Sau khi Luật An toàn thực phẩm năm 2010 có hiệu lực thi hành, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến các
tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường, xã đã vào cuộc để triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Luật an toàn thực phẩm chưa kịp thời, nhất là các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện của các ngành chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... ban hành còn chậm. Công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Nhiều chính quyền địa phương coi công tác quản lý ATTP là trách nhiệm của ngành y tế nên công tác chỉ đạo, huy động sự tham gia của các cơ quan liên quan chưa quyết liệt. Kinh phí đầu tư từ ngân sách còn thấp, trang thiết bị và nhân lực còn hạn chế. Nguyên nhân những hạn chế trên phải kể đến là sự phối hợp của các ngành chức năng chưa đồng bộ, hiệu quả. Do đó, thực hiện pháp luật về ATTP giữ một vị trí quan trọng trong công tác đảm bảo ATTP.
Thực hiện pháp luật về ATTP là quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật về ATTP đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các cá nhân, đơn vị, cơ quan và tổ chức. Theo đó thực hiện pháp luật về ATTP là việc các chủ thể pháp luật về ATTP phải thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình bằng hành động chủ động và tích cực. Tiếp cận dưới góc độ thực tiễn, thực hiện pháp luật về ATTP thể hiện qua các hình thức sau: ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thực hiện; tổ chức bộ máy, nguồn lực, kinh phí thực hiện; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP; thanh tra, kiểm tra, phối hợp tổ chức thực hiện…để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật về ATTP.
Để duy trì và phát huy hiệu quả trong công tác đảm bảo ATTP, vấn đề then chốt là làm thế nào để đưa các quy định của pháp luật về ATTP gắn kết với đời sống, phù hợp với điều kiện thực tế để từng bước nâng cao chất lượng thực phẩm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, đóng góp tích cực vào phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước và uy tín quốc tế. Công tác đảm
bảo ATTP để thực hiện tốt cần những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ ngành và của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà khoa học nhà quản lý, người tiêu dùng. Việc đưa Luật An toàn thực phẩm vào cuộc sống có ý nghĩa quyết định với kết quả của công tác đảm bảo ATTP.