Giải pháp đối với Nhà nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của công bố thông tin tới tính thanh khoản của các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 81 - 86)

3.2.1.1. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và hệ thống văn bản hướng dẫn có liên quan

-Hoàn thiện Luật Chứng khoán

Hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12.

Xây dựng và trình Quốc hội, vào năm 2018, ban hành Luật Chứng khoán mới (thay cho Luật Chứng khoán hiện hành) với phạm vi điều chỉnh rộng hơn, tiếp cận gần hơn với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, điều chỉnh đồng bộ hoạt động chứng khoán trong mối liên kết với các khu vực dịch vụ của thị trường tài chính.

Bổ sung vào Luật Chứng khoán và các quy định về bảo vệ quyền lợi NĐT trước những thiệt hại do vi phạm công bố thông tin của CTNY. Nhà đầu tư có quyền khởi kiện lên các cơ quan chức năng theo đúng quy trình và thủ tục được hướng dẫn.

-Bổ sung quy định về xử phạt đối với các công ty vi phạm quy định về công bố thông tin bắt buộc và có chính sách khen thưởng đối với công ty làm tốt nghĩa vụ công bố thông tin tự nguyện. Đồng thời công bố rộng rãi qua các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về các công ty vi phạm và các công ty chấp hành tốt và tính thanh khoản của cổ phiếu niêm yết của các công ty đó, để các NĐT nắm bắt được thông tin, tích cực đầu tư thêm nhằm tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của các công ty làm tốt nghĩa vụ công bố thông tin.

Bên cạnh phạt tiền và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, công ty vi phạm quy định về công bố thông tin bắt buộc có thể bị xử phát bằng cách giới hạn khối lượng hoặc giá trị giao dịch của cổ phiếu hoặc hủy niêm yết. Ngoài ra, bổ sung hình thức khen thưởng hỗ trợ nâng cao tính thanh khoản cho cổ phiếu niêm yết (như xúc tiến bán, bảo lãnh) cho các công ty đã thực hiện tốt nghĩa vụ công bố thông tin tự nguyện nhưng tính thanh khoản của cổ phiếu lại chưa cao.

3.2.1.2. Tăng cường công tác giám sát và xử lý vi phạm công bố thông tin

Nhàm đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng để có được một TTCK ổn định, phát triển, bảo vệ quyền lợi và lợi ích pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt là công chúng đầu tư thì vấn đề công bố thông tin của các đối tượng tham gia thị trường một cách đầy đủ, kịp thời, chính xác là rất quan trọng. Để góp phần đạt được mục tiêu này, UBCKNN cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hoạt động công bố thông tin. Tại Việt Nam, hoạt động công bố thông tin được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan chức năng của UBCKNN, tùy thuộc vào từng đối tượng. Hoạt động công bố thông của các DNNY được giám sát bởi Ban Quản lý phát hành, Ban Quản lý kinh donah và Sở Giao dịch Chứng khoản. Thanh tra UBCKNN giám sát chung hoạt động công bố thông tin trên TTCK, kể cả công bố thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, cơ chế giám sát vẫn chưa rõ ràng, cụ thể nên chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Thực tế vẫn có sự chồng chéo nên hoạt động giám sát trên TTCK thời gian qua chưa đạt hiệu quả cao, chưa có kết quả như mong muốn. Do đó, để tang cường và hoàn thiện công tác giám sát, cần:

- Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị có chức năng giám sát hoạt động hoạt động công bố thông tin trên thị trường.

- Tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát giữa các đơn vị thực hiện chức năng giám sát.

- Xây dựng quy trình và các tiêu chí giám sát.

- Thiết lập cơ chế kiểm tra, thẩm định các thông tin khi xử lý và trước khi công bố.

Về xử lý vi phạm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán ngày 23 tháng 08 năm 2013. Đây cũng là một bước quan trọng trong việc hoàn chỉnh khung pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK tại Việt Nam, trong đó có hoạt động công bố thông tin. Trong các văn bản trên, có một số quy định về xử lý vi phạm công bố thông tin, đặc biệt là thông tin báo cáo tài chính:

- Cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Không thực hiện đăng ký người được ủy quyền công bố thông tin; không thông báo, thông báo không đúng thời hạn về việc thay đổi người được ủy quyền công bố thông tin theo quy định pháp luật;

+ Không thông báo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán về địa chỉ trang thông tin điện tử và mọi thay đổi liên quan đến địa chỉ này theo quy định pháp luật.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

+ Không tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật về phương tiện, hình thức công bố thông tin;

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi công bố thông tin không đúng thời hạn, không đầy đủ nội dung theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

- Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm sau:

+ Không lập trang thông tin điện tử theo quy định pháp luật;

+ Không công bố thông tin theo quy định pháp luật hoặc theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

+ Không xác nhận hoặc đính chính thông tin hoặc xác nhận, đính chính thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật khi có thông tin làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán hoặc khi nhận được yêu cầu xác nhận, đính chính thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;

+ Công bố thông tin có nội dung không chính xác.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân, trong trường hợp vi phạm quy định công bố thông tin, còn có thể bị áp dụng các biện pháp bổ sung như: buộc hủy bỏ, cải chính những thông tin sai lệch, không đúng sự thật, buộc tổ chức công bố thông tin phải bồi thường thiệt hại gây ra cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu xét về mức độ thiệt hại có thể phát sinh do hành vi vi phạm công bố thông tin gây ra thì khung xử phạt hành chính như vậy có phần còn nhẹ. Để ngăn chặn và răn đe việc lợi dụng hành vi vi phạm công bố thông tin nhằm mục đích chuộc lợi, cần xem xét nâng cao khung xử phạt trong lĩnh vực này.

3.2.1.3. Bổ sung một số nội dung thuộc chuẩn mực kế toán Việt Nam và chế độ kế toán hiện hành

Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và các quy định của chế độ kế toán Việt Nam hiện nay đang bộc lộ một số tồn tại và có những nội dung chưa thống nhất với chuẩn mực kế toán quốc tế. Những nội dung sau cần được xem xét chỉnh sưa, bổ sung:

(i) Cần bổ sung nguyên tắc Thực chất hơn hình thức (Substance over form) trong VAS 01 Chuẩn mực chung;

(ii) Bắt buộc lập và công khai báo cáo tài chính hợp nhất hàng quý;

(iii) VAS 23 nên chỉnh sửa lại là “Các sự kiện phát sinh sau ngày của bảng cân đối kế toán” thay vì “sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm”;

(iv) Chênh lệch tỷ giá hối đoái từ việc vay ngoại tệ liên quan đến tài sản dài hạn phải được vốn hóa;

(v) Lãi từ hoạt động kinh doanh (Operating profit) không bao gồm các khoản chi phí, thu nhập tài chính;

(vi) Cần sớm ban hành chuẩn mực Giảm giá trị tài sản (Impairment of assets); (vii) Bắt buộc trình bày tách biệt các hoạt động tiếp tục và các hoạt động không tiếp tục trong phần thuyết minh báo cáo tài chính;

(viii) Lãi để tính EPS không được bao gồm cả các khoản lãi không thuộc cổ đông của công ty mẹ;

(ix) Tính và trình bày EPS pha loãng, điều chỉnh hồi tố EPS khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu…;

(x) Báo cáo biến động vốn chủ sở hữu cần được trình bày thành một báo cáo riêng biệt theo thông lệ quốc tế;

(xi) Số liệu báo cáo tài chính cần trình bày nhiều năm;

(xii) Một số chỉ tiêu hữu ích cho nhà đầu tư cần được thuyết minh đầy đủ trên bản thuyết minh báo cáo tài chính;

(xiii) Trên báo cáo thường niên, các số liệu tài chính quan trọng cần được trình bày nhiều năm (05 năm đến 10 năm).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của công bố thông tin tới tính thanh khoản của các cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán việt nam (Trang 81 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)