NGUYÊN NHÂN HẠN CHẾ BẢO ĐẢM QUYỀN LÀM VIỆC CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 54 - 60)

NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH HIỆN NAY

2.3.1. Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, rào cản lớn nhất hiện nay là xã hội, gia đình có người khuyết tật vẫn nhìn người khuyết tật bằng con mắt thương hại, đối xử với người khuyết tật theo quan điểm từ thiện, nhân đạo chứ chưa theo cách tiếp cận tích cực là bảo đảm quyền cơ bản của họ; nhìn người khuyết tật với con mắt thiếu tin tưởng và cho rằng họ học nghề không để làm gì. Do đó phần lớn gia đình người khuyết tật không muốn cho con đi học nghề, tìm việc làm, đây là một nguyên nhân chủ yếu gây khó khăn cho

công tác tuyển sinh dạy nghề cho người khuyết tật, có những lớp dạy nghề được mở nhưng không có người đăng ký tham gia nên phải đình mở hoặc hủy.

Thứ hai, việc đi lại, giao tiếp của người khuyết tật còn khó khăn; trình độ học vấn thấp, thậm chí không biết chữ nên tự ti, mặc cảm và rất ngại tham gia các lớp học nghề, vì vậy họ không có kỹ năng, chuyên môn đáp ứng công việc đang tuyển dụng. Do đó, ít có cơ hội tìm được việc làm có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng nơi đào tạo nghề, nơi làm việc chưa phù hợp với người khuyết tật, đặc biệt là dạng khuyết tật vận động như không có đường cho xe lăn di chuyển, nhiều bậc tam cấp, nhà vệ sinh không tiếp cận được; không sắp xếp chỗ ăn, ở và học, đi làm không có phương tiện di chuyển và do hạn chế sức khỏe dẫn đến hạn chế cơ hội tham gia học nghề, không có nghề nên khó tìm việc làm.

2.3.2. Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Người khuyết tật của Bộ, ngành liên quan chậm đã ảnh hưởng đến việc triển khai. Một số quy định mang tính nguyên tắc trong Luật nên số lượng văn bản cần được hướng dẫn chi tiết khá lớn, cần có thời gian để nghiên cứu, ban hành. Chưa có cơ chế phù hợp ở cấp quốc gia để thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án liên quan đến người khuyết tật.

Thứ hai, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc chưa thực sự hiệu quả nên nhiều doanh nghiệp không muốn tuyển dụng người khuyết tật.

Chính sách pháp luật bảo đảm quyền lao động và việc làm của người khuyết tật vẫn còn những điểm chưa thực sự hợp lý. Chẳng hạn, đơn vị sử dụng ổn định từ 10 lao động là người khuyết tật trở lên được hỗ trợ, còn đơn vị sử dụng lao động là người khuyết tật làm việc ổn định dưới con số đó lại không được hưởng bất kỳ sự ưu đãi nào. Khoảng cách giữa 10 lao động là người khuyết tật và 30% tổng số lao động là người khuyết tật quá xa trong một số trường hợp. Có doanh nghiệp sử dụng

số lượng lớn lao động là người khuyết tật nhưng chưa đạt tỷ lệ 30% không được hưởng chính sách ưu đãi, trong khi đó có doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật ít hơn nhưng do tổng số lao động trong doanh nghiệp ít nên vẫn chiếm tỷ lệ 30% thì lại được hưởng chính sách ưu đãi. Điều này sẽ thiếu công bằng đối với các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị và không khuyến khích được người sử dụng lao động trong việc sử dụng lao động là người khuyết tật. Một số quy định mang tính hỗ trợ, ưu đãi đối với người khuyết tật có thể gây phản tác dụng, tạo nên rào cản đối với chính người khuyết tật. Những quy định riêng biệt đối với lao động là người khuyết tật làm cho người sử dụng lao động có xu hướng tâm lý né tránh sử dụng lao động là người khuyết tật ...

Như vậy, nếu so sánh các quy định trước đây thì quy định mới nhất tại Luật người khuyết tật năm 2010 về quỹ trợ giúp người khuyết tật vẫn chưa có nét mới khắc phục những khó khăn, bất cập của quỹ giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Việc quy định chung chung đây là nguồn quỹ xã hội từ thiện thì các khoản thu cho quỹ cũng chỉ mang tính chất từ thiện. Quy định sẽ dẫn tới việc các nguồn thu cho quỹ, cũng chỉ trông chờ vào từ thiện; các doanh nghiệp sẽ dựa vào lý do từ thiện để đóng quỹ chứ không dựa vào trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với vấn đề hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động khuyết tật. Chủ trương thành lập quỹ việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa rất lớn đối với người khuyết tật. Vì vậy, các địa phương cần tích cực xúc tiến thành lập quỹ việc làm cho người khuyết tật và ban hành quy chế hoạt động, quản lý quỹ. Đồng thời, thành lập quỹ việc làm cho người khuyết tật ở cấp quốc gia để thống nhất quản lý nhằm phát huy tác dụng tích cực của quỹ trong đào tạo nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với công tác tự tạo việc làm cho người lao động khuyết tật ngay tại địa phương nơi họ sinh sống.

Thứ ba, bảo đảm thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho lao động là người khuyết tật.

Trước đây, Bộ luật Lao động quy định về thời gian làm việc của người khuyết tật không quá 7 giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần với mục đích tạo điều kiện cho

người khuyết tật làm việc trong giới hạn phù hợp với khả năng và sức khoẻ của mình, giúp họ phục hồi sức khoẻ một cách nhanh chóng, có khả năng làm việc lâu dài và đạt năng suất. Sau một thời gian thực hiện, quy định đã thể hiện sự bất cập, đó là tạo ra sự phân biệt giữa lao động khuyết tật và lao động không khuyết tật. Người sử dụng lao động dựa vào quy định này để từ chối nhận người khuyết tật vào làm việc vì họ không đáp ứng được thời gian làm việc như các lao động khác. Tuy nhiên, người khuyết tật lại khẳng định, họ có thể làm tốt công việc như những người lao động không khuyết tật. Chính vì vậy, nhằm đảm bảo phát huy được năng lực của người lao động đồng thời giảm thiểu việc phân biệt đối xử trong việc tuyển dụng của người sử dụng lao động, Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2012 không còn quy định về thời giờ làm việc của người khuyết tật cụ thể như trước để tạo ra môi trường làm việc bình đẳng giữa người khuyết tật và người không khuyết tật, mà chỉ quy định về vấn đề làm đêm và làm thêm giờ tại khoản 1 Điều 178 Bộ luật Lao động 2012: "Cấm sử dụng lao động là người khuyết tật suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm".

Thứ tư, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với lao động là người khuyết tật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 177 Bộ luật Lao động 2012 thì người sử dụng lao động phải bảo đảm về điều kiện lao động, công cụ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lao động là người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khoẻ của họ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 178 Bộ luật Lao động 2012 cấm sử dụng lao động là người khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Như vậy, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm về điều kiện lao động, vệ sinh lao động phù hợp với người khuyết tật và thường xuyên chăm sóc sức khỏe cho họ. Người sử dụng lao động không được vì lợi ích trước mắt của mình để thỏa thuận làm thêm giờ, làm việc ban đêm, hoặc trường hợp chủ sử

dụng lao động lợi dụng người lao động khuyết tật vào làm những công việc nặng nhọc độc hại cho sức khỏe của họ.

Tiểu kết chương 2

Chương 2 của luận văn đã tập trung đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến bảo đảm quyền làm việc cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm: Điều kiện về dân số, kinh tế; tình hình người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Qua khảo sát báo cáo của Sở Lao động thương binh và Xã hội từ năm 2015- 2019 và Trung Tâm Bảo Trợ - Dạy Nghề và Tạo Việc Làm Cho Người Tàn Tật Thành Phố, đánh giá tình hình thực tế cho thấy, cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, điều hành triển khai thực hiện các đề án theo từng giai đoạn về hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật.

Luận văn phân tích, chỉ ra những kết quả, hạn chế và nguyên nhân trong việc bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay làm cơ sở cho việc đề xuất các phương hướng và giải pháp bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới.

Chương 3

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 54 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)