mại trong nghiệp vụ bảo lãnh dự thầu
Qua thực tiễn các vụ tranh chấp và tồn đọng rủi ro phát sinh trong thời gian vừa qua tại hoạt động bảo lãnh dự thầu, chúng ta thấy rằng công tác quản trị rủi ro tại các ngân hàng thương mại ở Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, chưa kịp thời phát hiện các sai phạm trong quá trình thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh dự thầu. Chính vì vậy để phát triển hoạt động bảo lãnh dự thầu, các ngân hàng thương mại cần tăng cường phát triển và đào tạo đội ngũ nhân sự cán bộ ngân hàng đồng thời chặt chẽ hơn trong quản trị rủi ro nội bộ, đặc biệt là rủi ro đạo đức, rủi ro hoạt động nhằm hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại do việc các cán bộ lạm dụng quyền hạn, phát hành chứng thư bảo lãnh vượt thẩm quyền. Để làm được điều này, TCTD cần thực hiện các công việc sau:
Một là, xây dựng các chốt kiểm soát trước và sau bao gồm trong cả khâu thẩm định và vận hành nhằm hạn chế tối đa rủi ro phát sinh, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của từng chốt kiểm soát trong quy trình cấp bảo lãnh dự thầu tổng thể, đặc biệt phải kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng con dấu của các ngân hàng thương mại.
Hai là, xây dựng hệ thống tra cứu thông tin về việc phát hành bảo lãnh, tạo thuận lợi cho khách hàng, bên nhận bảo lãnh trong việc xác minh thông tin về việc phát hành cam kết bảo lãnh.
Ba là, xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm toán nội bộ hữu hiệu, thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Việc kiểm tra, kiểm toán nội bộ đối với hoạt động bảo lãnh có vai trò quan trọng trong việc hạn chế rủi ro. Do đó, cần phải thực hiện kiểm tra giám sát thường xuyên việc chấp hành pháp luật và quy định nội bộ về hoạt động bảo lãnh, kịp thời phát hiện các sai sót trong xử lý quy trình nghiệp vụ để từ đó kịp thời điều chỉnh, xử lý hành vi vi phạm.
Bốn là, nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ thực hiện nghiệp vụ Bảo lãnh dự thầu. Việc tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vai trò quan trọng trong bất cứ hoạt động kinh doanh nào. Để nâng cao hiệu quả nghiệp vụ bảo lãnh dự thầu và hạn chế rủi ro phát sinh từ nhân tố chủ quan thì việc nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ làm nghiệp vụ bảo lãnh dự thầu có ý nghĩa quan trọng. Để làm điều này các ngân hàng thương mại cần lựa chọn tuyển dụng cán bộ có trình độ, có năng lực phù hợp với nghiệp vụ bảo lãnh và thường xuyên bồi dưỡng kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ cho cán bộ. Tạo lập thêm các buổi trao đổi chia sẻ kiến thức liên quan đến hành lang pháp lý của hoạt động bảo lãnh dự thầu và các bài học rủi ro rút ra nhằm nâng cao hiểu biết của cán bộ ngân hàng. Bên cạnh đó, giữa hệ thống các ngân hàng thương mại, đặc biệt giữa hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh và cổ phần trong nước với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam phải nâng cao việc trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến các tập quán quốc tế và các tình huống phát sinh tranh chấp trong hoạt động bảo lãnh dự thầu quốc tế. Từ đó các cán bộ ngân hàng bao gồm cả thẩm định, tín dụng và hỗ trợ đều có khả năng nhìn nhận, phát hiện và đánh giá rủi ro không chỉ đối với bảo lãnh dự thầu áp dụng pháp luật Việt Nam mà còn đối với bảo lãnh dự thầu áp
dụng tập quán và thông lệ quốc tế. Chuyên viên ngân hàng phải là những người đầu tiên phát hiện rủi ro và có đủ kiến thức cũng như kỹ năng tư vấn cho khách hàng để tối thiểu hoá rủi ro bản thân họ có thể gặp phải, đặc biệt trong các trường hợp phát hành bảo lãnh dự thầu vô điều kiện.
Quản trị rủi ro tốt giúp các ngân hàng phát hiện, thống kê cũng như hạn chế được tối đa rủi ro có thể gặp phải trong hoạt động bảo lãnh dự thầu. Từ đó các ngân hàng thương mại có thể xây dựng được bộ dữ liệu và quy trình thẩm định Bên được bảo lãnh và Bên nhận bảo lãnh trong phương án bảo lãnh dự thầu một cách đầy đủ, chính xác và an toàn ngay từ khâu tiếp cận thẩm định phương án. Có như vậy các ngân hàng thương mại có thể dễ dàng phát triển mở rộng phạm vi hoạt động bảo lãnh dự thầu một cách an toàn và hiệu quả.