Những vấn đề cơ bản của chính sách thuế nhập khẩu xe tải ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của thuế nhập khẩu ô tô đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty hino motors việt nam (Trang 28 - 29)

1.2.1 Thuế nhập khẩu

-Khái niệm

Theo quan niệm chung, thuế là khoản tiền do các tổ chức, cá nhân nộp cho Nhà nước để góp phần chia sẻ gánh nặng chi tiêu với Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong cấu trúc hệ thống thuế ở mỗi quốc gia, thuế nhập khẩu có vai trò và ý nghĩa thiết thực, không chỉ trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước hàng năm mà quan trọng hơn, nó còn là công cụ hữu hiệu để Nhà nước kiểm soát hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, bảo hộ sản xuất trong nước và thực hiện các mục tiêu đối ngoại của Chính phủ trong từng thời kỳ, đối với từng quốc gia hoặc từng nhóm quốc gia cụ thể. Mặc dù xuất hiện muộn hơn so với một số sắc thuế nội địa nhưng, thuế nhập khẩu đã nhanh chóng khẳng định được vai trò, tác dụng to lớn của mình đối với nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò kiểm soát hoạt động nhập khẩu hàng hóa với bên ngoài và bảo hộ nền sản xuất trong nước.

Thuế nhập khẩu là một loại thuế mà một quốc gia hay vùng lãnh thổ đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu. Khi phương tiện vận tải (tàu thủy, máy bay, phương tiện vận tải đường bộ hay đường sắt) đến cửa khẩu biên giới (cảng hàng không quốc tế, cảng sông quốc tế hay cảng biển quốc tế, cửa khẩu biên giới bộ) thì các công chức hải quan sẽ tiến hành kiểm tra hàng hóa so với khai báo trong tờ khai hải quan đồng thời tính số thuế nhập khẩu phải thu theo các công thức tính thuế nhập khẩu đã quy định trước. Về mặt nguyên tắc, thuế nhập khẩu phải nộp trước khi thông quan để nhà nhập khẩu có thể đưa mặt hàng nhập khẩu vào lưu thông trong nội địa, trừ khi có các chính sách ân hạn thuế hay có bảo lãnh nộp thuế.

Thuế nhập khẩu theo truyền thống được đưa ra chủ yếu để tăng thu cho ngân sách, tuy nhiên nó cũng có thể để giảm nhập khẩu bằng cách làm cho chúng trở nên đắt hơn so với các mặt hàng thay thế có trong nước và điều này làm giảm thâm hụt trong cán cân thương mại. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu còn giúp chống lại các hành vi phá giá bằng cách tăng giá hàng nhập khẩu của mặt hàng phá giá lên tới mức giá

chung của thị trường hay trả đũa trước các hành vi dựng hàng rào thuế quan do quốc gia khác đánh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của mình, nhất là trong các cuộc chiến tranh thương mại. Một chức năng quan trọng khác của thuế nhập khẩu chính là bảo hộ cho các lĩnh vực sản xuất then chốt cũng như bảo vệ cho các ngành công nghiệp non trẻ cho đến khi chúng đủ vững mạnh để có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế.

-Các đặc trưng cơ bản của thuế nhập khẩu:

Thứ nhất, thuế nhập khẩu có đối tượng chịu thuế là các hàng hóa được phép vận chuyển qua biên giới.

Thứ hai, thuế nhập khẩu là thuế gián thu. Điều này thể hiện ở chỗ, khi nhà nhập khẩu đã nộp xong thuế nhập khẩu và bán lại số hàng hóa đó cho người khác thì số tiền thuế nhập khẩu đã nộp có xu hướng chuyển sang cho người mua hàng chịu và do đó, khoản thuế nhập khẩu này lại có tính chất là thuế gián thu, bởi lẽ người nộp thuế và người chịu thuế không phải là một.

Thứ ba, thuế nhập khẩu gắn liền với hoạt động kinh tế đối ngoại của mỗi quốc gia nên thuế nhập khẩu không những góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn thể hiện cả những chủ trương, chính sách đối ngoại của nhà nước trong từng thời kỳ một cách rõ ràng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ảnh hưởng của thuế nhập khẩu ô tô đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty hino motors việt nam (Trang 28 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)