Nhóm giải pháp chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 62 - 78)

3.2.1.1. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về quyền làm việc của người khuyết tật

Thứ nhất, đổi mới và hoàn thiện tiêu chí xác định mức độ khuyết tật, xác định mức độ khó khăn của người khuyết tật, nhu cầu của người khuyết tật, độ tuổi và giới tính của người khuyết tật; xây dựng cơ sở dữ liệu về người khuyết tật như tổng số, tình trạng sức khỏe, dạng tật; số người trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động; số người có nhu cầu về học nghề; số người có nhu cầu làm việc và những công việc phù hợp với nhu cầu và sức khỏe người khuyết tật… ở từng địa phương và trong cả nước.

Thứ hai, xây dựng các chính sách trợ giúp cho người khuyết tật hướng đến mục tiêu tăng cường hỗ trợ sinh kế phù hợp với đặc điểm sức khỏe và nhu cầu của đối tượng trong thiết kế chính sách, cần phải đổi mới quan điểm tiếp cận đối với người khuyết tật phải dựa trên quyền, phải coi người khuyết tật là công dân bình thường, bình đẳng như mọi công dân khác chứ không chỉ là đối tượng chăm sóc của xã hội, từ đó có các chính sách phù hợp hơn với chuẩn mực theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Thứ ba, cần ban hành quy định pháp luật theo hướng "đảm bảo sự công bằng" cho người khuyết tật để không bị phân biệt đối xử và kì thị, đáp ứng yêu cầu mọi người khuyết tật được đảm bảo việc làm mà không có bất kì sự phân biệt đối xử nào trên cơ sở khuyết tật và đảm bảo nguyên tắc mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử. Việc hoàn thiện quy định pháp luật về chống phân biệt đối xử với người khuyết tật nhằm khắc phục những lỗ hổng pháp lý của pháp luật Việt Nam. Theo đó cần sớm ban hành Luật Phòng, chống phân biệt đối xử nhằm đáp ứng yêu cầu của ILO và phù hợp với Hiến pháp năm 2013; cụ thể hóa sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật Lao động sửa đổi năm năm 2019, đối với hành vi cấm phân biệt đối xử và kì thị đối với người khuyết tật ở tất cả các khâu của quá trình lao động, giúp người khuyết tật tự tin hơn trong cuộc sống và tự khẳng định được vị trí của mình trong xã hội.

Thứ tư, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi nhận người khuyết tật vào làm việc. Với trách nhiệm xã hội, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã xây dựng một số chỉ tiêu việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, theo cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp có lao động là người khuyết tật như hiện nay thì vẫn chưa thực sự khuyến khích được doanh nghiệp quan tâm thực hiện.

Để tăng cơ hội việc làm cho người khuyết tật, pháp luật quy định doanh nghiệp phải nhận 2-3% người khuyết tật vào làm việc tùy ngành nghề, hoặc phải đóng một khoản tiền trên cơ sở người khuyết tật còn chưa nhận đủ vào cơ quan đơn vị để làm việc theo quy định về Quỹ việc làm dành cho người khuyết tật. Thực tế, rất ít các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện và chưa có cơ quan nào giám sát việc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ cho Quỹ này. Từ thực tiễn trên xét thấy cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đảm bảo mục tiêu việc làm cho người lao động khuyết tật thay vì quy định định mức và nộp phạt như hiện nay, để người sử dụng lao động có nhiều cách thức lựa chọn mang lại lợi ích tốt nhất cho người khuyết tật tùy thuộc vào điều kiện của công ty mình và khi họ thực hiện thì họ sẽ nhận được những chính sách ưu đãi tương xứng. Bên cạnh đó có chính sách khuyến khích doanh nghiệp cung cấp các khóa đào tạo tại chỗ, học nghề, xây dựng kế hoạch tuyển dụng và đào tạo cho lao động khuyết tật hoặc thực hiện những điều chỉnh cần thiết về môi trường làm việc cho phù hợp hơn với người khuyết tật…

Theo Luật Người khuyết tật, khi doanh nghiệp có 30% lao động khuyết tật thì doanh nghiệp được miễn giảm thuế, vốn vay với lãi suất ưu đãi.... Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật đạt được tỷ lệ quy định nhưng vẫn chưa được nhận các ưu đãi, việc chậm triển khai chính sách đến doanh nghiệp chính là lý do họ hạn chế nhận người khuyết tật vào làm việc. Do đó, cần có cơ chế đảm bảo cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo luật pháp quy định.

Với doanh nghiệp sử dụng dưới 30% lao động là người khuyết tật thì không được hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp này thì Nhà nước có thể hỗ

trợ bằng cách khác như miễn, giảm trích nộp bảo hiểm xã hội của những người lao động khuyết tật; hỗ trợ tiền trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lao động cho người khuyết tật…

Cần có sự tách biệt giữa biện pháp khuyến khích và biện pháp bắt buộc đối với các doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật nhằm giảm bớt gánh nặng cho người sử dụng lao động, đảm bảo sự hợp lý giữa các doanh nghiệp khác nhau trên thị trường.

Thứ năm, cần có quy định về ngành nghề ưu tiên cho người khuyết tật khi tuyển dụng. Trong thời gian gần đây, nhiều ngành nghề phù hợp với người khuyết tật đã được triển khai và mở rộng, tuy nhiên, để hỗ trợ cho người khuyết tật một cách tốt nhất thì nhà nước cũng cần có những quy định về ngành nghề ưu tiên mang tính đặc thù cho người khuyết tật.

Việc quy định các ngành nghề ưu tiên cho người khuyết tật không phải phủ nhận năng lực của người khuyết tật khi tham gia học nghề ở tất cả mọi ngành nghề mà là tính đến khả năng học tập và khả năng làm việc trong thực tế của người khuyết tật. Một số ngành nghề thích hợp và cần số lượng người khuyết tật lớn như công nghệ thông tin, may mặc, điện tử, thủ công mỹ nghệ…thì cần phải được đầu tư hơn nữa để người khuyết tật có thêm cơ hội việc làm.

Thứ sáu, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập cơ sở dạy nghề và tuyển người khuyết tật vào học. Ngoài những chính sách chung của cơ sở dạy nghề, các cơ sở dạy nghề dành cho người khuyết tật, Nhà nước cần hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, được giao đất không thu tiền hoặc thuê đất ở nơi thuận lợi cho việc học nghề của người khuyết tật. Điều này khuyến khích các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật được thành lập, đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở này duy trì hoạt động trong quá trình thực hiện việc đào tạo nghề cho người khuyết tật.

Thứ bảy, cần quy định rõ về môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật để giúp cho người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch hỗ trợ tốt nhất cho người lao động khuyết tật trong quá trình làm việc.

Cần tập trung vào xây dựng chính sách bảo đảm tiếp cận cơ hội việc làm và môi trường làm việc cho người khuyết tật; cải thiện cơ sở hạ tầng, các phương tiện công cộng để bảo đảm tiếp cận cho người khuyết tật và hỗ trợ giáo dục, đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật.

Hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi phương thức làm việc nhằm giúp người khuyết tật được hưởng cơ hội việc làm bình đẳng như: Cải tiến quá trình xin việc; điều chỉnh, cải tiến môi trường làm việc cho phù hợp với hoạt động của người lao động khuyết tật; thay đổi cách thức làm việc; tạo điều kiện để người khuyết tật được hưởng các phúc lợi, chế độ đãi ngộ như những người lao động khác...

Về trách nhiệm bảo đảm điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi cho người khuyết tật của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Môi trường làm việc phù hợp có thể được hiểu là một chiếc ghế ở văn phòng có thể điều chỉnh được (dành cho người khuyết tật ở lưng); giờ làm việc linh hoạt (cho người trong tình trạng y tế đòi hỏi phải nghỉ giữa giờ), một bàn phím máy tính với hệ thống chữ nổi Braille (cho người mù), có một người chịu trách nhiệm hướng dẫn công việc (cho người khuyết tật về trí tuệ hoặc tâm thần). Việc quy định cụ thể giúp tránh sự hiểu nhầm và giúp người sử dụng lao động hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc tạo môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật.

Thứ tám, pháp luật cần quy định rõ nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đơn vị mình và xem đó là một phần quan trọng không tách rời trong chính sách việc làm của đơn vị. Chính sách này bao gồm các quy định liên quan đến tuyển dụng người lao động khuyết tật, trong đó có cả người chưa từng làm việc và những người mong muốn được trở lại làm việc sau một thời gian nghỉ; chính sách trụ việc cho nhân viên bị tai nạn lao động dẫn đến khuyết tật trong quá trình làm việc tại đơn vị...

Chủ sử dụng lao động có nghĩa vụ phối hợp với các đơn vị dịch vụ việc làm để giúp người lao động khuyết tật tìm việc làm phù hợp với khả năng, năng lực và

nguyện vọng; đảm bảo rằng trong công việc, người lao động khuyết tật được đối xử bình đẳng với người lao động không khuyết tật về các quyền lợi vật chất.

Bên cạnh đó, cần phải có các quy định rõ về các chế tài xử phạt, đặc biệt là các hành vi ngược đãi, phân biệt đối xử với người khuyết tật, vấn đề kì thị xã hội đối với người khuyết tật, hoặc không thực hiện những vấn đề được quy định trong luật liên quan đến nhu cầu và quyền của người khuyết tật về vấn đề giải quyết việc làm.

Thứ chín, cần chặt chẽ hơn trong các quy định về tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật như giáo án phù hợp, chính sách thỏa đáng cho giáo viên dạy văn hóa, dạy nghề phiên dịch cho người khiếm thính. Thời gian học nghề cần phải linh hoạt, tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức tự lực, cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật. Trên cơ sở phân dạng, phân hạng khuyết tật tiến hành thống kê, đánh giá phân loại số người khuyết tật theo mức độ dạng tật theo khả năng lao động để giúp cho công tác dạy nghề phù hợp với khả năng học nghề, khả năng lao động, yêu cầu của nghề nghiệp trong tương lai.

Thứ mười, cần nâng cao mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật. Giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật đòi hỏi phải kiên trì và mất nhiều công sức hơn so với giáo viên giảng dạy cho những người bình thường. Đối với một số dạng tật, giáo viên còn phải học và nắm bắt được ngôn ngữ đặc thù của người khuyết tật. Hiện nay đã có những ưu đãi dành cho giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật nhưng mức phụ cấp này vẫn chưa khuyến khích được các giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật. Vì vậy, để khuyến khích các giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật cần nâng cao hơn mức phụ cấp đặc thù cho họ.

Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, còn đòi hỏi các chính sách xã hội đó phải gắn liền với khả năng xây dựng và triển khai các dịch vụ xã hội. Việc chuyển các mô hình chính sách từ trợ cấp về mặt tài chính sang các mô hình đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng sống, tổ chức các dịch vụ nâng cao khả năng sống độc lập của người khuyết tật là hết sức cần thiết. Đồng thời, tiếng nói của người khuyết tật cần được thể hiện rõ trong tiến trình xây dựng luật và hệ thống chính sách cho chính

người khuyết tật. Các hoạt động nghiên cứu và thực hành về công tác xã hội cũng cần thêm chức năng và nhiệm vụ đóng góp vào việc đưa tiếng nói của người khuyết tật trong các chính sách xã hội và chương trình xã hội.

3.2.1.2. Hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật

Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội, tiêu chuẩn nghiệp vụ nhân viên công tác xã hội và cấp giấy hành nghề công tác xã hội, tiêu chuẩn dịch vụ trợ giúp xã hội, khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội. Cần quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng, ưu tiên trợ giúp cho người khuyết tật sống ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Có cơ chế khuyến khích khu vực ngoài công lập phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội, ưu tiên các cơ sở cung cấp dịch vụ đối với những nhóm người yếu thế mà trong đó có đối tượng là người khuyết tật.

Thứ hai, cần có quy định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Liên hiệp hội người khuyết tật trong Luật Người khuyết tật để tăng cường hoạt động của Liên hiệp hội trong công tác người khuyết tật nói chung và việc làm cho người khuyết tật nói riêng như: tham gia đóng góp, xây dựng và thúc đẩy việc thực hiện các quy định pháp luật của Nhà nước về khuyết tật và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.

Thứ ba, cần phát triển mạng lưới tổ chức dịch vụ việc làm như giới thiệu việc làm, hướng nghiệp, học nghề, giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật; tăng định mức hỗ trợ cho các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật để thu hút người khuyết tật vào học nghề; đối với nhóm người khuyết tật không tiếp cận được với trường lớp cần có chương trình đào tạo phù hợp, mô hình sinh kế phù hợp tại gia đình, cộng đồng; tạo cơ chế chính sách thông thoáng về vốn để người khuyết tật và gia đình có thể dễ dàng tiếp cận phát triển kinh tế; các cơ sở y tế liên quan đến chỉnh hình, phục hồi chức năng cần trang bị kỹ thuật, đội ngũ nhân lực thực hiện tốt hoạt động phục hồi chức năng cho người khuyết tật...

Thứ tư, Quốc hội, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành một số luật mới có liên quan đến dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về người khuyết tật phù hợp với Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật; bảo đảm việc phân bổ ngân sách hàng năm và trung hạn cho chính sách bảo trợ xã hội, trong đó có chính sách dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.

Thứ năm, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, nghiên cứu xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Cân đối nguồn lực và ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật và các chương trình, đề án về người khuyết tật. Rà soát sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác người khuyết tật ở các trung tâm bảo trợ xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống dữ liệu thống kê đảm bảo cung cấp thông tin chính xác, cập nhật, đáp ứng yêu cầu thực hiện công tác quản lý Nhà nước về người khuyết tật; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật về người khuyết tật.

Thứ sáu, các địa phương, cần tăng cường thực hiện quản lý Nhà nước về công tác người khuyết tật, cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp về công tác người khuyết tật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền làm việc của người khuyết tật từ thực tiễn thành phố hồ chí minh (Trang 62 - 78)