Việc hoàn thiện và thống nhất mẫu biểu bảo lãnh dự thầu giữa các ngân hàng thương mại nói riêng và đảm bảo phù hợp thống nhất thể thức với quy định của Luật đấu thầu cũng như mẫu biểu ban hành của Bộ Kế hoạch đầu tư là tiền đề để đi đến hoàn thiện quy trình bảo lãnh dự thầu tại các ngân hàng thương mại. Trong trường hợp hiện tại, đối với mẫu biểu đã quy định theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT, không thể thực hiện thay đổi ngay và luôn toàn bộ hệ thống mẫu biểu, trước hết các ngân hàng thương mại cần chủ động linh hoạt để vừa đáp ứng yêu cầu hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước vừa phù hợp với mẫu biểu trong Hồ sơ mời thầu của Chủ đầu tư. Cụ thể đối với việc quy định luật áp dụng trong mẫu thư bảo lãnh, các ngân hàng thương mại nên lựa chọn phương án bắt buộc đưa vào mẫu thư, tuy nhiên đưa vào dưới hình thức footnote để tránh gây ảnh hưởng đến tổng thể mẫu biểu chung, ảnh hưởng đến khả năng trúng thầu của các nhà thầu tham gia đấu thầu. Như vậy các ngân hàng thương mại vừa tuân thủ đúng quy định và hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước, đồng thời vẫn đảm bảo tính phù hợp của mẫu biểu bảo lãnh dự thầu với Hồ sơ mời thầu.
Ngoài ra để tiến tới hoàn thiện mẫu biểu bảo lãnh dự thầu là một thể thức thống nhất, các ngân hàng thương mại dưới góc độ là bên trung gian trong hoạt động đấu thầu của khách hàng cần có các biện pháp tư vấn tài chính để tránh việc máy móc trong vận dụng và áp đặt lên các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại cần xây dựng, trau dồi và tổ chức huấn luyện đào tạo cho đội ngũ chuyên viên tín dụng một cách bài bản để có thể am hiểu sâu về luật áp dụng cũng như về nghiệp vụ để có thể đưa ra các giải pháp cũng như hướng dẫn tư vấn cho khách hàng phù hợp.
Tuy nhiên, để hoàn thiện mẫu biểu phù hợp giữa các Bộ ban ngành, bản thân các ngân hàng thương mại và đặc biệt là các ngân hàng thương mại đang chiếm thị phần lớn trong hoạt động bảo lãnh dự thầu tại Việt Nam hiện nay cần thống nhất trước về mẫu biểu bảo lãnh dự thầu trong hệ thống ngân hàng, tránh trường hợp mỗi ngân hàng xây dựng cho mình một hệ thống mẫu biểu khác nhau dẫn đến khó khăn và vướng mắc cho bản thân nhà thầu cũng như bên mời thầu khi tiếp cận đến các thông tin này. Do đã được quy định rất rõ ràng và chi tiết trong luật về cách thức xây dựng
cam kết bảo lãnh, việc xây dựng một mẫu biểu bảo lãnh chung trong hệ thống ngân hàng là hoàn toàn phù hợp và có thể thực hiện. Ngoài ra do các gói thầu thường dưới hai hình thức là đấu thầu trong nước và đấu thầu rộng rãi quốc tế hoặc phân chia theo nguồn vốn thì bao gồm nguồn vốn trong nước và nguồn vốn huy động từ các tổ chức tài trợ nước ngoài, các ngân hàng thương mại cần xây dựng mẫu biểu bảo lãnh dự thầu cho cả 2 tình huống trên nhằm đảm bảo tuân thủ nội dung thông tư của ngân hàng nhà nước và tuân thủ pháp luật điều chỉnh bảo lãnh dự thầu. Từ đó có thể giảm thiểu được các tranh chấp trong cách hiểu, cách diễn đạt và thể hiện nôi dung ở hoạt động bảo lãnh dự thầu. Cụ thể đối với mẫu biểu bảo lãnh dự thầu đối với các gói thầu trong nước, cần quy định rõ luật áp dụng ở đây là luật pháp Việt Nam. Ngoài ra đối với các gói thầu đấu thầu rộng rãi quốc tế và có nguồn vốn viện trợ từ nước ngoài, cần xây dựng và áp dụng URDG 758 để điều chỉnh, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên liên quan.
Việc hoàn thiện và thống nhất hệ thống mẫu biểu bảo lãnh dự thầu là tiền đề cũng như công cụ hữu hiệu để các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc phát triển cũng như gia tăng thị phần lợi nhuận từ hoạt động bảo lãnh dự thầu. Trên cơ sở đó các ngân hàng thương mại cũng có tiền để để phát triển hoạt động bảo lãnh dự thầu không chỉ giới hạn trong phạm vi trong nước mà còn phát triển ra phạm vi quốc tế, nâng tầm vị thế của doanh nghiệp cũng như ngân hàng thương mại Việt Nam.