Hoạch định chiến lược kinh tế cũng như định hướng thu hút đầu tư là yếu tố then chốt trong việc đề ra giải pháp thực hiện. Bên cạnh những khó khăn, thuận lợi do tự do hóa đầu tư đem lại, việc tìm ra những giải pháp tăng cường thu hút FDI vào Việt Nam đòi hỏi phải phát huy nhiều hơn nữa yếu tố tích cực, hạn chế tối đa mọi sự cản trở, đồng thời cần có sự nỗ lực tham gia,
phối hợp của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều thành phần trong việc đẩy mạnh thu hút FDI vào Việt Nam trong những năm tới đây. Trên cơ sở đó, chính sách thu hút FDI được điều chỉnh theo hướng:
(i) Những địa phương đã thu hút nhiều dự án FDI, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, đạt được trình độ phát triển tương đối cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... thì ưu tiên thu hút FDI vào các ngành công nghệ cao như điện tử, thông tin, công nghệ sinh học, dịch vụ hiện đại để giảm thiểu tình trạng quá tải trong quá trình đô thị hóa tăng nhanh lao động nhập cư, gây áp lực cho hạ tầng cơ sở và các vấn đề xã hội. Những địa phương này ưu tiên các ngành thâm dụng lao động cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
(ii) Các địa phương đã thu hút được một số dự án FDI quan trọng, có trình độ phát triển trung bình thì cần chọn lọc các dự án thâm dụng lao động, chú ý đến giá trị gia tăng đối với sản phẩm và công nghệ, đồng thời chuyển hướng thu hút FDI vào những ngành công nghệ cao, dịch vụ hiện đại.
(iii) Các địa phương chưa thu hút được nhiều dự án FDI thì cần coi trọng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút FDI vào những ngành thâm dụng lao động hoặc tiếp nhận chuyển dịch các dự án FDI từ các địa phương, vùng lãnh thổ đã đạt được trình độ phát triển cao.