Thứ nhất, cần nghiên cứu, xem xét và sớm xây dựng xây dựng một văn bản pháp quy riêng điều chỉnh toàn bộ hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ, nhằm đem lại những lợi ích thiết thực cho xã hội, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và các bên tham gia.
Thứ hai, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện kịp thời một số văn bản quy định hướng dẫn nhằm tăng cường quản lý một cách có hiệu quả hoạt động kinh doanh này, từđó có thể khai thác tối đa tiềm năng vàđẩy mạnh mô hình kinh tế chia sẻ phát triển; nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế.Hệ thống pháp luật sẽ giúp điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế chia sẻ, vừa đảm bảo môi trường thuận lợi cho nó phát triển, vừa tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa nền kinh tế này với mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống. Cụ thể là rà soát, xây dựng, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện một số văn bản pháp quy sau:
- Luật Thương mại: Điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện theo hướng tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các giao dịch kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là thương mại điện tử.
- Luật Giao dịch điện tử: Điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện theo hướng tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các giao dịch điện tử, đặc biệt là thương mại bán lẻ trực tuyến, thanh toán điện tử và tiền điện tử, hay các giao dịch trực tuyến xuyên biên giới có liên quan đến kinh tế chia sẻ.
- Luật Doanh nghiệp: Bổ sung đối tượng điều chỉnh của Luật nhằm tăng cường vai trò quản lý đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ.
- Luật Sở hữu trí tuệ: Bổ sung, hoàn thiện theo hướng hạn chế và nâng cao khả năng xử lý những phát sinh có liên quan đến tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, phòng vệ thương mại có thể phát sinh đối với doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức này.
- Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Bổ sung các đối tượng điều chỉnh có liên quan đến hoạt động kinh doanh chia sẻ và hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm phát sinh…
- Các luật về thuế: Bổ sung và hoàn thiện theo hướng tăng cường công tác giám sát, quản lý thuế và tăng chế tài xử lý vi phạm phát sinh…
Thứ ba là xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển các yếu tố cấu thành thị trường kinh tế chia sẻ ở Việt Nam như: Chính sách tín dụng, chính sách đầu tư (khuyến khích đầu tư phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo…); Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin và dữ liệu giữa chính quyền các cấp và các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các hộ kinh doanh. Xây dựng cơ chế, chính sách giảm thiểu rủi ro cho các bên trong hoạt động kinh tế chia sẻ bao gồm cảnh báo sớm cho người cung cấp dịch vụ, bảo vệ người tiêu dùng. Khuyến khích phong trào khởi nghiệp bằng cách mua sản phẩm của những doanh nghiệp sáng tạo và đổi mới.
Thứ tư là cần đưa ra các giải pháp quản lý nguồn thuế hiệu quả bằng các hành lang pháp lý và chính sách thu thuê, tránh thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước cũng như tạo sự công bằng cho các đối tượng nộp thuế bằng cách nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế và đặc thù tại Việt Nam. Hành lang pháp lý sẽ giúp Chính phủ Việt Nam kiểm soát được khoản thuế từ các công ty cung ứng dịch vụ và “người chia sẻ tài sản” – đây được coi là nguồn thuế lớn mà nhiều quốc gia đã không thể kiểm soát được. Thực tế trên thế giới và câu chuyện Uber ở Việt Nam cho thấy, việc quản lý thuế đối với mô hình “kinh tế chia sẻ” gặp rất nhiều khó khăn. Để việc quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh này có hiệu quả, các cơ quan thuế cần xây dựng những chính sách linh hoạt và điều chỉnh kịp thời, đồng thời cần đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kiểm soát các hoạt động trong mô hình kinh tế chia sẻ.