Trong doanh nghiệp, mặc dù người lao động có vai trò vị trí khác với người quản lý; người lao động không trực tiếp đưa ra những định hướng phát triển doanh nghiệp, hoạch định chính sách và tầm nhìn vĩ mô; không chỉ đạo điều hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Song, người lao động vẫn giữ một vai trò vị trí vô cùng quan trọng của doanh nghiệp. Bất kỳ một doanh nghiệp nào dù tồn tại dưới các loại hình doanh nghiệp khác nhau, như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hay công ty hợp danh ... dù tham gia bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào, từ sản xuất thương mại đến dịch vụ thì người lao động luôn là yếu tố không thể thiếu, không thể thay thế. Ở vị trí của mình người lao động là người trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra của cải vật chất (đối với doanh nghiệp sản xuất), tạo ra doanh thu (đối với doanh nghiệp hoạt động thương mại dịch vụ), lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trong mối quan hệ giữa người quản lý với người lao động của doanh nghiệp, họ ở những vị trí khác nhau, thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong sự độc lập tương đối. Họ đều giữ vai trò quan trọng và không thể hoán đổi vị trí cho nhau. Ở mỗi cương vị khác nhau nhưng họ đều chung tay góp phần quyết
định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp.
Đối với người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh DVTHN cũng vậy. Người lao động trong doanh nghiệp kinh doanh DVTHN cũng góp phần trực tiếp quyết định đến thương hiệu, uy tín, sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi Nhà nước xác định ngành nghề kinh doanh DVTHN là ngành nghề nhạy cảm, ngành nghề có điều kiện, tiêu chuẩn khi thành lập và hoạt động thì bên cạnh việc quy định điều kiện tiêu chuẩn dành cho những người quản lý của doanh nghiệp, Nhà nước không thể không quy định những tiêu chuẩn điều kiện ràng buộc dành cho người lao động.
*Điều kiện người lao động được tuyển dụng theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ sáu tháng trở lên.
Như vậy, trước tiên một cá nhân muốn trở thành người lao động làm việc trong doanh nghiệp kinh doanh DVTHN, cá nhân đó phải tham gia ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp. Quy định ký kết hợp đồng lao động đối với cá nhân cũng là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp nếu như doanh nghiệp muốn tuyển dụng người lao động vào làm việc cho mình.
Căn cứ Bộ luật Lao động được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua ngày 18 tháng 6 năm 2012, hợp đồng lao động gồm có 3 loại: hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng xác định thời hạn và Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó người sử dụng lao động với người lao động không ấn định thời hạn kết thúc hợp đồng; Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó giữa người sử dụng lao động với người lao động có ấn định cụ thể thời hạn kết thúc hợp đồng (thời hạn ấn định trong hợp đồng lao động ngắn nhất bằng 12 tháng, dài nhất là đến 36 tháng); Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định là hợp đồng mà trong đó người sử dụng lao động với người lao động có xác định theo mùa vụ hoặc theo công việc với thời gian hoàn thành dưới 12 tháng. Bộ luật Lao động cũng nghiêm cấm người sử dụng lao động và người lao động ký kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo
một công việc để thực hiện những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên. Trong trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động do người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác thì người sử dụng lao động với người lao động được quyền ký kết hợp đồng theo mùa vụ hoặc công việc để thực hiện công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên.
Đối chiếu quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP với quy định của Bộ luật Lao động 2012 về hình thức và thời hạn giao kết hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động với người sử dụng lao động cho thấy các quy định trong Nghị định 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ có quy định đặc thù và đòi hỏi khắt khe hơn so với quy định chung, cụ thể:
Thứ nhất, về loại và thời hạn giao kết hợp đồng, nếu như Bộ luật Lao động quy định có 03 loại hợp đồng lao động khác nhau theo đó người sử dụng lao động và người lao động có thể tự do giao kết (bao gồm cả hợp đồng lao động mùa vụ hoặc công việc có thời hạn dưới 12 tháng) thì Nghị định 104/2007/NĐ-CP của chính phủ trong lĩnh vực kinh doanh DVTHN giữa hai bên chỉ có quyền lựa chọn một trong hai loại hợp đồng là hợp đồng không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn. Mặt khác, nếu Bộ luật Lao động quy định đối với loại hợp đồng từ 12 tháng đến 36 tháng mới là loại hợp đồng có xác định thời hạn thì Nghị định 104/2007/NĐ-CP quy định từ 06 tháng trở lên đã phải xác định là loại hợp đồng có thời hạn.
Thứ hai, Về hình thức giao kết hợp đồng: theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về hình thức hợp đồng cho thấy đa số hợp đồng lao động sẽ được ký kết bằng văn bản. Song, trong những trường hợp nhất định người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận giao kết bằng lời nói để thực hiện công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng (khoản 2 Điều 16). Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp kinh doanh DVTHN thì khác. Do pháp luật quy định các bên chỉ có quyền lựa chọn một trong hai loại hợp đồng lao động để giao kết (hợp đồng có thời hạn từ 6 tháng trở lên hoặc hợp đồng không xác định thời hạn) nên hợp đồng lao động trong trường hợp này luôn phải bằng văn bản. Quy định này cũng hướng đến bảo vệ người yếu thế là người lao động, trong mối quan hệ với chủ - người sử dụng
lao động.
* Các điều kiện khác đối với người lao động
Như đã phân tích trên, người lao động trong doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh DVTHN nói riêng đều có vai trò, vị trí quan trọng trong doanh nghiệp. Trong mối quan hệ với người quản lý của doanh nghiệp, người lao động giữ vị trí độc lập tương đối. Chất lượng và năng lực của người lao động luôn ảnh hưởng trực tiếp đến tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, khi nghiên cứu về các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người quản lý doanh nghiệp kinh doanh DVTHN với điều kiện, tiêu chuẩn của người lao động có nhiều chỗ tương đồng. Trong điều kiện tiêu chuẩn dành cho người quản lý, Điều 14 Nghị định 104/2007/NĐ-CP có quy định người quản lý doanh nghiệp phải có đầy đủ NLHVDS, có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh và không có tiền án; trong điều kiện tiêu chuẩn dành cho người lao động, tại Điều 15 Nghị định 104/2007/NĐ-CP cũng xác định người lao động làm việc tại các doanh nghiệp kinh doanh DVTHN phải có các điều kiện tiêu chuẩn về NLHVDS đầy đủ, có trình độ học vấn, có bằng cấp thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh và không có tiền án. Có điều ở cương vị người lao động, xuất phát từ vị trí của họ, yêu cầu trình độ học vấn của họ có thấp hơn so với người quản lý. Nếu người quản lý của doanh nghiệp kinh doanh DVTHN yêu cầu phải tốt nghiệp trình độ đại học trở lên thì đối với người lao động ởđây chỉ yêu cầu tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên.