Có khá nhiều doanh nghiệp chưa nhận ra rõ được những rủi ro và những hậu quả pháp lý có thể phát sinh từ việc hủy bỏ hợp đồng nhập khẩu. Chính vì thế họ hủy bỏ hợp đồng nhập khẩu một cách khá dễ dàng, mà ít chú ý đến những hệ quả về sau. Để giảm thiểu và tiến đến loại bỏ vấn đề này, cần có những sự hỗ trợ pháp lý đối với doanh nghiệp.
3.2.1.1.Tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp một cách cụ thể về các chế tài và hậu quả pháp lý phát sinh từ việc hủy bỏ hợp đồng
nhập khẩu.
Mục tiêu: Giải pháp này nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu rõ về các chế tài cũng như hậu quả pháp lý phát sinh từ việc hủy bỏ hợp đồng nhập khẩu, để có một sự thận trọng hơn, mỗi khi đứng trước khó khăn, nhằm giảm thiểu đến mức tối đa những vụ việc hủy bỏ hợp đồng nhập khẩu từ đối tác nước ngoài.
Cách thực hiện: Định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý hay 6 tháng, tùy theo diễn biến của thị trường (ổn định hay biến động mạnh..) tổ chức hội thảo, hội nghị, mời ban lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu tại thành phố Hồ Chí Minh (có thể mở rộng ra tất cả cách doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn) cùng tham gia. Các chuyên gia về pháp lý trong ngành sẽ phổ biến, sau đó cùng những người tham dự thảo luận về các chế tài và hậu quả pháp lý phát sinh từ việc hủy bỏ hợp đồng nhập khẩu, đồng thời phân tích một số trường hợp đã phát sinh điển hình.
Điều kiện triển khai: Để triển khai tốt giải pháp, cần có ý kiến chỉ đạo của hiệp hội ngành hàng, cùng các lãnh đạo ban ngành có liên quan trên địa bàn. Vai trò quan trọng nhất vẫn là các hiệp hội có uy tín, đứng lên tổ chức để phổ biến và thảo luận về vấn đề này.
Dự kiến kết quả đạt được: Sau nhiều hội thảo, ban lãnh đạo và các nhà quản lý có thể hiểu rõ được các chế tài và hậu quả pháp lý phát sinh từ việc hủy bỏ hợp đồng nhập khẩu. Từ đó họ sẽ suy nghĩ một cách thấu đáo hơn, đưa ra các giải pháp tích cực hơn, mỗi khi thị trường khó khăn, thay vì chỉ đơn thuần nghĩ đến biện pháp tiêu cực là hủy hợp đồng nhập khẩu.
3.2.1.2. Thiết lập những điều lệ, điều luật nhằm hạn chế việc hủy bỏ hợp đồng
nhập khẩu
Mục tiêu: Tạo ra những quy định, luật lệ hạn chế việc hủy bỏ hợp đồng nhập khẩu có thể dễ dàng phát sinh.
Cách thực hiện: Các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan chức năng có liên quan, có thể đưa ra một số quy định ràng buộc các doanh nghiệp là hội viên hoặc trực thuộc quản lý, như các chế tài phạt doanh nghiệp khi hủy bỏ hợp đồng nhập khẩu từ đối tác nước ngoài, giảm thiểu quyền lợi, ưu đãi khi bị đối tác nước ngoài đưa vào danh sách đen (black list), phản ánh việc hợp tác thiếu uy tín….
Điều kiện triển khai: Thông qua cơ sở bàn bạc, thảo luận và thống nhất với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý sẽ đưa ra những quy định, luật lệ cụ thể, bao gồm những điều này, đồng thời lấy đó làm cơ sở để quản lý hoạt động chung của các hội viên.
Dự kiến kết quả đạt được: Sau khi đưa ra các luật lệ để nhằm phòng tránh, hạn chế việc hủy bỏ hợp đồng nhập khẩu, vô hình chung sẽ tạo một áp lực không nhỏ đến các doanh nghiệp, mỗi khi phải đứng trước lựa chọn tiếp tục thực hiện hay hủy bỏ hợp đồng. Và họ sẽ không còn hủy bỏ hợp đồng một cách dễ dàng như trước.