tật từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và sự phối hợp của chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong bảo đảm quyền làm việc cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố. Cấp ủy các cấp cần ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện trợ giúp người khuyết tật hàng năm, đưa chỉ tiêu dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật người khuyết tật đến các tầng lớp nhân dân trong toàn thành phố, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về người khuyết tật; tăng cường sự tham gia của người dân, là người khuyết tật vào các hoạt động của Đề án trợ giúp người khuyết tật, từ việc xác định đối tượng, lập kế hoạch, triển khai thực hiện ở Tổ dân phố, khu vực, ấp, xã, phường, quận/huyện đến quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá trong toàn thành phố.
Thứ ba, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án dạy nghề - tạo việc làm dành riêng cho người khuyết tật chứ không lổng ghép trong tổng thể chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề - tạo việc làm cho lao động nông thôn như hiện nay. Cần gắn kết chính sách việc làm cho người khuyết tật với kế hoạch tổng thể về phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và tập trung phát triển bền vững.
Ngoài ra, thành phố cần có quy định ưu tiên, hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Trên cơ sở danh mục nghề đào tạo cho người khuyết tật, định mức chi phí đào tạo cho từng nghề, các địa phương cần đa dạng hóa các hình thức dạy nghề cho người khuyết tật như việc hỗ trợ thông qua cơ sở dạy nghề hoặc các tổ chức người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng người khuyết tật.
Thứ tư, đề nghị các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh định mức phân bổ ngân sách cho chi đảm bảo xã hội từ bằng đến cao hơn các lĩnh vực khác.
Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi dành cho người khuyết tật còn đang gặp nhiều bất cập từ cả chính sách lẫn thực thi, do đó, cần có những chính sách hiệu quả giúp người khuyết tật tham gia nhiều hơn vào thị trường vì lợi ích của mỗi người và của toàn xã hội.
Hàng năm, cần đề xuất tăng cấp bổ sung vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm; xem xét bố trí nguồn vốn dành riêng cho vay ưu đãi đối với người khuyết tật và các doanh nghiệp sử dụng lao động là người khuyết tật trong Quỹ quốc gia về việc làm hoặc ngân sách riêng dành cho người khuyết tật vay vốn. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các nguồn lực từ ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay đối với người khuyết tật. Chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh rà soát lại việc thực hiện chính sách này trên phạm vi toàn thành phố để đảm bảo tất cả địa phương đã, đang thực hiện đúng chương trình vay vốn ưu đãi về giải quyết việc làm cho người lao động là người khuyết tật, đối với địa phương chưa thực hiện thì cần có văn bản đôn đốc, nhắc nhở thực hiện. Bên cạnh đó, Cấp ủy, chính quyền thành phố tiếp tục có sự quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách của thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay đối với người khuyết tật trên địa bàn. Ngoài ra, có sự phối hợp chặt chẽ hơn để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép hiệu quả các chương trình với hoạt động tín dụng chính sách.
Quan tâm tăng cường phổ biến chương trình vay vốn ưu đãi dành cho người lao động là người khuyết tật giải quyết việc làm trên phạm vi cả nước thông qua các hoạt động tuyên truyền trên loa, báo, đài, thông tin truyền thông, website, và phát tờ rơi về cho từng hộ gia đình. Ngoài ra, cần liên kết phối hợp với cơ quan hành chính quản lý lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội cấp địa phương để chia sẻ thông tin với tất cả người khuyết tật và gia đình họ về chương trình này.
Thứ năm, thúc đẩy triển khai các mô hình hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận giáo dục, học nghề, tạo việc làm, tiếp cận giao thông, công trình xây dựng, phương tiện thông tin và các mô hình sinh kế, mô hình tự lực...
Tổ chức tốt hoạt động dịch vụ việc làm. Hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm cần chú trọng đến hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động. Tăng cường phối hợp hoạt động giữa các trung tâm giới thiệu việc làm, giữa trung tâm với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động.
Thời gian tới, các trung tâm dịch vụ việc làm cần khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, nhất là nhu cầu sử dụng lao động là người khuyết tật, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch mở sàn giao dịch việc làm dành riêng để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Cùng với đó, cung cấp thông tin tuyển dụng, thị trường lao động cho người khuyết tật và gia đình của họ. Trên cơ sở đó, định hướng để người khuyết tật chọn nghề học, việc làm phù hợp. Các cơ sở dạy nghề sẽ mở rộng và đa dạng các hình thức học nghề một cách linh động phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của người khuyết tật; tổ chức dạy nghề lưu động tại các xã, liên kết đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật.
Tổ chức các hoạt động Ngày hội việc làm lồng ghép cho người khuyết tật. Đó là việc mở những gian hàng tuyển dụng lao động khuyết tật trong những phiên chợ giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các đơn vị, huyện, thành phố tổ chức. Qua hoạt động này, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến người khuyết tật; trong đó có chính sách dạy nghề, tạo việc làm phù hợp với người khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng, năng lực của bản thân; tạo
điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội; tạo điều kiện cho người khuyết tật được tư vấn nghề nghiệp phù hợp và có cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường lao động.
Ngoài ra, ngành chức năng sẽ triển khai chính sách ưu đãi trong hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm cho người khuyết tật. Hàng năm, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ sở dạy nghề công lập trong việc dạy nghề cho người khuyết tật; tăng cường hỗ trợ phương tiện đi lại cho người khuyết tật để họ dễ dàng di chuyển, tiếp cận với các dịch vụ; phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ việc làm (giới thiệu việc làm, hướng nghiệp, học nghề, giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật); tăng định mức hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật để thu hút người khuyết tật vào học nghề; đối với nhóm người khuyết tật không tiếp cận được với trường lớp cần có chương trình đào tạo phù hợp, mô hình sinh kế phù hợp tại gia đình, cộng đồng; tạo cơ cơ chế chính sách thông thoáng về vốn để người khuyết tật và gia đình có thể dễ dàng tiếp cận phát triển kinh tế; các cơ sở y tế liên quan đến chỉnh hình, phục hồi chức năng cần trang bị kỹ thuật, đội ngũ nhân lực thực hiện tốt hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật...
Phổ biến và triển khai các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp khi nhận người khuyết tật vào làm việc như: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn ưu đãi, ưu tiên thuế đất…
Thứ sáu, cần đẩy mạnh việc nâng cao trình độ văn hóa cho người khuyết tật. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tạo cơ hội học nghề của người khuyết tật bị hạn chế, cũng như việc người khuyết tật thường học các nghề đơn giản, trình độ thấp dẫn đến công việc và thu nhập không ổn định là do trình độ văn hóa của người khuyết tật còn thấp, ít người được tham gia học tập. Vì vậy, để nâng cao việc dạy nghề và việc làm cho người khuyết tật, đặc biệt là những ngành nghề có trình độ chuyên môn và thu nhập cao thì cần phải nâng cao trình độ văn hóa của người khuyết tật. Đây được xem là giải pháp có tính căn bản để giải quyết vấn đề này.
Thành phố cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trực tiếp dạy trẻ khuyết tật trí tuệ, khuyết tật nghe, nói, khuyết tật nhìn, khuyết tật ngôn ngữ, tự kỷ; cung ứng các tài liệu học tập hỗ trợ cho học sinh khiếm thính, sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị, học sinh khuyết tật; giao Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện tốt các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cho vay đối với sinh viên là người khuyết tật theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Thứ bảy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật theo phương châm "Tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng, hòa nhập với cộng đồng". Đề cao trách nhiệm và sự chủ động của các tổ chức của người khuyết tật trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào, các cuộc vận động trong người khuyết tật. “Tạo điều kiện cho tổ chức của người khuyết tật có đủ năng lực tham gia thực hiện các dịch vụ công của Nhà nước” [2]. Thường xuyên giới thiệu, tuyên truyền để nhân rộng trong cả nước những tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên của người khuyết tật, những cách làm hay trong hoạt động của các tổ chức của người khuyết tật.
Thứ tám, tăng cường vận động sự hỗ trợ từ các tổ chức trong nước cũng như nước ngoài về các hoạt động trợ giúp người khuyết tật.
Thường xuyên tổ chức các hoạt động tôn vinh Người lao động khuyết tật và doanh nghiệp vì người khuyết tật, nhằm thúc đẩy vai trò chủ động, tích cực, tự tin của người khuyết tật tham gia vào các hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội; động viên, khích lệ kịp thời người khuyết tật có tinh thần giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ vươn lên trong cuộc sống.
Tiếp tục khơi dậy truyền thống "Thương người như thể thương thân" của dân tộc Việt Nam, đồng thời, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội cùng tham gia giúp đỡ để người khuyết tật có thêm động lực vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tạo cơ hội cho người khuyết tật, người bảo trợ tiêu biểu được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong lao động, học tập và chăm sóc người khuyết tật một cách tốt nhất.
Thứ chín, tăng cường công tác giám sát, đánh giá.
Thành phố cần xây dựng hệ thống bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá; định kỳ xây dựng kế hoạch liên ngành kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của các ngành, đơn vị, địa phương và tổ chức sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.
Định kỳ 6 tháng, 1 năm; các ngành, hội, đoàn thể, địa phương báo cáo kết quả hoạt động về Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cơ quan thường trực để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố được biết để chỉ đạo kịp thời).
Thứ mười, xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật và công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Sớm tổ chức các cuộc điều tra khảo sát thực trạng người khuyết tật và công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn thành phố làm cơ sở để đánh giá kết quả đã đạt được; hoạch định các mục tiêu, chỉ tiêu trợ giúp người khuyết tật cho phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.
Triển khai thực hiện dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng người khuyết tật. Đưa danh sách người khuyết tật lên cổng thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tiểu kết chương 3
Trên cơ sở lý luận về bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật, từ thực trạng bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, chương 3 luận văn đã phân tích, luận giải 8 phương hướng bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, luận văn cũng đã căn cứ vào các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan của hạn chế bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay để đề xuất 9 nhóm giải pháp chung và 9 nhóm giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thời gian tới.
KẾT LUẬN