Ngân hàng nhà nước cần có những cải tiến và hướng dẫn cụ thể đối với các ngân hàng thương mại trong hoạt động bảo lãnh dự thầu. Mặc dù đã có thông tư hướng dẫn về quy định bảo lãnh ngân hàng tuy nhiên ngân hàng nhà nước cũng cần đảm bảo phù hợp với các văn bản pháp luật khác đang chi phối hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp. Đồng thời ngân hàng nhà nước cũng cần quy định rõ hơn về quy trình quy định giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động bảo lãnh dự thầu. Ngân hàng nhà nước cần xây dựng cơ chế pháp lý riêng biệt để giải quyết những tranh chấp này do hoạt động bảo lãnh dự thầu nói riêng và hoạt động bảo lãnh nói chung là hoạt động mang tính đặc thù và độc lập. Với tính chất như vậy, cơ chế pháp lý cụ thể để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động bảo lãnh cần được Ngân hàng nhà nước xây dựng và hoàn thiện theo hướng rút gọn các trình tự, thủ tục tố tụng so với thủ tục tố tục thông thường nhằm rút gọn thời gian giải quyết tranh chấp nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp nếu xét theo đúng tính chất độc lập của bảo lãnh dự thầu thì trách nhiệm thanh toán bảo lãnh dự thầu đầu tiên phải thuộc về bên bảo lãnh là các ngân hàng thương mại phát hành bảo lãnh chứ không phải là bên được bảo lãnh. Đồng thời ngân hàng nhà nước cũng phải quy định rõ bản chất bảo lãnh là một hoạt động độc lập nên trách nhiệm thanh toán bảo lãnh dự thầu trong trường hợp phát sinh truy đòi bảo lãnh đầu tiên phải thuộc về bên bảo lãnh, chứ không phải là bên được bảo lãnh. Đồng thời xác định trách nhiệm thanh toán bảo lãnh phải dựa trên cơ sở chứng từ thanh toán, tuân thủ nguyên tắc tính độc lập không bị chi phối của bảo lãnh dự thầu.
Ngân hàng nhà nước cần giải thích và làm rõ nguyên tắc cơ bản của bảo lãnh dự thầu: đó là nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của bảo lãnh dự thầu như đã đề cập ở trên. Nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của bảo lãnh dự thầu xuất phát từ đặc điểm bản chất của bảo lãnh dự thầu nói riêng và bảo lãnh ngân hàng nói chung. Theo nguyên tắc này và cũng theo mẫu bảo lãnh dự thầu vô điều kiện mà Bộ kế hoạch đầu tư đang ban hành cho các gói thầu nói chung, ngừời nhận bảo lãnh có quyền được thanh toán khi xuất trình yêu cầu đòi tiền phù hợp mà không cần có sự chấp thuận
của người được bảo lãnh. Đồng thời, trách nhiệm thanh toán của ngừời bảo lãnh hoàn toàn độc lập với hợp đồng cấp bảo lãnh giữa người bảo lãnh với người được bảo lãnh.
Theo quy định hiện tại của Ngân hàng nhà nước thì nguyên tắc nêu trên đều được ghi nhận nhưng mới chỉ được ghi nhận một cách gián tiếp thông qua quy định về trách nhiệm thanh toán bảo lãnh, quyền và nghĩa vụ của chủ thể chứ chưa phải là một điều khoản riêng biệt. Đặc biệt, đối với nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của bảo lãnh, việc quy định thành một nguyên tắc rõ ràng sẽ làm sáng tỏ hơn tính độc lập của lãnh dự thầu nói riêng cũng như bảo lãnh ngân hàng nói chung, hạn chế các tranh chấp phát sinh cũng như việc áp dụng sai pháp luật. Vì vậy bổ sung nguyên tắc bảo đảm tính độc lập của bảo lãnh dự thầu thành một điều khoản riêng biệt trong nội dung văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Nội dung cụ thể như sau: "Cam kết bảo lãnh có hiệu lực kể từ khi phát hành và không thể bị huỷ ngang. Việc thanh toán bảo lãnh hoàn toàn phụ thuộc vào điều khoản, điều kiện tại cam kết bảo lãnh đã được thiết lập trên cơ sở thoả thuận giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh, không phụ thuộc vào bất kỳ quan hệ nào khác".