Hạn chế trong bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật từ thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 51 - 54)

thực tiễn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay

Thứ nhất, tiến độ triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2015 - 2019 còn chậm; kinh phí bố trí không đủ nên các mục tiêu đề ra của dự án sẽ khó đạt được.

Thứ hai, thành phố Hồ Chí Minh chưa có các chính sách riêng hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật mà chỉ mới được thực hiện lồng ghép với các chương trình, đề án khác nên số lượng người khuyết tật được hỗ trợ dạy nghề và tạo

việc làm còn thấp. Hầu hết, lao động là người khuyết tật đều làm những công việc giản đơn nên việc làm không ổn định, năng suất lao động thấp, chưa đảm bảo được cuộc sống tự lập...

Thứ ba, nhận thức của xã hội về giáo dục, dạy nghề, việc làm cho người khuyết tật tuy đã có sự thay đổi tích cực, người khuyết tật đã từng bước tham gia vào mọi hoạt động của đời sống kinh tế xã hội, việc dạy nghề theo hướng hòa nhập cho người khuyết tật được nhiều địa phương, cơ sở doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, công tác dạy nghề cho người khuyết tật thời gian qua cũng đặt ra nhiều vấn đề. Khảo sát tại các địa phương trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hầu hết các quận, huyện trong thành phố chỉ nắm được số người khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp, chưa nắm được cơ bản thông tin cũng như nhu cầu học nghề của đối tượng. Kinh phí thực hiện dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật hiện đang lồng ghép với các chương trình, đề án khác, chưa được bố trí kinh phí riêng. Hầu hết, người khuyết tật mới được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng, số người được đào tạo trình độ Trung cấp, Cao đẳng rất thấp.

Thứ tư, cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động, Thương binh và Xã hội huyện cũng như cấp phường, xã thay đổi thường xuyên nên việc nắm vững các chính sách còn hạn chế; kiêm nhiệm nhiều công việc nên hiệu quả triển khai chính sách về người khuyết tật chưa cao, việc tổ chức thực hiện còn chậm. Thậm chí có tình trạng cán bộ chưa thật sự tâm huyết với công việc.

Thứ năm, ngân sách bố trí thực hiện các chính sách cho người khuyết tật của thành phố Hồ Chí Minh còn hạn chế; kinh phí dạy nghề cho người khuyết tật chưa được bố trí riêng; mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại còn thấp gây khó khăn và tạo rào cản cho người khuyết tật tham gia các khóa đào tạo nghề.

Thứ sáu, tình trạng người khuyết tật mù chữ còn nhiều, nhất là đối với những người khuyết tật sống ở khu vực ngoại thành, gây ra nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện các giải pháp dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế.

Thứ bảy, một số người khuyết tật tự tạo việc làm hoặc gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật chưa được trực tiếp vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chưa có nguồn vay vốn riêng dành cho người khuyết tật trong Quỹ việc làm, pháp luật tuy khuyến khích người khuyết tật tạo việc làm bằng cách vay vốn qua Quỹ quốc gia về việc làm, nhưng lại không phân bổ số vốn dành riêng cho người khuyết tật trong Quỹ việc làm chưa rõ. Chính vì vậy, các tổ tiết kiệm vay vốn, Ngân hàng chính sách xã hội tại địa phương dùng quỹ này để cho vay đối với các đối tượng khác như hộ gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh viên, học sinh… chứ không tập trung cho người khuyết tật, do quan niệm cho rằng khả năng hoàn trả của người khuyết tật thấp hơn so với các đối tượng khác. Đây là lý do chính, trở thành rào cản khiến người khuyết tật khó tiếp cận được với những nguồn vốn ưu đãi.

Bên cạnh đó, còn nhiều người khuyết tật chưa tiếp cận thông tin về chính sách vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm dành cho người lao động là người khuyết tật. Hiện nay, các chương trình vay vốn ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo đã được phổ biến rộng rãi tới từng khu vực, ấp trên địa bàn thành phố và tại một số nơi chương trình này còn được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp phường; xã. Tuy nhiên, đối với chương trình vay vốn giải quyết việc làm dành cho người lao động là người khuyết tật vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, ít người biết đến.

Ngoài ra, đã có trường hợp người khuyết tật bị tổ tiết kiệm vay vốn từ chối cho vay vì không phải là thành viên của họ. Hiện nay, do pháp luật về vay vốn giải quyết việc làm quy định người khuyết tật muốn vay vốn cần nộp hồ sơ tại tổ tiết kiệm - vay vốn thuộc tổ chức chính trị xã hội tại địa bàn sinh sống (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), không quy định người vay vốn phải là thành viên của tổ tiết kiệm vay vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người khuyết tật bị từ chối cho vay vì lý do họ không thuộc thành viên

của tổ tiết kiệm vay vốn nên không được vay từ quỹ của các tổ chức chính trị - xã hội này.

Một thực trạng nữa là mức vay vốn để giải quyết việc làm cho người khuyết tật còn thấp theo quy định của Ngân hàng chính sách xã hội. Từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm chưa được bổ sung thêm để Ngân hàng chính sách xã hội mở rộng cho vay giải quyết việc làm đến các đối tượng chính sách trong đó có người khuyết tật, chỉ thực hiện cho vay bằng nguồn vốn xoay vòng. Do vậy, người lao động khuyết tật chưa có điều kiện tiếp cận nhiều hơn các nguồn vốn ưu đãi tạo việc làm, mặt khác cũng chưa có cơ chế và chưa phân bổ nguồn vốn vay cho đối tượng này, dẫn đến tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi thấp.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng năm số vốn đưa về cho các tổ chức chính trị - xã hội eo hẹp trong khi số lượng người có nhu cầu vay cao, điều này, dẫn đến thay vì dồn vốn cho một số người với mức vay cao thì phân bổ cho nhiều người với mức vay thấp hơn. Tuy nhiên, chính vì mức vay thấp dẫn đến hiện trạng nhiều người quyết định không vay, hoặc cũng có trường hợp vì vốn thấp không thể thực hiện được hoạt động sản xuất kinh doanh mà thua lỗ, thất thoát dẫn đến không trả được nợ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 51 - 54)