Điều kiện về tổ chức, cá nhân tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp ở đây được hiểu là điều kiện chung dành cho việc tham gia thành lập và quản lý đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp và cũng không phụ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Kể từ sau Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ 6, với chủ trương phát huy mọi nguồn lực xã hội vào phát triển đất nước, từng bước Đảng, Nhà nước ghi nhận và hoàn thiện các chế định về quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân chính vì vậy mà cơ hội tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp của tổ chức, cá nhân ngày càng được mở rộng.
Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Hiến pháp năm 2013 được thông qua và ghi nhận “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” (Điều 33). Quy định này hàm chứa hai nội dung quan trọng, đó là: mọi người có quyền tự do kinh doanh; giới hạn của quyền tự do đó là những gì luật cấm (nói cách khác doanh nghiệp được làm những gì mà luật không cấm). Với quy định trong Hiến pháp nói trên một lần nữa khẳng định cơ sở pháp lý vững chắc cho quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân được đảm bảo thực thi trên thực tế. Và với quan điểm, chủ trương phát huy tiềm lực của mọi thành phần kinh tế, tôn trọng và mở rộng quyền tự do kinh doanh cho tổ chức, cá nhân đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, tạo động lực cho xã hội ngày càng phát triển. Tính đến thời điểm 01/01/2017, trên cả nước có 517.900 doanh nghiệp, trong đó tổng số doanh nghiệp đang thực tế hoạt động điều tra được là 505.100. Trong số doanh nghiệp, có 10,1 nghìn doanh nghiệp lớn, tăng 29,6% so với thời điểm 01/01/2012 [40].
Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2018 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng kỷ lục, với 131.275 doanh nghiệp thành lập và tổng vốn đăng ký là
1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 141,% về số vốn đăng ký so với năm 2017 [5]. Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng mạnh, đã chứng minh môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, chủ trương tôn trọng và mở rộng quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân là hết sức đúng đắn, kịp thời.
Tuy nhiên, bên cạnh việc phát huy và mở rộng quyền tự do kinh doanh mà biểu hiện cụ thể ở đây chính là quyền được tham gia thành lập các pháp nhân kinh doanh. Trong tính hai mặt của nó, việc mở rộng quyền tự do kinh doanh vẫn luôn đồng hành những rủi ro, thách thức cho xã hội mà trực tiếp là rủi ro cho công tác quản lý. Vì lẽ đó, song song với việc mở rộng quyền tự do, Nhà nước cũng kiểm soát doanh nghiệp thông qua quy định của pháp luật, hạn chế quyền tham gia thành lập doanh nghiệp đối với một số đối tượng cụ thể.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về quyền của tổ chức cá nhân trong thành lập doanh nghiệp đã xác định có 6 trường hợp tổ chức, cá nhân không dược tham gia thành lập tổ chức kinh doanh hay góp vốn, cụ thể: Thứ nhất: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình; Thứhai: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Thứ ba: Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; Thứ tư: Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác; Thứ năm:
Người chưa thành niên; người bị hạn chế NLHVDS hoặc bị mất NLHVDS; tổ chức không có tư cách pháp nhân; Thứ sáu: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa
án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Như vậy, mặc dù Đảng, Nhà nước ngày càng chủ trương mở rộng và phát huy quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Song bên cạnh đó, để duy trì sự ổn định trong công tác quản lý, Đảng, Nhà nước cũng chủ trương hạn chế quyền tự do kinh doanh đối với một số đối tượng. Nói cách khác để thực hiện quyền tự do kinh doanh thông qua việc thành lập doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân phải đáp ứng những điều kiện, tiêu chuẩn nhất định. Điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể ở đây chính là tổ chức cá nhân không thuộc một trong 6 trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 như nêu trên.