các cơ sở dạy nghề phải đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất. Bởi vậy, Nhà nước có chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở dạy nghề tuyển người khuyết tật vào học, khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật như: Nhà nước hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, được giao đất không thu tiền hoặc thuê đất ở nơi thuận lợi cho việc học nghề của người khuyết tật. Điều này đã khuyến khích các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật được thành lập đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở này duy trì hoạt động trong quá trình thực hiện việc đào tạo nghề cho người khuyết tật.
Ngoài ra Nhà nước quy định các cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lí nhà nước về dạy nghề [37].
- Yêu cầu tuyển dụng và bảo đảm chế độ ưu đãi cho cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người khuyết tật.
Luật Người khuyết tật 2010 quy định: Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không được từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng
vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật. Việc sử dụng lao động là người khuyết tật phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về lao động đối với lao động là người khuyết tật phải tùy theo điều kiện cụ thể để bố trí sắp xếp công việc, bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật [38].
Bên cạnh đó, Doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi sử dụng lao động là người khuyết tật, cụ thể:
Đối với người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật sẽ được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh, được hướng dẫn về sản xuất, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm theo những ưu đãi trên được quy định tại Điều 33 Luật Người khuyết tật 2010.
Chính sách thuế: Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi 2013 thì doanh nghiệp sử dụng từ 30% số lao động bình quân trong năm là người khuyết tật và có số lao động bình quân trong năm từ 20 người trở lên thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản) [42].
Hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức hỗ trợ theo tỷ lệ người khuyết tật làm việc ổn định tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô của cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;
Vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện vay, thời hạn vay, mức vốn vay và mức lãi suất vay thực hiện theo quy định hiện hành áp dụng đối với dự án vay vốn giải quyết việc làm;
Ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật; Miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên. Giảm 50% tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% đến dưới 70% lao động là người khuyết tật.
Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp sử dụng từ 10 người khuyết tật trở lên làm việc ổn định được hưởng chính sách về cải tạo điều kiện, môi trường làm việc…
Nhìn chung, Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật đều được hưởng những chính sách ưu đãi trên. Các doanh nghiệp khi sử dụng lao động là người khuyết tật vừa được hưởng ưu đãi vừa nhận được sự ủng hộ của xã hội bởi đã góp phần giúp người khuyết tật được hòa nhập với cộng đồng.
Thứ tư, bảo đảm quỹ việc làm cho người khuyết tật.
Với mục đích giúp đỡ người khuyết tật học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho người khuyết tật; hỗ trợ các doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế nhận người khuyết tật vào học nghề và làm việc đạt tỷ lệ cao thì quy định về thành lập và sử dụng quỹ việc làm cho người khuyết tật là một vấn đề quan trọng và cần thiết.
Tại Điều 10 Luật Người khuyết tật năm 2010, quy định về Quỹ trợ giúp người khuyết tật. Theo đó, quỹ này là quỹ xã hội từ thiện nhằm huy động nguồn lực trợ giúp người khuyết tật và quỹ này được hình thành từ các nguồn như: Đóng góp tự nguyện, tài trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; Các khoản thu hợp pháp khác. Ngoài ra, tại Điều 8. “Khuyến khích người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật: (1). Người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được hưởng chính sách sau đây: a) Vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo các quy định hiện hành áp dụng đối với các dự án vay vốn giải quyết việc làm; b) Hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. (2). Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm do người khuyết tật làm ra” [9].
Tiểu kết chương 1
Với tư cách là một thành viên của cộng đồng nhân loại, dưới góc độ quyền con người, người khuyết tật có tất cả các quyền cơ bản của con người trong đó có quyền làm việc.
Trong chương 1, luận văn đã phân tích làm sáng tỏ cơ sở lý luận và thực tiễn về bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật: Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa và nội dung bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật theo pháp luật quốc tế và tuyên bố Asean về quyền làm việc của người khuyết tật và pháp luật cơ chế pháp lý về quyền làm việc của người khuyết tật Việt Nam;
Cơ sở lý luận và thực tiễn đã chỉ ra rằng, cơ chế pháp lý trách nhiệm bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật, trước hết thuộc về Nhà nước ban hành pháp lý, tạo điều kiện thông qua chính sách, để khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức trong đó tổ chức Hội của người khuyết tật và bản thân người khuyết tật.
Chương 2