Đóng góp to lớn nhất của kinh tế chia sẻ cho nền kinh tế thế giới đó là tạo lập được mô hình kinh doanh mới bên cạnh các mô hình kinh doanh truyền thống. Điểm khác biệt lớn nhất của mô hình KTCS so với mô hình kinh doanh truyền thống đó là trung tâm của KTCS là ứng dụng công nghệ số. Theo đó, các giao dịch được thực hiện qua nền tảng trực tuyến do bên thứ ba cung cấp, mở ra nhiều cơ hội hơn cho người tiêu dùng lựa chọn (nhiều nhà cung ứng) với giá rẻ hơn. Bên cạnh đó, những tài sản vật chất được “chia sẻ” hoặc sử dụng như những dịch vụ, thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống từ “sở hữu tài sản” sang phương thức “sử dụng tài sản mà không cần sở hữu”…
Hình 2.5 : So sánh tăng trưởng mô hình kinh tế chia sẻ và truyền thống
Ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ sẽ đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025 so với doanh thu năm 2014 mới khoảng 15 tỷ USD. Doanh thu đến từ các lĩnh vực như: Cho vay ngang hàng và huy động vốn từ Cộng đồng; Nhân viên trực tuyến; Chia sẻ chỗ ở; Chia sẻ xe; Nhạc và video trực tuyến. Kinh tế chia sẻ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp Start-up. Khái niệm kì lân (Unicorn) dùng để chỉ các start-up được định giá từ 1 tỉ USD trở lên. Tính đến cuối tháng 1/2019, trên thế giới có 334 unicorn startup, với tổng định giá lên tới 1.084 tỉ USD. Có 40 Unicorn và thậm chí 10 decacorn trên toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế chia sẻ . Trong số các decacorns, tức là khởi nghiệp với mức định giá 10 tỷ USD, Mỹ chiếm bốn decacorns (Uber, Airbnb, WeWork, Dropbox) nhưng Trung Quốc cũng nổi lên như một gã khổng lồ khác thống trị với 4 công ty (Ant Financial, Didi Chuxing, Lufax .com, Meituan-Dianping). Châu Âu cũng có start-up kinh tế chia sẻ lớn mạnh với 7 Unicorn (BlaBlaCar, Farfetch, HelloFresh TransferWise, Funding Circle, Delivery Hero, Adyen) và 1 decacorn (Spotify) tính đến năm 2019.
Trong top 5 các doanh nghiệp Unicorn có giá trị lớn nhất, đã có tới 4 doanh nghiệp ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ (tính đến T1/2019) với tổng giá trị khoảng 280 tỷ USD.
Bảng 2.6 : Top 5 các startup có giá trị lớn nhất – tính đến tháng 1/2019 Doanh nghiệp Quốc gia Lĩnh vực Giá trị
Bytedance Trung Quốc Truyền thông 75 tỷ USD
Uber Mỹ Chia sẻ phương tiện 72 tỷ USD
DiDi Chungxi Trung Quốc Chia sẻ phương tiện 56 tỷ USD
WeWork Mỹ Chia sẻ văn phòng 47 tỷ USD
Airbnb Mỹ Chia sẻ chỗ ở 30 tỷ USD
Nguồn : CBI insights, 2019 , https://www.cbinsights.com/research-unicorn- companies
Các doanh nghiệp startup hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ cũng nhận được các khoản góp vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các quỹ Crowdfunding lên tới 28 triệu USD mỗi ngày (Crowd Companies Report, 2019). Điều đó cho thấy sức hút rất lớn từ các nhà đầu tư đối với mô hình kinh tế chia sẻ.