CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2.1.1. Khái quát điều kiện kinh tế tự nhiên, kinh tế -xã hội của thành phố Hồ Chí Minh ảnh hưởng đến bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật
Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) ngày nay có 19 quận và 5 huyện, tổng diện tích 2.095,239 km². Năm 2019, tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) đạt hơn 1,34 triệu tỷ đồng, tăng 8,32%; năng suất lao động năm 2019 ước đạt 299,8 triệu đồng/người, tăng 6,8%, trong khi thu ngân sách đạt 412.474 tỷ đồng, tăng 3,3% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2019 [5].
Hầu hết các ngành kinh tế trọng điểm được đánh giá tăng trưởng khá so với năm 2018. Cơ cấu kinh tế Thành phố tiếp tục tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,3%; khách quốc tế đến TPHCM đạt 8,5 triệu lượt; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 8,3 tỷ USD; thu ngân sách vượt dự toán 2,7%.
Thành phố cũng đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu đặt ra trong năm 2019, trong đó chỉ tiêu không đạt được là chỉ mới thực hiện đăng ký 44.000/46.000 doanh nghiệp thành lập theo kế hoạch.
Việc triển khai chủ đề “Năm đột phá cải cách hành chính và thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội” đạt nhiều kết quả tích cực; Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh đã hoàn thành giai đoạn 1, tổ chức 14 cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực nhằm nâng chất lượng môi trường đầu
tư kinh doanh, triển khai những giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư tạo nền tảng xây dựng các định hướng phát triển lâu dài của Thành phố trong các giai đoạn sắp tới.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và chỉnh trang phát triển đô thị tiếp tục chuyển biến, tạo diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại; các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội, an toàn thực phẩm được quan tâm. Việc giải quyết kiến nghị cử tri, nhất là các vụ khiếu kiện, khiếu nại kéo dài có tiến bộ rõ rệt. Quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định…
Là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, Thành phố chịu tác động của bối cảnh thế giới, trong nước cả thuận lợi và khó khăn. Trong điều kiện đó, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm 2020, Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố đã yêu cầu Thủ trưởng các sở - ban - ngành, Chủ tịch UBND các quận - huyện, các doanh nghiệp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ.
Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP năm 2020 đạt 8,3 - 8,5%, cả nhiệm kỳ đạt từ 8-8,5%.
Trong năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều đề án quan trọng. Cụ thể, hoàn thành đề án điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019 - 2021.
Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; Đề án xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông thành phố. Hoàn thành xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh trình cấp thẩm quyền phê duyệt…
Theo kết quả điều tra dân số chính thức vào thời điểm ngày 1 tháng 4 năm 2009, thì dân số Thành phố là 7.162.864 người (chiếm 8,34% dân số Việt Nam),
mật độ dân số trung bình 3.419 người/km². Đến năm 2019, dân số Thành phố tăng lên 8.993.082 người và cũng là nơi có mật độ dân số cao nhất Việt Nam [14]. Tuy nhiên, nếu tính những người cư trú không đăng ký thì dân số thực tế của Thành phố này năm 2018 là gần 14 triệu người. Giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong nền kinh tế Việt Nam, thành phố Hồ Chí Minh chiếm 21,3% tổng sản phẩm (GDP) và 29,38% tổng thu ngân sách của cả nước. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không. Vào năm 2007, thành phố đón khoảng 3 triệu khách du lịch quốc tế, tức 70% lượng khách vào Việt Nam. Các lĩnh vực giáo dục, truyền thông, thể thao, giải trí, thành phố Hồ Chí Minh đều giữ vai trò quan trọng bậc nhất.
Dân số trung bình thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 có hơn 8,64 triệu người, bao gồm dân số thành thị chiếm 80,9%; dân số nông thôn chiếm 19,1%; dân số nam chiếm 47,9%; dân số nữ chiếm 52,1%.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2017 đạt 4,54 triệu người; trong đó lực lượng lao động thành thị chiếm 80,34%; lao động nông thôn chiếm 19,66%; lực lượng lao động nam chiếm 53,15%; lao động nữ chiếm 46,85%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết chữ đạt 98,5%.Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo năm 2017 đạt 36,69%; trong đó lao động đã qua đào tạo khu vực thành thị đạt 40,66%; khu vực nông thôn đạt 20,61%; tỷ lệ lao động là nam giới từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo đạt 38,5%; tỷ lệ này ở lao động nữ đạt 34,66%.
Theo kết quả tổng hợp sơ bộ, dân số của thành phố Hồ Chí Minh đến thời điểm ngày 23/1/2019 là 8.859.688 người, tăng 216.644 người so với số liệu thống kê năm 2017. Số liệu này chưa tính lực lượng bộ đội và công an ở tại hộ [47].