Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, thực thi, và đang đàm phán tổng cộng tới 16 các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam đã ký kết và thực thi 10 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA, và đang đàm phán 4 FTA khác. Trong 10 FTA đã ký kết và thực thi có 6 FTA ký kết với tư cách là thành viên ASEAN (gồm AFTA, 5 FTA giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và New Zealand), 4 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập (Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu), 2 FTA đã kết thúc đàm phán là FTA với Liên minh châu Âu, và hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), 4 FTA còn lại đang đàm phán bao gồm: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN – Hong Kong, FTA với Isarel và FTA với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA). Chính những hiệp định thương mại tự do này đã góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách thuế nhập khẩu xe tải vào Việt Nam.
Bên cạnh các hiệp định thương mại tự do, thì việc Việt Nam gia nhập vào tổ chức thương mại thế giới vào năm 2007 cũng là một mốc lịch sự có tác động mạnh mẽ vào chính sách thuế nhập khẩu của Việt Nam nói chung và thuế nhập khẩu xe tải
nói riêng.
Việt Nam đã có những cam kết về thuế nhập khẩu đối với ô tô tải sau đây: + Cam kết thuế quan trong khuôn khổ WTO.
Theo nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập WTO của Việt Nam, ký tại Geneva ngày 7/11/2006, sẽ có hiệu lực từ ngày 11/1/2007 và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành thành viên của WTO từ 11/1/2007.
Theo cam kết WTO, thuế suất cho xe tải không quá 5 tấn sẽ cắt giảm từ khi gia nhập (2007) là 80% trở về 50% trong thời hạn thực hiện là 12 năm, với loại xe khác sẽ cắt giảm từ 60%, 80% trở về mức 50% và 70% trong thời hạn là 5 năm và 7 năm, với phụ tùng ô tô sẽ cắt giảm từ 24,3% xuống còn 20,5% trong thời hạn từ 3 đến 5 năm.
+ Cam kết thuế quan trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (CEPT/AFTA).
Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN đã được 6 nước thành viên ASEAN nhất trí và được thành lập vào tháng 1 năm 1992 với mục tiêu tăng cường và thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế giữa các nước này. Nói một cách cụ thể thì, AFTA được thành lập để loại bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước Đông Nam Á với quan điểm hội nhập các nền kinh tế thành 1 cơ sở sản xuất duy nhất và tạo ra 1 thị trường đồng nhất . AFTA được thành lập thông qua 1 số thỏa thuận và nghị định thư, mà đầu tiên trong số đó là Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung cho khu vực thương mại tự do ASEAN (sau đây gọi tắt là CEPT7 ), đã được ký vào ngày 28 tháng 1 năm 1992. Hiệp định CEPT là một hiệp định quan trọng bậc nhất của AFTA và là công cụ để mở cửa thị trường cho thương mại giữa 6 nước thành viên ASEAN (Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Việt Nam tham gia Hiệp định CEPT ngày 15 tháng 12 năm 1995 thông qua Nghị định thư về việc tham gia Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung cho khu vực thương mại tự do của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.8 Lào và Myanma tham gia vào ngày 23 tháng 7 năm 1997
và Campuchia tham gia vào ngày 30 tháng 4 năm 1999. Cụ thể, hiệp định CEPT quy định lộ trình cắt giảm thuế quan trong khu vực cho các sản phẩm có trong danh mục CEPT xuống còn 0-5% thông qua một lộ trình cắt giảm có sự phân biệt giữa các nước thành viên cũ (còn gọi là ASEAN 6, bao gồm: Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) và Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam (còn gọi là CLMV). ASEAN 6 đã được yêu cầu cắt giảm thuế quan trong khu vực xuống 20% vào năm 1998 và 0-5% vào năm 2003. Việt Nam đã được yêu cầu cắt giảm thuế quan trong khu vực xuống còn 0-5% vào năm 2006, Lào và Myanma vào năm 2008 còn Campuchia vào năm 2010. Thông qua việc ký kết Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về thuế quan ưu đãi có hiệu lực (CEPT) cho khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) để xóa bỏ thuế nhập khẩu, các nước AMSs đã cam kết loại bỏ tất cả thuế nhập khẩu vào năm 2010 (đối với ASEAN 6), và vào năm 2015 có thể linh hoạt đến năm 2018 (đối với CLMV).
Theo cam kết trong CEPT/AFTA, ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ khối ASEAN về Việt Nam sẽ được giảm thuế suất thuế nhập khẩu xuống theo lộ trình: 50% vào 2015 xuống 40% vào 2016, 30% vào 2017 và 0% vào 2018. Riêng thuế suất cho ô tô vừa chở người vừa chở hàng là 15% và tiến về 0% vào 2018. Các loại xe tải khác đã được cắt giảm xuống mức 5% từ 2006. Về thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô các loại thuế giảm từ 5% năm 2006 xuống còn 0% năm 2015.
+ Cam kết thuế quan trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc.
Nội dung cam kết cắt giảm thuế của Việt Nam trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được điều chỉnh bởi Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN-Trung Quốc được các nhà lãnh đạo Thượng đỉnh ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 tại Campuchia (gọi tắt là Hiệp định Khung), Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN-Trung Quốc được ký kết ngày 29/11/2004 tại Lào, tiếp đó Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam-Trung Quốc ký ngày 18/7/2005 tại Trung Quốc (MOU). Hiệp định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2006. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan của 90% số dòng thuế trong vòng 10 năm, linh
hoạt đến lộ trình cuối cùng vào năm 2018. Số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết cắt giảm về từ 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2020.
Theo cam kết Hiệp định ASEAN – Trung Quốc, xe tải dưới 5 tấn cắt giảm thuế suất từ 100% năm 2005 xuống mức 45% vào năm 2014, xe tải từ 5 tấn đến 10 tấn cắt giảm thuế suất từ 60% năm 2005 xuống 30% năm 2012. Về thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô mức cắt giảm cuối cùng là 5% vào năm 2018.
+ Cam kết thuế quan trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc. Việt Nam tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) từ năm 2005 và bắt đầu thực hiện các cam kết về thuế nhập khẩu từ năm 2007. Trong Hiệp định AKFTA, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 86% tổng số dòng thuế vào năm 2018. Lộ trình cắt giảm cuối cùng của Hiệp định AKFTA là năm 2021. Ngoài các dòng thuế đã được xóa bỏ thuế quan vào năm 2018, dự kiến khoảng 620 dòng thuế sẽ được giảm thuế về 5% (tập trung vào một số nhóm như điện tử, cơ khí, sắt thép và kim loại cơ bản, sản phẩm hóa dầu, phụ tùng máy móc, một số mặt hàng ô tô đặc chủng và chuyên dụng…); những mặt hàng còn lại không cam kết hoặc duy trì thuế suất cao (50%) gồm ô tô nguyên chiếc, linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, xe đạp, đồ điện gia dụng, sắt thép, điện tử, rượu, thuốc lá, xăng dầu….
Theo cam kết Hiệp định ASEAN – Hàn Quốc, hầu hết các loại xe ô tô đưa vào danh mục không phải giảm thuế, riêng đối với các loại xe thiết kế đặc biệt như xe chở rác, xe đông lạnh, cam kết cắt giảm xuống 0% vào năm 2016.
+ Cam kết thuế quan trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Nhật Bản.
Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt là ASEAN) và Nhật Bản ký ngày 3 tháng 4 năm 2008 và có hiệu lực thực hiện ngày 15/8/2008. Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 8231 dòng thuế (chiếm 88.6% tổng Biểu) trong vòng 16 năm, gần 100 dòng thuế cắt giảm xuống 5% và khoảng 10% số dòng thuế còn lại cắt giảm một phần thuế suất hoặc không cam kết.
Theo cam kết Hiệp định ASEAN – Nhật Bản, các dòng xe tải đều không phải giảm thuế.
+ Cam kết thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) được ký kết vào ngày 25/12/2008 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2009. Hiệp định VJEPA có nội dung toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển của thể nhân. Theo đó, vào năm cuối của Lộ trình giảm thuế (2026), tức là sau 16 năm thực hiện Hiệp định, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan đối với 90,64% số dòng thuế, trong đó xóa bỏ thuế quan ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực đối với 29,14% số dòng thuế. Các dòng thuế còn lại là các dòng thuế CKD ô tô và các dòng thuế nhậy cảm duy trì thuế suất cơ sở hoặc không cam kết cắt giảm chiếm khoảng 9%, tập trung vào một số nhóm Rượu, thuốc lá, một số sản phẩm hóa chất, chất nổ, cao su, bông, vải, sắt thép... Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2015/BTC-TT ngày 14/2/2015 về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam thực hiện Hiệp định VJEPA tiếp tục cho giai đoạn 2015-2018. Theo đó, tính tới thời điểm 1/4/2015, Việt Nam cam kết xóa bỏ tổng số 32,92% các dòng thuế trong Hiệp định VJEPA. Cho tới thời điểm 1/4/2018, số dòng thuế cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% của Việt Nam sẽ chiếm 41,78% tổng biểu.
Nhìn chung việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong khuôn khổ WTO không lớn bằng mức cắt giảm theo các cam kết tự do hóa thương mại khu vực mà Việt Nam tham gia.