Chế độ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng nhập khẩu

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề hủy hợp đồng từ phía nhà nhập khẩu và những rủi ro đối với các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu tại thành phố hồ chí minh (Trang 33 - 36)

Khi vi phạm hợp đồng nhập khẩu, thụ trái phải chịu trách nhiệm dân sự này được thể hiện thông qua 4 loại chế tài sau:

Phạt là một hình thức trách nhiệm, một loại chế tài được áp dụng phổ biến đối với vi phạm hợp đồng ngoại thương. Luật pháp các nước đều cho phép trái chủ có quyền yêu cầu thụ trái trả một khoản tiền phạt nhất định do vi phạm hợp đồng nếu như trong hợp đồng hoặc các văn bản có liên quan, có mức quy định mức phạt và sau khi đã nộp tiền phạt rồi thì không phải bồi thường thiệt hại nữa, trừ những trường hợp cá biệt đã quy định cụ thể. Có hai loại phạt là phạt bội ước và phạt vạ:

Phạt bội ước: Là bên thụ trái phải nộp số tiền nhất định và sau khi nộp phạt thì không phải thực hiện hợp đồng nữa.

Phạt vạ (phạt chậm thực hiện hợp đồng) là phải nộp một số tiền nhất định, trong trường hợp thực hiện không đúng hợp đồng. Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán ngoại thương không quy định chế tài phạt vạ. Như vậy, chế tài phạt vạ thường chỉ áp dụng cho những trường hợp vi phạm cụ thể đã được quy định trong hợp đồng hay trong các điều ước quốc tế có liên quan hoặc có luật thực chất được áp dụng cho hợp đồng. Tuy nhiên có những trường hợp vi phạm phải áp dụng đồng thời cả hai chế tài thực hiện thực sự và chế tài phạt.

Ví dụ: Khi giao hàng chậm thì người bán vừa phải thực hiện vừa phải nộp phạt giao chậm.

 Chế tài bồi thường thiệt hại.

Nếu các bên không ấn định mức phạt trong hợp đồng thì khi vi phạm hợp đồng gây thiệt hại cho trái chủ sẽ phải bồi thường số thiệt hại đó. Có hai loại bồi thường:

Một là bồi thường có tính chất đền bù: Bên vi phạm phải đền bù lại số thiệt hại mà bên bị thiệt hại phải gánh chịu.

Ví dụ: Giao hàng kém phẩm chất, giao sai địa điểm, giao hàng có bao bì xấu.. Hai là bồi thường theo thời gian: Số tiền thiệt hại phải bồi thường tỷ lệ với thời gian vi phạm hợp đồng.

Ví dụ: Trả tiền chậm, giao chậm tài liệu.. Hình thức này được áp dụng phổ biến khi mà hợp dồng không quy định điều khoản phạt chậm thực hiện nghĩa vụ.

Bồi thường thiệt hại được tiến hành theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại bao gồm: Giá trị giảm sút tài sản, chi phí phải trả thêm, các khoản lợi không được hưởng nhưng có thể dự tính và chứng minh được. Ngoài ra không bồi thường thiệt hại gián tiếp và thiệt hại xã hội, đột xuất mà khi ký kết hợp đồng không thể lường được.

Chế tài thực hiện thực sự:

Chế tài này được áp dụng khi giải quyết các tranh chấp về việc không giao hàng, giao thiếu hàng, hàng có phẩm chất xấu, khi người mua không trả tiền hàng.. Khi có những vi phạm này, bên vi phạm vẫn phải thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng. Điều này có nghĩa là nếu người bán không giao hàng, người mua có quyền buộc người bán thực hiện thực sự giao hàng bằng chính số hàng dự kiến. Nếu không có hàng thì người bán phải mua hàng khác với cùng phẩm chất để giao và tự trả chi phí.

Khi bên bị vi phạm đòi bên vi phạm thực hiện thực sự mà không được thoả mãn, thì họ có quyền kiện ra toà án để buộc bên vi phạm phải thực hiện. Chế tài này có thể áp dụng đồng thời với chế tài phạt.

Chế tài huỷ hợp đồng.

Chế tài này được coi là nặng nhất đối với người bị vi phạm hợp đồng. Điều kiện để áp dụng chế tài này không giống nhau ở các nước khác nhau. Theo công ước Viên - 1980 thì việc huỷ hợp đồng chỉ được áp dụng khi không giao hàng hoặc không trả tiền trong thời gian đã gia hạn thêm hoặc khi vi phạm một cách cơ bản hợp đồng đã được ký kết.

Để cho việc hủy hợp đồng có hiệu lực thì bên vi phạm hợp đồng phải sẵn sàng làm mọi nghĩa vụ của mình và thông báo cho phía bên kia biết quyết định huỷ hợp

đồng của mình. Trường hợp đã nhận hàng thì các bên tự phải thương lượng giải quyết với nhau hoặc nhờ trọng tài giải quyết.

Việc huỷ hợp đồng sẽ mang lại hậu quả pháp lý như: hai bên được giải phóng khỏi các nghĩa vụ hợp đồng, nếu phần nào của hợp đồng đã được thực hiện thì có quyền yêu cầu phía bên kia hoàn chi phí lại. Nếu hai bên có cùng nghĩa vụ bồi hoàn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện song song.

Bên có lỗi trong việc vi phạm hợp đồng sẽ phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho bên kia.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề hủy hợp đồng từ phía nhà nhập khẩu và những rủi ro đối với các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu tại thành phố hồ chí minh (Trang 33 - 36)