➢ Áp lực cạnh tranh của đối thủ trong ngành
Tính đến ngày 11/03/2018 kiểm tra trên Trangvangvietnam.com, hiện trên cả nước có 228 công ty và đại lý gạo, 113 nhà máy xay xát lúa gạo, trong đó có khoảng 150 doanh nghiệp đủ điều kiên xuất khẩu gạo (theo Hiệp hội lương thực Việt Nam năm 2011), cho thấy số lượng đối thủ cạnh tranh trong ngành là khá lớn. Trong đó, top các công ty lớn, đứng đầu sản lượng tiêu thụ gạo bao gồm Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2); Tổng công ty lương thực miền bắc (Vinafood 1); Công ty CP XNK An Giang; Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng; Công ty Cổ Phần Kinh Doanh Nông Sản Kiên Giang…. Đây là các công ty lớn trong ngành nhưng không chi phối ngành do lượng gạo tiêu thụ chủ yếu từ hoạt động xuất khẩu với các hợp đồng xuất khẩu tập trung của nhà nước. Các đối thủ này cũng hoạt động mạnh ở trong nước khi có mặt tại hầu hết các siêu thị lớn, cửa hàng thực phẩm trên cả nước. Ngoài ra, rào cản rút lui khỏi ngành thấp khi nhiều doanh
nghiệp không cần nhiều tài sản, máy móc mà chỉ cần kho để báo quản thóc gạo rồi đi thu mua lúa gạo, còn các hoạt động khác như trồng trọt, xay xát, đánh bóng, vận chuyển thì đi thuê ngoài.
Cùng với đó, nhu cầu gạo tiêu thụ trên thế giới tuy có sự tăng trưởng đều nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng chậm khi chỉ đạt 1,65%/năm và có xu hướng tăng chậm hơn các năm trước và giảm dần. Tại Việt Nam, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Thống kê, khối lượng tiêu thụ gạo bình quân đầu người mỗi tháng của Việt Nam giảm dần từ mức 12 kg/người/tháng vào năm 2002 xuống mức 11 kg/người/tháng vào năm 2008 và đến năm 2012 thì tiêu thụ gạo bình quân đầu người một tháng xuống còn 9,6 kg/người/tháng. Năm 2015, bình quân mỗi người Việt Nam tiêu thụ 8,8 kg gạo/tháng. Điều này cho thấy nhu cầu đối với ngành lúa gạo đang có xu hướng giảm dần.
Vậy, ta có thể thấy mức độ cạnh tranh trong ngành lúa gạo là rất lớn với rất nhiều đối thủ cạnh tranh, trong khi đó nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của ngành có xu hướng giảm.
➢ Áp lực cạnh tranh của đối thủ tiềm ẩn
Như đã phân tích ở trên, do nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của ngành đang có xu hướng giảm, tỷ suất lợi nhuận thấp nên sức hấp dẫn của ngành có xu hướng
Hình 3.6: Tiêu thụ gạo bình quân đầu người 2002 – 2014
Nguồn: VHLSS, Tổng cục thống kê, 2017
giảm. Đồng thời, hiện nay việc khách hàng yêu cầu về chất lượng, độ an toàn của gạo ngày càng cao cùng với áp lực cạnh tranh lớn đòi hỏi các doanh nghiệp, thương nhân phải đầu tư nhiều hơn vào ngành và đặc biệt là quản lý chất lượng hàng hóa để có thể phát triển lâu dài. Hai điều nay tạo áp lực đối với doanh nghiệp, thương nhân khi muốn tham gia vào ngành lúa gạo. Tuy nhiên, rào cản gia nhập và rút lui khỏi ngành lúa gạo thấp do không cần nhiều yêu cầu về vốn, khoa học công nghệ và máy móc nên việc các doanh nghiệp, thương nhân muốn thử sức trong ngành dễ dàng tham gia cũng như là rút lui khỏi ngành. Nên ta có thể kết luận, sức ép cạnh tranh của các công ty mới gia nhập ngành là không lớn.
➢ Áp lực cạnh tranh của sản phẩm thay thế
Kinh tế tăng trưởng đã tạo điều kiện mức sống của người dân được cải thiện, sở thích tiêu dùng thay đổi theo hướng giảm lượng gạo tiêu thụ và tăng các loại thực phẩm khác có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn, tốt cho sức khỏe như trứng, sữa, hải sản, thịt…. Tính trung bình cả nước, chi cho gạo trong tổng chi ăn thường xuyên giảm từ khoảng 40% năm 2002 xuống còn khoảng 30% năm 2012. Thông thường,
Hình 3.7: Tỷ lệ chi tiêu hộ gia đình phân theo nhóm ngũ vị phân thu nhập năm 2002 và 2012
các hộ có điều kiện kinh tế khó khăn sẽ ăn nhiều gạo hơn, còn các hộ có mức thu nhập tốt sẽ tiêu thụ ít gạo hơn và thay vào đó là các thực phẩm khác. Trong khi đó, các mặt hàng thay thế ngày càng đa dạng và được phân phối mọi nơi với giá cả đủ loại từ giá thấp cho đối tượng thu nhập thấp đến giá cao cho đối tượng thu nhập cao. Nên khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm thay thế dễ dàng, thay cho các sản phẩm gạo.
Từ Hình 3.7 ta thấy, lượng sản phẩm thay thế như sản phẩm từ gia súc, hải sản, rau, củ quả, ngũ cốc có sản lượng tiêu thụ tăng trong tiêu dùng hàng ngày của người tiêu dùng, tạo áp lực lớn đối với doanh nghiệp.
➢ Áp lực từ sức mạnh của nhà cung cấp
Nhà cung cấp trong ngành lúa gạo bao gồm các hộ nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất ra thóc gạo và các thương lái, đại lý, công ty bán buôn cung cấp thóc, lúa và gạo bán thành phẩm cho doanh nghiệp.
Đối với các hộ nông dân, hợp tác xã trực tiếp sản xuất, như đã phân tích ở trên phần chuỗi giá trị lúa gạo thì Số lượng các hộ nông sản, hợp tác xã trên cả nước là rất lớn (khoảng 8,8 triệu hộ) sản xuất manh mún, nhỏ lẻ nên gặp nhiều bất lợi trong việc bán sản phẩm thóc, lúa của mình. Cùng với đó áp lực về thời vụ thu hoạch ngắn, không có kho bảo quản và phụ thuộc nhiều vào vật tư của thương lái cung cấp nên các hộ nông dân, hợp tác xã phụ thuộc nhiều vào thương lái và các doanh nghiệp nên không gâp áp lực lớn đối với doanh nghiệp thu mua.
Đối với các thương lái, doanh nghiệp bán buôn thì có số lượng nhiều nên có tính cạnh tranh cao và thông tin về các nhà cung cấp có thể dễ dàng tìm thấy. Ngoài ra, khả năng bảo quản thóc, lúa của một số thương lái không cao, trong khi đó yêu cầu tiêu thụ gạo là lớn (chỉ trong vài tháng, để đảm bảo chất lượng gạo). Trong khi đó, sự khác biệt hóa trong các sản phẩm gạo là không cao nên chi phí chuyển đổi nhà cung cấp thấp.
Như vậy, áp lực từ các nhà cung cấp đối với doanh nghiệp là thấp. Tuy nhiên, do vựa lúa gạo chính của cả nước ở đồng bằng sông Cửu Long nên điều này gây khó khăn, áp lực cho Công ty trong sản xuất, thu mua, làm tăng chi phí, giá thành gạo.
➢ Áp lực từ sức mạnh của khách hàng
Đối với khách hàng lẻ ở thành thị, họ có yêu cầu cao đối với chất lượng, độ an toàn của gạo. Số lượng khách hàng lẻ ở các thành phố lớn có mức độ tập trung cao, có mức độ nhạy cảm với nhãn hiệu sản phẩm và sự khác biệt của hàng hóa cao. Trong khi đó, họ có thể dễ dàng tìm hiểu được thông tin các loại gạo và dễ dàng mua được các mặt hàng thay thế đa dạng trên thị trường nên áp lực của khối khách hàng ở các thành thị đối với doanh nghiệp là khá lớn. Điều đó ngược lại đối với các khách hàng lẻ ở nông thôn, khi họ không yêu cầu cao đối với các sản phẩm gạo, tuy nhiên lượng gạo tiêu dùng của họ chủ yếu là tự cung, tự cấp hoặc mua trực tiếp từ người sản xuất.
Đối với khách hàng phân phối, thì áp lực phụ thuộc vào sản lượng gạo tiêu thụ của nhà cung cấp. Như đối với các siêu thị lớn, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Vinmax, Intimex, … gây áp lực lớn đối với nhà cung cấp về lượng hàng, chất lượng hàng hóa và thời gian giao hàng. Còn đối với các cửa hàng thực phẩm sạch có sản lượng tiêu thụ thấp thì không gây áp lực lớn đối với doanh nghiệp.
Với các bếp ăn tập thể, áp lực đối với nhóm này chủ yếu từ độ an toàn của sản phẩm, trong khi áp lực đối với chất lượng sản phẩm là không cao. Các bếp ăn tập thể thường yêu cầu cung cấp gạo hàng ngày với số lượng lớn tạo áp lực về đối với khả năng giao hàng của doanh nghiệp như thời gian giao hàng, khả năng vận chuyển.
Đối với nhóm khách hàng nhập khẩu nước ngoài, theo đánh giá của phòng marketing, đây là các đối tác mua hàng với số lượng lớn, yêu cầu sản phẩm có độ an toàn cao và có nhiều lựa chọn nhà cung cấp gạo trên thế giới nên sẽ tạo áp lực lớn về số lượng và thời gian giao hàng đối với doanh nghiệp. Cụ thể, đối với một số khách hàng như ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước phát triển thường có yêu cầu cao đối với chất lượng gạo về độ thơm ngon của gạo, mức độ hàm lượng các chất cùng với các yêu cầu khắt khe trong quy trình trồng trọt, chế biến và bảo quản đảm bảo chất lượng và độ an toàn của gạo. Đối với nhóm khách hàng này sẽ gây áp lực lớn đối với doanh nghiệp về tổng thể các hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và vận chuyển gạo.