2.1.2.1. Thực trạng vi phạm về công bố thông tin của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo số liệu của UBCKNN, năm 2013 có 84 quyết định xử phạt hành chính đối với các tổ chức và cá nhân trên thị trường chứng khoán với tổng số tiền phạt trên 7
tỷ đồng (Phương Mai, 2014). Năm 2012, có 180 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt 11 tỷ đồng (Nghi Thu, 2013). Các vi phạm chủ yếu tập trung vào chế độ báo cáo, công bố thông tin của công ty đại chúng; vi phạm về báo cáo giao dịch cổ phiếu của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn; hành vi thao túng cổ phiếu; hoạt động không đúng nội dung quy định trong giấy phép.
Trên SGDCK Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2010, có 209/279 CTNY (chiếm 74,91% số CTNY) vi phạm quy định về công bố thông tin và đã được nhắc nhở bằng văn bản. Các vi phạm về công bố thông tin liên quan tới báo cáo tài chính và tình hình quản trị doanh nghiệp chiếm tới 72,58% số vi phạm trong năm 2010. Trong đó, các vi phạm về công bố thông tin liên quan đến tình hình quản trị doanh nghiệp chiếm tới 30,93% (Bùi Kim Yến, 2012, tr. 19).
Theo thống kê của SGDCK Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2011, có 212/284 doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin trên sàn và đã được nhắc nhở bằng văn bản, chiếm 74,6% số doanh nghiệp và quỹ niêm yết (Bùi Kim Yến, 2012, tr. 19).
Trong một cuộc khảo sát toàn diện về mức độ tuân thủ đúng và đầy đủ về nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán do Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE) và Vietstock thực hiện, số doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin trong 5 năm qua chỉ chiếm một con số khá nhỏ.
Nguồn: Tuần Chứng Khoán, 2016
Hình 2.1: Tỷ lệ các Doanh nghiệp niêm yết hoàn thành tốt nghĩa vụ công bố thông tin
Cụ thể như: Vào năm 2012 chỉ có 23 doanh nghiệp trên tổng số 688 doanh nghiệp niêm yết, tương ứng tỷ lệ 3.3% hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định. Trong năm 2013 chỉ có 29/694 doanh nghiệp niêm yết, tương ứng với tỷ lệ 4,18% doanh nghiệp chấp hành đầy đủ quy định công bố thông tin theo Thông tư số 52/2012/TT-BTC. Tỷ lệ này tăng lên 6.6% vào năm 2014, 9.7% vào năm 2015 và là 18.5% vào năm 2016 (Xem Hình 2.1).
Như vậy, xét trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn 2010- 2015, giai đoạn hai thông tư hướng dẫn là Thông tư số 09/2010/TT-BTC và Thông tư số 52/2012/TT-BTC có hiệu lực, có thể đi đến kết luận tỷ lệ CTNY chấp hành đúng quy định về công bố thông tin là rất thấp.
Mặc dù TTCK Việt Nam so với quy mô với các thị trường khác trên trường quốc tế vẫn còn rất nhỏ, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng TTCK đã và đang trở thành một kênh huy động vốn vô cùng quan trọng cho nền kinh tế. Thông tin từ UBCKNN, huy động vốn 7 tháng đầu năm 2016 đạt gần 254.5 nghìn tỷ đồng, ước tăng 81%.
Đấu giá cổ phần hóa cho 58 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) với tổng giá trị đạt 5,291 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước; 21 đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước với tổng giá trị 1,899 tỷ đồng, tăng 112%. Đó là chưa kể, TTCK Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 thị trường thế giới có mức tăng trưởng cao nhất và có mức sinh lời lớn nhất trong quý 2/2016 tại khu vực Đông Nam Á (Vietstock, 2016).
Sang năm 2016, hoạt động công bố thông tin trên TTCK đã bắt đầu áp dụng theo quy chuẩn mới là Thông tư 155 với mục đích giúp thị trường minh bạch hóa hơn. Số doanh nghiệp không vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin thống kê được là 118 đơn vị, tăng đáng kể so với các năm trước đó. Tuy nhiên xét trên tổng thể thì cũng chỉ chiếm 18.5% trong tổng số 639 doanh nghiệp niêm yết khảo sát (Vietstock, 2016).
Trong hoạt động này, kể từ năm 2011 đến nay, REE và VNM hai là ông lớn đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ công bố thông tin thường xuyên nhất. Còn DPM, HSG và HPG thì hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ này trong 4 năm qua từ năm 2013. Cũng có nhiều doanh nghiệp lớn khác đã không duy trì được việc công bố thông tin đúng quy định, chẳng hạn EIB và BCI chỉ thực hiện đúng vào năm 2013, rồi 3 năm sau đó đều vắng mặt (Vietstock, 2016).
Xét riêng trong năm 2016, thì có nhiều gương mặt mới thực hiện đúng việc công bố thông tin theo quy định như NLG, TDH, LHG, AMD, BIC, EVE, PGD hay AAA… Đây đều là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng trong thời gian qua và nhận được sự thu hút đáng kể từ giới đầu tư.
2.1.2.2. Thực trạng trễ hạn nộp báo cáo tài chính
Cũng theo thống kê của VAFE và Vietstock, trong số các doanh nghiệp đang niêm yết trên SGDCK thì vấn đề hay vi phạm nhất trong công bố thông tin chính là trễ nộp báo cáo tài chính rồi mới đến lỗi bị Sở nhắc nhở và vi phạm về chuyển nhượng cổ phần. Vấn đề trễ hạn và thậm chí không nộp các loại báo cáo định kỳ,
đặc biệt là báo cáo tài chính, vẫn tiếp diễn trong các năm qua với tốc độ ngày càng gia tăng.
Theo số liệu mới nhất từ cuộc khảo sát trong năm 2016, có đến 344 lỗi thuộc về vi phạm công bố thông tin định kỳ (Vietstock,2016). Trong đó, dẫn đầu về số lần vi phạm nộp các báo cáo định kỳ phải kể đến những cái tên như VAT, S74, LUT, KTT, QCG, PNC, HAI, PPE, QNC, VBC, TVC, VCC, HDO, HVG… Giai đoạn từ năm 2012 cho đến nay, số các doanh nghiệp vi phạm trên sàn do chậm nộp báo cáo tài chính ở mức rất lớn nhưng đang có xu hướng giảm, cụ thể năm 2012 có 246/281 đơn vị vi phạm, chiếm tỷ lệ 87%; sang năm 2013, số doanh nghiệp vi phạm còn 182/306, chiếm tỷ lệ 59%. Tỷ lệ này là 15% vào Quý I năm 2014 với 48/326 đơn vị vi phạm (Nguyễn Thị Hải Hà, 2014).
Tính riêng trong năm 2013, có tới 28 trường hợp bị UBCKNN xử phạt với số tiền khoảng gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, có những doanh nghiệp không báo cáo đúng thời hạn trong nhiều năm liên tiếp, từ năm 2011 đến 2013, như: Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC), Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng bưu điện (HOSE: PTC), Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh (VIDA BEER)..., thậm chí không nộp các báo cáo tài chính quan trọng cũng như nghị quyết đại hội đồng cổ đông. Như vậy, từ doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp nhỏ chưa thực sự chủ động trong việc công bố thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh, mức độ hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán nói chung hay trách nhiệm dành cho cổ đông nói riêng còn rất yếu. Từ quý 3/2015 đến nay, số doanh nghiệp vi phạm về thời hạn công bố thông tin báo cáo tài chính định kỳ luôn chiếm một tỷ trọng lớn. Theo đó, 196 doanh nghiệp vi phạm về công bố thông tin báo cáo tài chính trong quý 3/2015, chiếm tỷ lệ 31% trong tổng số các doanh nghiệp niêm yết. Tỷ lệ này tiếp tục tăng lên 45% vào quý 4/2015 (Xem Hình 2.2).
Nguồn: Vietstock, 2016
Hình 2.2: Thống kê các doanh nghiệp vi phạm về công bố thông tin Báo cáo tài chính giai đoạn quý 3/2015 – quý 2/2016
Sang năm 2016, khi áp dụng Thông tư 155, tỷ lệ doanh nghiệp vi phạm trong quý đầu tiên cũng còn khá cao, đạt 38%, tương ứng 243 đơn vị. Song, đến quý 2/2016 thì đã có chiều hướng tích cực hơn khi chỉ có 165 đơn vị vi phạm, tương ứng tỷ lệ 26% (Xem Hình 2.2).
Đáng chú ý, có 25 doanh nghiệp từ quý 3/2015 đến hết quý 2/2016 đều mắc lỗi vi phạm công bố báo cáo tài chính không đúng quy định (Vietstock, 2016). Trong số này, có nhiều đơn vị ngập trong thua lỗ như BHT, FDT, NST, L44, SDE, VIE, S74.
Rõ ràng việc vi phạm về thời hạn công bố thông tin là một vấn đề phổ biến. Mặc dù thời gian qua đã có nhiều trường hợp bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) xử phạt do chậm công bố báo cáo định kỳ nhưng nghĩa vụ công bố thông tin vẫn chưa được chú trọng. Việc các doanh nghiệp vẫn tỏ ra ít quan tâm đến vấn đề công bố thông tin cũng đồng nghĩa với việc không quan tâm đến cổ đông của công ty nói riêng và tất cả nhà đầu tư trên thị trường nói chung.
Khi một DNNY thực hiện tốt nghĩa vụ công bố thông tin cũng là một cách tương tác tốt với nhà đầu tư. Và trên TTCK thì điều đó mang ý nghĩa lớn trong việc huy động vốn của của một doanh nghiệp. Nếu không làm tốt những vấn đề ấy, doanh nghiệp niêm yết tự đánh mất giá trị của mình trong mắt không ít nhà đầu tư tiềm năng.
2.1.2.3. Thực trạng chất lượng thông tin trong báo cáo tài chính không đáng tin cậy.
Điều này thể hiện ở sự chênh lệch đáng kể trong số liệu tài chính trước và sau kiểm toán của các CTNY. Số liệu thống kê cho thấy, những sai lệch về số liệu lợi nhuận trước và sau kiểm toán có xu hướng tương đối rõ ràng qua các năm 2010- 2013.
Năm 2010, hầu hết các CTNY chủ yếu bị giảm lợi nhuận sau kiểm toán. Đứng đầu là Công ty Cổ phần Tập đoàn Sara (SRB) với tỷ lệ giảm lợi nhuận sau kiểm toán tới 69,17 % (Lộc Anh, 2011). Thậm chí, có trường hợp chuyển từ lãi thành lỗ như trường hợp Công ty Cổ phần Hàng hải Đông Đô (DDM), lợi nhuận sau thuế năm 2010 trước kiểm toán là 473,6 triệu nhưng theo báo cáo tài chính sau kiểm toán, Công ty bị lỗ đến 74,3 tỷ đồng (VnEconomy, 2011).
Năm 2011 có thể coi là một năm điển hình của tình trạng chuyển trạng thái lợi nhuận sau kiểm toán, từ lãi sang lỗ, từ lỗ nhẹ sang lỗ nặng, một số rất ít chuyển từ lỗ sang lãi. Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ ước (DRH), sau kiểm toán, mức lợi nhuận sau thuế từ 1,83 tỷ đồng công bố trước đó đã chuyển qua lỗ 3,92 tỷ đồng (VnEconomy, 2012).
Một số công ty tuy vẫn có khả năng duy trì lãi nhưng lợi nhuận bị sụt giảm nghiêm trọng, như Công ty Cổ phần Thép Việt Ý (VIS), lợi nhuận sau thuế trong báo cáo trước kiểm toán là 110 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán còn 27,2 tỷ đồng, tương đương “mất” 75% (VnEconomy, 2012).
Qua xem xét cho thấy, các điều chỉnh kiểm toán chủ yếu nằm ở các khoản chi phí tài chính. Năm 2011, chi phí tài chính quá cao khiến một số ngành nghề gặp khó khăn trong kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp lỗ nặng thuộc lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, phản ánh một năm kinh doanh không suôn sẻ của các ngành này. Ngoài ra, trong quy trình kiểm toán vẫn còn một số điểm chưa thể hoàn toàn thống nhất với nghiệp vụ kế toán của doanh nghiệp đã dẫn tới hiện tượng trên.
Vấn đề điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2011 là hiện tượng đáng chú ý trong năm tài chính 2012.
Số liệu điều chỉnh hồi tố năm 2012 là khá cao, ảnh hưởng đến giá cổ phiếu, hoạt động của doanh nghiệp và lợi ích của nhà đầu tư. Tuy nhiên, đa phần sự hồi tố được công bố ở phần “Điều chỉnh thông tin hồi tố” trong thuyết minh báo cáo tài chính mà không có bản công bố thông tin riêng. Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư khi phải đọc 20-30 trang thuyết minh để tìm lại thông tin điều chỉnh. Cùng năm 2012, ngành than để lại dấu ấn với sự kiện cả 8 doanh nghiệp ngành than niêm yết đều sai lệch báo cáo tài chính đáng kể sau kiểm toán (Thanh Hiên, 2013). Tăng mạnh, giảm sâu sau kiểm toán gây không ít bất bình, thậm chí thiệt hại cho NĐT.
Năm 2013, tình hình lệch số liệu kiểm toán dường như không hề sụt giảm với 80% doanh nghiệp phải điều chỉnh lãi sau thuế sau kiểm toán. Một số doanh nghiệp điển hình trong việc chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán năm 2013 có thể kể đến như: CTCP Tập Đoàn Pan (PAN) báo lỗ 2 tỷ đồng sau kiểm toán trong khi trước đó báo lãi vượt kết hoạch với 48.8 tỷ đồng; CTCP Xây Lắp Đường Ống Bể Chứa Dầu Khí (PXT) từ lãi hơn 1 tỷ đồng trở thành lỗ ròng 35.6 tỷ đồng sau kiểm toán (Vietstock, 2014).
Năm 2014, nhìn chung số liệu chênh lệch báo cáo sau kiểm toán của các doanh nghiệp không nghiêm trọng như những năm trước, nhưng vẫn còn ở mức cao (Xem Bảng 2.1). Có 330 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2014 đầy đủ, trong đó có tới 196 đơn vị có số liệu chênh lệch so với trước kiểm toán, tức chiếm tới 59%. Trong đó có công ty Than Đèo Nai (HNX: TDN) chuyển từ lỗ 14.4 tỷ
đồng sang lãi hơn 28 tỷ đồng do năm 2014, các loại thuế, phí tăng trong kỳ (thuế tài nguyên tăng 2%, tiền cấp quyền khai thác…) làm chi phí sản xuất tăng, nhưng Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) chưa tổ chức nghiệm thu chi phí năm 2014 cho Công ty, vì vậy Tập đoàn chưa bổ sung khoản chi phí nói trên. Bởi thế, TDN có lý do phù hợp để giải trình cho việc chênh lệch lớn sau kiểm toán.
Tương tự, sau khi có báo cáo kiểm toán, từ mức lỗ 39 tỷ đồng trong năm 2014, Hacisco (HOSE: HAS) đã lật ngược thế cờ khi lãi 4.5 tỷ đồng. Nguyên do là nhờ chi phí quản lý doanh nghiệp được điều chỉnh hồi tố những khoản dự phòng các năm trước gần 42 tỷ đồng.
Bảng 2.1: Top Doanh nghiệp niêm yết tăng lãi và thoát lỗ sau kiểm toán 2014
Đơn vị: Triệu đồng
Mã Chứng khoán
LNST của cổ đông Công ty mẹ
% tăng/giảm Trước kiểm toán Sau kiểm toán
HPS 28 54 92.86 CLW 19,468 30,585 57.10 VTB 13,320 17,881 34.42 HLC 28 36,557 29.59 VPH 2,335 2,944 26.08 V12 7,121 8,820 23.86 PVC 180,255 210,871 19.98 PVV 3,305 3,838 16.13 MDC 35,577 40,069 12.63 HAS (39,214) 4,547 TDN (14,410) 28,332 Nguồn: Vietstock, 2015
Ngoài ra, nhìn từ Bảng 2.1 có thể thấy, HPS, CLW, VTB, HLC, VPH, V12, PVC, PVV và MDC cũng đều là những doanh nghiệp có kết quả lãi ròng tăng từ 12% trở
lên sau kiểm toán. Đối với Công ty Dung dịch Khoan và Hóa phẩm Dầu khí (HNX: PVC), lãi tăng thêm gần 41 tỷ đồng sau kiểm toán nhờ lợi nhuận sau thuế tại công ty con là Công ty TNHH Dung dịch khoan M-I Việt Nam tăng 26.6 tỷ đồng. Bên cạnh đó PVC giảm lợi nhuận chưa thực hiện trong hàng tồn kho tiêu thụ nội bộ mà năm 2014 đã tiêu thụ số tiền là 6.9 tỷ đồng, Công ty cũng giảm hơn 7 tỷ đồng chi phí thuế thu nhập hoàn lại tại M-I Việt Nam.
Lãi ròng của Than Hà Lầm - Vinacomin (HNX: HLC) tăng thêm hơn 8 tỷ đồng để lên mức 36.5 tỷ đồng do khi thực hiện báo cáo nghiệm thu khoán với TKV, công ty đã thực hiện tiết kiệm một số chỉ tiêu giao khoán và được TKV bù phụ các chi phí đã thực hiện.
Còn lại đa số những doanh nghiệp này đều chưa có giải trình cho sự chênh lệch này của doanh nghiệp mình.
Ở chiều ngược lại, công ty Ntaco (HOSE: ATA) nhận kết quả kinh doanh 2014 sau kiểm toán chuyển từ lãi 187 triệu đồng sang lỗ 14.4 tỷ đồng. Thêm vào đó, thông tin giải trình của ban lãnh đạo ATA cũng rất mơ hồ: “Năm 2014 doanh thu hoạt động kinh doanh, doanh thu tài chính có tăng so với cùng kỳ nhưng chi phí về giá vốn, chi phí quản lý, chi phí tài chính vẫn duy trì ở mức cao đã làm lợi nhuận bị âm” mà không hề đề cập đến việc vì sao có sự chênh lệch quá lớn giữa trước và sau kiểm toán. Bên cạnh đó cũng có những trường hợp lỗ nặng thêm sau kiểm toán như CID, SAV, S12, VNH, PFL, PVG, BTH... (Xem Bảng 2.2)